Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 15,186
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi Tp.HCM phải có đội ngũ lao động kỹ thuật với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Thế nhưng trên thực tế, công tác đào tạo nguồn nhân lực của thành phố đang bộc lộ những bất cập, mất cân đối cả về cơ cấu ngành nghề và chất lượng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, từ năm 2001 đến năm 2005 cần hơn 713.000 lao động kỹ thuật. Nếu tính cả lao động phổ thông thì từ 2001 đến 2005 cần 1,1 triệu lao động,nghĩa là mỗi năm cần 200.000 người, trong đó 143.000 lao động kỹ thuật. Nhu cầu nhân lực là rất lớn nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp lại chiếm khá cao, khoảng 70% - tương ứng 250.000 người mỗi năm.
70% lao động giản đơn
Đáng lưu tâm là sự thiếu hụt và chưa đồng bộ của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, cơ cấu nguồn nhân lực chưa hợp lý, thiếu cán bộ trung tâm và công nhân kỹ thuật, đặc biệt là thiếu công nhân lành nghề bậc cao. Chỉ tính riêng khu chế xuất và khu công nghiệp của thành phố cũng thấy rất thiếu lao động kỹ thuật và có tay nghề.
Theo báo cáo của Ban quản lý khu chế xuất và khu công, hiện có 13 vạn lao động, trong đó có tới 60- 70% là lao động từ các địa phương khác đến trực tiếp làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp trong đó lao động giản đơn chiếm tới 70%, chỉ có 4,5% là đại học; 4,5% là kỹ thuật viên và 20% là công nhân qua đào tạo.
Năm 2004 các khu chế xuất và khu công nghiệp cần tuyển 20.000 lao động những chỉ được đáp ứng 50%. Đến hết năm 2005, thành phố có 15 khu chế xuất và khu công nghiệp, trong đó 70-80% dự án đi vào hoạt động thu hút 250.000 lao động, số lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng 20-30%.
Dự báo về nhu cầu lao động của các khu chế xuất và khu công nghiệp giai đoạn 2005-2010 là 524.000 lao động.
Đào tạo nghề chưa thích ứng với thị trường lao động. Đó là nhận xét của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Chưa có chính sách thu hút trọng dụng người tài, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng lành mạnh.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm số lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp chiếm từ 8.000 đến 10.000 người. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động chỉ chiếm 25%. Và có tới 57% sinh viên khi ra trường phải đào tạo bổ sung.
Một nghịch lý là có tới hơn 70% số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc đi làm việc cho công ty nước ngoài!
Phát triển hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao
Thành phố đã xây dựng đề án đào tạo và quản lý nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động và sự phát triển củạ nền kinh tế của thành phố. Trong đó xác định việc thực hiện xã hội hoá dạy nghề cần được coi trọng và quan tâm đúng mức hơn.
Bên cạnh đầu tư ngân sách nhà nước trực tiếp cho các cơ sở dạy nghề công lập, thành phố còn thực hiện chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với cơ sở dạy nghề, kể cả ngoài công lập theo phương thức: nhà nước trả lãi vay, cơ sở dạy nghề trả vốn vay thông qua kết quả hoạt động của mình. Thời hạn trung bình 7-10 năm.
Khai thác năng lực phục vụ đao tạo nguồn nhân lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh thông qua việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học viên tham quan học tập, nghiên cứu;phát huy tính năng động, nhạy bén của các cơ sở dạy nghề trong việc hình thành các phương pháp đào tạo mới. Tạo điều kiện để các tổng công ty, công ty chuyên ngành, hội nghề nghiệp... tham gia dạy nghề.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến tháng 6/2005, thành phố đã có 45 trường dạy nghề công lập và 14 trường dạy nghề ngoài công lập; tại các quận huyện trong thành phố đã có 18 trường và 204 cơ sở dạy nghề ngắn hạn.
Quy mô tuyển sinh đào tạo hàng năm toàn thành phố gần 30.000 học sinh hệ dài hạn và 300.000 học sinh hệ ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo dự báo, nhu cầu lao động các khu chế xuất và khu công nghiệp của Tp.HCM giai đoạn 2005-2010 gấp 5 lần hiện tại, tăng 15%/năm. Trong khi đó, số lao động tuyển dụng qua các cơ sở đào tạo bên ngoài chỉ có thể đáp ứng 25%. Số còn lại doanh nghiệp phải tự đào tạo.
Do đó cần có chính sách cho nước ngoài đầu tư vào trung tâm dạy nghề chuyên nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại xí nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động hợp lý, tăng hàm lượng chất xám trong lao động, tái đào tạo nguồn nhân lực hướng đến bền vững.
Về lâu dài để có được nguồn nhân lực tốt cho phát triển kinh tế, thành phố cần có ngay giải pháp vừa cấp bách vừa cơ bản là phát triển một hệ thống đào tạo nghề cho đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ cần thiết, theo cơ cấu hợp lý, có khả năng thích ứng với công nghệ mới, cập nhật các kiến thức kỹ năng cần thiết, trong đó các trường đào tạo nghề đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Muốn vậy phải ưu tiên dạy nghề, đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề, xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao.
Nguồn: (Theo TBKTSG_)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này