Ngày 26-2 Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Theo đó, quy chế thi năm nay có nhiều điểm mới, nhiều quy định khắt khe đối với thí sinh, cán bộ coi thi… Điểm đặc biệt trong kỳ thi năm nay là sẽ tiến hành theo cụm, đổi chéo chấm thi.
Bộ GD-ĐT cho biết nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Thí sinh tự do cũng phải thi đủ các môn thi, theo nội dung thi, hình thức thi quy định của năm tổ chức kỳ thi.
Chấm thi chéo giữa các tỉnh
Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT phải kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học; đảm bảo tính chính xác, khoa học, tính sư phạm; phân loại được trình độ của người học; phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.
Đề thi tự luận do một số chuyên gia khoa học, chuyên viên, giảng viên, giáo viên có uy tín và năng lực khoa học ở một số ĐH, trường ĐH, trường THPT, cơ quan ở trung ương và địa phương đề xuất theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Việc ra đề thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm trong ngân hàng câu hỏi thi, do phần mềm máy tính thực hiện.
Nếu đề thi tự luận gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương chấm chéo. Theo đó, bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ do tỉnh chấm nhưng các bài thi tự luận sẽ tổ chức chấm chéo. Mỗi bài thi tự luận (đã cắt phách) phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân.
Riêng phiếu trả lời trắc nghiệm được giữ nguyên không rọc phách. Các phiếu trả lời trắc nghiệm là bài làm của thí sinh đều được quét, xử lý và chấm bằng máy. Các thành viên tham gia tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì.
Tổ chức thi theo cụm trường, thí sinh cách nhau ít nhất 1,2m
Theo quy chế, các Sở GD-ĐT sắp xếp các cụm trường để tổ chức thi. Mỗi cụm trường gồm ít nhất ba trường THPT hoặc ba trung tâm giáo dục thường xuyên; hoặc thành lập cụm thi hỗn hợp gồm ít nhất hai trường THPT và hai trung tâm giáo dục thường xuyên. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo, đi lại khó khăn, không đáp ứng quy định thì Sở GD-ĐT phải báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo ba bước. Bước 1 là xếp theo thứ tự ban: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn, Cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có). Bước 2 là xếp theo thứ tự ngoại ngữ, trong mỗi ban, trừ thí sinh giáo dục thường xuyên, xếp theo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật). Bước 3, tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c...
Trong mỗi phòng thi, sắp xếp thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2m; mỗi phòng thi 24 thí sinh, phòng thi cuối cùng của mỗi ngoại ngữ hoặc giáo dục thường xuyên, không quá 28 thí sinh.
Thí sinh tự do được đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú, theo xác nhận của chính quyền cấp xã.
Chủ tịch hội đồng coi thi, toàn bộ số phó chủ tịch, trừ các phó chủ tịch phụ trách cơ sở vật chất, một nửa số thư ký và toàn bộ giám thị được điều động đến từ những cơ sở giáo dục không có học sinh dự thi tại hội đồng coi thi.
Trong mỗi phòng thi phải đủ hai giám thị, số giám thị ngoài phòng thi được bố trí tùy theo yêu cầu riêng của từng hội đồng coi thi. Hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi lại phòng thi đã coi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần.
Quy chế quy định giám thị ngoài phòng thi không được vào khu vực hành lang phòng thi và xung quanh phòng thi khi thí sinh đang làm bài, trừ trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của chủ tịch hội đồng. Ngoài ra, công an, bảo vệ và nhân viên phục vụ kỳ thi không được vào khu vực phòng thi, kể cả hành lang phòng thi khi thí sinh đang làm bài, trừ trường hợp được chủ tịch hội đồng coi thi cho phép.
Đề thi bị lộ: chỉ có Ban chỉ đạo thi Trung ương kết luận Chỉ có Ban chỉ đạo thi Trung ương mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi. Khi đề thi chính thức bị lộ, Ban chỉ đạo thi Trung ương quyết định đình chỉ môn thi bị lộ đề. Các môn thi khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn bị lộ đề sẽ được thi bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi;
Ban chỉ đạo thi Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xác minh, kết luận nguyên nhân lộ đề thi, người làm lộ đề thi và những người liên quan, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu thiên tai xảy ra nghiêm trọng trong những ngày thi trên quy mô toàn quốc, Ban chỉ đạo thi Trung ương báo cáo Bộ trưởng quyết định lùi buổi thi và cho thi đề thi dự bị vào thời gian thích hợp. Các trường hợp bất thường khác đều phải được báo cáo và xử lý kịp thời theo phân cấp quản lý, chỉ đạo kỳ thi.
Thí sinh được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi: bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Thí sinh mang theo tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi hoặc các phương tiện thu phát thông tin không được quy định vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Thí sinh học theo chương trình nào (chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó; thí sinh làm cả hai phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi. |