Tạo dựng, phát triển một doanh nghiệp là công việc cả đời của doanh nhân. Nếu khó khăn mà xóa sổ nó thì phải xem lại năng lực của người lãnh đạo
Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn, phải giảm lao động, giảm giờ làm, thu hẹp sản xuất thì Công ty Danu Vina (KCX Linh Trung - TPHCM) tuyển thêm công nhân (CN) để kịp đáp ứng các đơn hàng từ Thụy Điển. Tương tự như Danu Vina, dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng một số DN đã nỗ lực tìm cách duy trì sản xuất, giữ việc làm cho CN.
Cầm cự, phục hồi sản xuất
Thời khó khăn nhất của Danu Vina là khoảng tháng 5-2008. Lúc đó, đơn hàng từ châu Âu giảm đột ngột. Từ gần 2.000 CN, công ty cắt giảm chỉ còn 900 người. Ông Lê Công Chinh, Chủ tịch CĐ Công ty Danu Vina, nhớ lại: “Ban giám đốc hết sức khổ tâm khi thấy CN nhiều năm gắn bó với công ty nay phải nghỉ việc. Công ty đã liên hệ với các DN cùng ngành hàng để giới thiệu CN sang làm việc. Cầm cự đến cuối năm 2008, công ty đã tìm được nhiều đơn hàng nhỏ từ các nước châu Á và các thị trường khác”. Ông Chinh cũng cho biết trước đây, công ty thường nhận đơn hàng cho cả năm nhưng nay, những đơn hàng nhỏ làm trong thời gian vài tháng lại trở thành chủ lực. Hiện công ty đã tăng số CN lên 1.400 người và tiếp tục tuyển thêm.
|
|
Công nhân Công ty Biti’s trong giờ làm việc. Đây là đơn vị luôn ổn định đơn hàng và năm 2009 tuyển thêm 600 CN
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, CN Công ty Nidec Copal (KCX Tân Thuận - TPHCM), tâm sự: “Trước Tết, tôi cùng mấy trăm CN khác phải rời công ty vì thiếu việc. Tôi xin vào làm tạm ở một công ty gần đó. Vừa qua, nghe công ty thông báo kêu gọi CN cũ trở về, tôi xin làm lại. Dẫu sao, ở đây các chế độ của CN cũng tốt và tôi cũng thạo nghề”. Theo ông Trần Phú Hảo, Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Copal, đơn hàng có thể tìm, nhưng mất CN sẽ rất khó khăn.
Giữ bằng được lao động Trong những ngày qua, CN Công ty IGM (KCX Tân Thuận) rất hoang mang do nghe tin công ty bị giảm đơn hàng nên cắt giảm lao động. Biết được tin này, CĐ công ty đã làm việc với ban giám đốc, đề nghị nỗ lực tìm kiếm hàng để không phải cho CN nghỉ việc. Ông Nguyễn Trung Trực, quản đốc Công ty IGM, nói: “Phương án giảm lao động là chẳng đặng đừng. Mục tiêu của việc tìm kiếm đơn hàng trong giai đoạn này không phải là lợi nhuận mà là giữ việc làm cho CN”.
Giám đốc một DN tại quận 12 - TPHCM cho rằng: Điều nguy hiểm là hiện nay có nhiều DN cho khách hàng thuê công ty để sản xuất. Khách hàng thuê toàn bộ xưởng sản xuất, tự lo đơn hàng, đầu ra... DN chỉ đứng danh nghĩa ký hợp đồng, trả lương cho CN. Lúc bình thường thì DN rất khỏe, nhưng khi “đụng chuyện”, DN sẽ vô cùng khó khăn, không thể tìm được đơn hàng vì không có quan hệ, không có thị trường... Các DN cắt giảm lao động, ngừng sản xuất vừa qua trong ngành may mặc, da giày phần lớn nằm trong diện này.
Vượt khó để khẳng định năng lực Chia sẻ kinh nghiệm này, bà Quách Kim Hồng, Giám đốc Công ty May Trường Vinh (quận 12), tâm sự: “Tạo dựng, phát triển một DN là công việc cả đời của doanh nhân. Nếu khó khăn mà xóa sổ nó thì phải xem lại năng lực của người lãnh đạo”. Cùng bị khó khăn như nhiều DN khác nhưng ngay từ đầu năm 2008, Trường Vinh đã sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... để giới thiệu công ty và tìm đơn hàng. Nhiều đơn hàng quá đơn giản như áo ngủ, áo thun giá rẻ... bị các DN khác chê nhưng Trường Vinh vẫn nhận và đưa nhân viên sang học hỏi kỹ thuật phân chuyền, tổ chức sản xuất. Nhờ vậy, khi đơn hàng lớn nhất là quần áo thể thao bị giảm sút, hơn 600 CN của Trường Vinh vẫn có việc làm. Thấy được năng lực của công ty, đầu năm 2009, nhiều khách hàng châu Âu tiếp tục đặt hàng. Và đến nay thì Trường Vinh phải mở rộng sản xuất, thu nhận thêm gần 200 lao động.
Với Công ty May thêu Phương Khoa (quận 12), ổn định việc làm cho hơn 1.600 CN là cả một vấn đề lớn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phó giám đốc công ty, chia sẻ: “Đơn hàng phải được chuẩn bị trước ít nhất 6 tháng, bình quân là 9 tháng đến 1 năm thì khi gặp sự cố, DN mới đủ lực, đủ thời gian xoay trở”. Vượt qua khó khăn, được khách hàng tin tưởng, đặt số lượng hàng lớn, hiện Phương Khoa phải tuyển thêm gần 400 CN để sản xuất một đơn hàng kéo dài đến cuối năm 2009.