Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 36,866
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Tốt nghiệp đại học, một việc làm hấp dẫn, lương cao là mong ước của nhiều bạn trẻ. Có nhiều người sau khi ra trường đã lao vào kiếm tiền ngay nhưng cũng có người quyết tâm phải có được tấm bằng thạc sĩ mặc dù mục đích để có những văn bằng ấy đôi khi chẳng để làm gì.
Trở thành thạc sĩ, tiến sĩ là giấc mơ của hầu hết sinh viên... ảnh: Đ.N.Thạch |
Kiếm nhiều tiền hơn học... cao
Ra trường chưa được 2 năm, Trâm Anh đã trở thành trợ lý giám đốc cho một nhãn hàng về mỹ phẩm khá nổi tiếng với mức lương cao chót vót. Bạn bè nghe qua, ai cũng thán phục, chỉ có Trâm Anh là cứ đắn đo mãi về việc "học cao học hay đi làm kiếm tiền".
Trâm Anh lý giải: "Bây giờ, bằng cử nhân chẳng làm được gì. Nếu mình không học thì cứ giậm chân tại chỗ trong khi mấy đứa bạn trở thành thạc sĩ, tiến sĩ hết trơn". Thế nhưng khi được hỏi, tại sao Trâm Anh không theo cao học mà lại tiếp tục con đường làm trợ lý, cô bạn cười tỉnh queo: "Nghe nói học cao học mất hết mấy chục triệu, trong ngần ấy năm mà chỉ có ăn với học thì lấy tiền đâu nuôi cái miệng. Đó là chưa kể văn bằng sau khi được đào tạo có thật sự chất lượng hay không?".
Gặp Xuân Thái (tốt nghiệp ngành Ngữ văn - ĐH KHXH-NV) khi Thái đang bận rộn sắp xếp một cuộc họp báo cho công ty, Thái vui vẻ cho biết: "Ra trường xong là mình đi làm ngay, không còn thời gian nghĩ đến chuyện học lên nữa. Mỗi lần nghe bạn bè đứa này thi cao học, đứa kia chuẩn bị sang nước ngoài học cao là lại thấy muốn lao đầu vào thi như người ta nhưng điều kiện không cho phép".
Thái cho rằng nếu theo đuổi con đường cao học, có nghĩa là phải tạm ngưng việc kiếm tiền, trong khi với tấm bằng thạc sĩ ngôn ngữ học của mình, Thái chỉ có thể làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Điều này xem ra không hợp với anh chàng năng động, không thể nào ngồi yên một chỗ quá 2 giờ đồng hồ.
Cũng đắn đo giữa hai con đường, Hải Vinh (cử nhân ngành Trung Quốc học) đang làm thông dịch viên cho một công ty nước ngoài, bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn: "Mức lương của tôi có thể nuôi cả tôi và bố mẹ cho nên dù muốn dù không, tôi cũng không thể gián đoạn việc kiếm tiền để tiếp tục việc học. Theo tôi, chỉ cần mình có ý chí thì sau này khi có điều kiện vẫn có thể theo đuổi mục đích của mình. Sợ nhất là quan niệm học chỉ để có bằng cấp với người ta chứ không phải là đam mê thật sự...".
Trong khi đó, dù tốt nghiệp lớp 12 với sức học trung bình, 2 lần thi đại học đều không đỗ, ngay cả trường dân lập, đùng một cái Ngọc Dung đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Tin tức giật gân này đã làm đám bạn của Dung không khỏi ngạc nhiên, chỉ có Dung là thản nhiên khăn gói đi "tậu" bằng thạc sĩ ngay tại thủ đô nước Pháp. Không ai biết Dung làm thế nào để xoay xở với học lực như vậy, nhưng Dung cho biết khoảng 3 học kỳ nữa cô sẽ chính thức bảo vệ luận án. Còn luận án đó như thế nào, áp dụng vào thực tế ra sao, bao nhiêu phần trăm kiến thức là của Dung thì chỉ có cô mới biết.
Cũng "đi tìm" thạc sĩ từ con đường du học tự túc, trở về nước với tấm bằng toàn tiếng nước ngoài, Khương Thịnh được một công ty xuất nhập khẩu tuyển vào vị trí giám đốc marketing. Thế nhưng, chưa đầy 2 tháng Thịnh đã phải khăn gói ra đi vì không nắm được quy trình xuất nhập khẩu, các khoản thuế suất lẫn khả năng quản lý, điều hành. Bây giờ, đi đâu Thịnh cũng tuyên bố "hình như" môi trường làm việc của VN không thích hợp với anh!
"Cái bánh" không dành cho tất cả
Được trở thành thạc sĩ "ai mà không muốn". Đó là phát biểu của nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học nhưng từ chỗ "muốn" và "biến" nó thành sự thật hoàn toàn cách xa nhau.
Chị Tô Thanh Hiếu (Phó giám đốc điều hành TT Anh văn Hội Việt Mỹ) chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm thực tế của mình: "Tôi đã từng tham gia học cao học về quản trị kinh doanh nhưng chưa đầy một năm đành phải bỏ cuộc vì phương pháp giảng dạy quá thụ động. Hầu như thời gian lên lớp là đọc và chép những môn học không sát với thực tế. Điều này đã khiến khá nhiều học viên không còn “đủ lửa” để tiếp tục theo đuổi mặc dù trở thành thạc sĩ là mơ ước không chỉ của riêng cá nhân tôi".
Thúy Lan là một trường hợp khác. Ra trường, loay hoay gần một năm vẫn chưa tìm được việc, Thúy Lan quyết định đăng ký thi cao học trong khi khả năng nghiên cứu của Lan trong suốt thời đại học chỉ dừng lại ở việc "trích dẫn tài liệu" và "ghép" ý ông này với ý bà kia thành ý của mình. Chính vì lý do đó, cả 2 năm Lan đều trượt. Việc làm không, học cao học cũng không xong, Lan đành gác mộng thạc sĩ của mình để chạy đôn chạy đáo kiếm tiền vì bạn bè xung quanh ai cũng dần ổn định.
Có trường hợp còn "đau đầu" hơn khi cha mẹ ép con trở thành thạc sĩ chỉ vì muốn "nở mày nở mặt" với họ hàng. Cái giá để lọt qua kỳ thi tuyển cộng thêm 3 năm trời học tập, nghiên cứu, bảo vệ luận án cũng không thể "cứu" nổi một thạc sĩ cho ra thạc sĩ nên cuối cùng tấm bằng chỉ để "ngắm".
Nhận xét về vấn đề này, GS.TS Lê Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) nói: "Chúng ta đang cấp bằng trình độ cao cho người có trình độ không cao". Và ông Vũ Ngọc Đại (Hiệu phó Trường ĐH Ngoại ngữ HN) thì cho rằng: "Đang có tình trạng đổ xô đi làm thạc sĩ. Người không hề có khả năng nghiên cứu cũng học".
Điều này có lẽ đã phản ánh hiện tượng đi đến đâu cũng nghe sinh viên đổ xô nhau học cao học. Trong năm 2003, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo thạc sĩ đã tăng từ con số 7.500 lên đến 11.500. Thử đặt một câu hỏi: "11.500 thạc sĩ này sẽ làm gì trong tương lai?". Rõ ràng, muốn nuốt trôi "cái bánh thạc sĩ" không dễ dàng chút nào vì nó không dành cho tất cả mọi người.
Nguồn: (Theo Thanh Niên)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này