"Mềm" nhưng không phải vô hình Nguyễn Anh Tuấn -
kỹ sư điện TCty Xây dựng số 4 (Hà Nội) - nhớ lại bài kiểm tra KNM trong lần dự tuyển ở một Cty liên doanh. Khi vị GĐ giơ một nắm tay lên hỏi: "Trong tay tôi có gì?". Nhiều ƯV đã bối rối, anh phán đoán: "Ông đang nắm một mẩu giấy, vì tôi thấy một đống giấy nhàu nát trên bàn ông". Vị GĐ xòe tay ra: Trong đó không có gì! Không đoán trúng, nhưng khả năng phản ứng nhanh phần nào giúp Tuấn vượt qua vòng thi ứng xử.
Chia sẻ câu chuyện của anh Tuấn, ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó TGĐ Cty Tâm Việt (Hà Nội) - chia sẻ: " Thiếu KNM sẽ khiến nhiều LĐ có ý tưởng tốt, nhưng không biết cách thể hiện, thuyết trình. Hậu quả là họ thiếu thái độ làm chủ bản thân và hiệu quả công việc chung sẽ không cao".
Lý giải thêm về việc này, ông Nguyễn Duy Hiển - Trưởng phòng Marketing Cty phần mềm quản lý DN (Fast) - cho biết: "Nhân sự chuyên môn tốt chưa hẳn đã làm hài lòng khách hàng, nếu như họ thiếu các kỹ năng giao tiếp khéo léo với khách hàng, sự nhiệt tình trong công việc".
Fast đã chủ động cho nhân viên đi học các khóa KNM. "Nhiều LĐ đã có nhân sinh quan tốt hơn, cải thiện quan hệ với đồng nghiệp - ông Hiển bổ sung - và tự tin trong giao tiếp sau khóa học. KNM rất cụ thể chứ không chung chung như nhiều người nghĩ".
Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - chia sẻ: "Một trong những điểm yếu của LĐ khi VN tham gia quá trình hội nhập chính là việc thiếu KNM như: Làm việc nhóm, tính tư duy, khả năng quản lý thời gian... LĐ ý thức và tự điều chỉnh được, họ sẽ vững tin hơn trong hành trang làm việc".
Học KNM như thế nào? LĐ thiếu kỹ năng mềm là một thực trạng mà nhiều DN đã ý thức được. Tuy nhiên, nhiều khóa học chưa hẳn đã thu được những kết quả như ý.
"Một số học viên chưa phân biệt được việc tiếp thu KNM (thông qua việc thực hành, luyện tập) với quá trình tiếp thu kiến thức (thiên về việc nghe và ghi chép) - ông Huy Hoàng tâm sự - Mặt khác, nhiều học viên có quan niệm sai lầm khi cho rằng mọi thứ đều nghe rồi - nói mãi. Họ không thực hành ngay, trong khi đó, thực hành và truyền đạt cho người khác là cách tốt nhất để biến thành kỹ năng của mình".
Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Cty Tầm nhìn mới - đánh giá: "KNM của LĐ bị triệt tiêu một phần bởi ảnh hưởng của quá trình giáo dục: Đọc - chép. Ngoài ra, nhiều LĐ còn mang nặng tâm lý văn hóa làng xã, nên việc tư duy khác với cộng đồng là điều hiếm thấy". Chính vì vậy, Cty Tầm nhìn mới xây dựng những bài tập cho học viên như: Tập làm thủ lĩnh, nhân vật thuyết trình... giúp họ có sự tự tin và ý thức làm việc nhóm hơn.
Đào tạo KNM trong nhà trường - tại sao không? Theo những báo cáo của ĐH Harvard và Stanford (Hoa Kỳ), yếu tố thành công trong cuộc sống và công việc chiếm tới 70-75% là phụ thuộc vào kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội, phần còn lại mới là kỹ năng chuyên ngành. ĐH FPT là một trong những đơn vị đầu tiên của VN đưa môn học KNM vào chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Xuân Phong - Hiệu phó ĐH FPT - chia sẻ: "Việc trang bị các KNM sẽ giúp sinh viên CNTT có sự khác biệt với sinh viên CNTT các cơ sở khác, đồng thời giúp các em có cơ hội hòa nhập môi trường làm việc tốt hơn".
Chia sẻ quan điểm trên, ông Huy Hoàng đề xuất: "Bộ GDĐT cần đổi mới phương thức đào tạo. Giáo viên chỉ định hướng giúp sinh viên tự học và tự tìm kiếm, nhà trường chỉ kiểm tra mức độ hiểu biết về vấn đề nêu ra. Đồng thời, nhà trường cần dành thêm thời gian bồi dưỡng KNM bên cạnh những kỹ năng kỹ thuật, giúp sinh viên bổ sung thêm hành trang khi tiếp cận với thị trường lao động".
Một số đơn vị đào tạo kỹ năng mềm tại VN - Cty Tầm Nhìn Mới: Số 11, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, ngõ Tuổi Trẻ, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Tel: 04.62919945.
- Cty Tâm Việt, số 347 Đội Cấn, Hà Nội. Tel: 04.3994 0785.
- Cty TNHH Dịch vụ Tư vấn Nguồn nhân lực Mai Anh, số 285/20B
Cách Mạng Tháng Tám, P,12, Q.10, TPHCM.
- Nhà VH Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạnh, Q.1, TPHCM.
- Cung VH Lao động TPHCM, số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM.
-TT Hỗ trợ SV, số 643 Điện Biên Phủ, P.1, Q.3,TPHCM.