Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ quy trình tìm hiểu, nghiên cứu mạng lưới thông tin tìm việc cho đến cách viết thư xin việc, sơ yếu lí lịch và ứng xử trong phỏng vấn. Đây là những kinh nghiệm quý báu được các chuyên gia về Nguồn nhân lực và các giáo viên của lớp nghề nghiệp đúc kết về việc phát triển sự nghiệp và để có được việc làm bạn luôn mong muốn.
1. Tập Trung
Một trong những bước quan trọng đầu tiên khi tìm bất cứ việc gì là quyết định tập trung ở lĩnh vực nào.
Nếu bạn không chắc là mình muốn làm gì tiếp theo thì cũng không sao - người bình thường sẽ thay đổi công việc 8 lần trong sự nghiệp của mình. Điều quan trọng là hãy tìm ra bạn thích gì, bạn giỏi ở mặt nào và bạn quan tâm điều gì rồi sau đó hãy tìm những nghề có liên quan.
Đôi khi công việc giúp cho bạn tìm ra điều bạn không muốn làm gần như lại là việc giúp bạn biết được mình muốn làm gì.
2. Việc Nghiên Cứu và Mạng Lưới Thông Tin
Việc nghiên cứu và mạng lưới thông tin là chìa khóa dẫn đến phỏng vấn:
Thu thập thông tin càng nhiều càng tốt, từ các nguồn phổ biến như:
Internet
Báo Chí
Website Của Công Ty
Tác dụng của mạng lưới thông tin
Mạng lưới thông tin rất quan trọng – Hãy nói chuyện với những người bạn đang làm việc của bạn, và cả bạn của họ nữa. Hỏi họ làm gì và công ty của họ có tuyển người không.
Trừ khi chuyện tìm việc của bạn là bí mật, đừng xấu hổ vì để cho mọi người biết là bạn đang tìm việc. Càng có nhiều người biết và cách khai thác thông tin và nghiên cứu của bạn càng đa dạng thì bạn càng có khả năng tìm được công việc hoàn hảo.
3. Thư Xin Việc
Một thư xin việc tốt phải được viết thật cẩn thận và có cá tính. Trong thư nên có:
Bạn muốn xin vào vị trí nào và bạn biết được cơ hội này ở đâu (Ví dụ: “Tôi viết thư này xin được ứng cử vào vị trí Trợ lý Marketing tại Unilever mà tôi đã thấy quảng cáo trên các trang tuyển dụng’).
Tóm tắt ngắn gọn về kinh nghiệm (Ví dụ: “Tôi sẽ hoàn tất bằng cử nhân Tiếp thị và Kinh doanh vào tháng 5 năm 2003 và hi vọng tìm được việc làm trong lĩnh vực nhãn hiệu. Tôi đã có kinh nghiệm về phân tích tiếp thị và nghiên cứu khi làm việc bán thời gian tại công ty Coca-Cola như một nhân viên thực tập vào năm ngoái.”).
Tại sao bạn thích làm ở công ty (Ví dụ: “Tôi đặc biệt thích làm ở Unilever do phương pháp đổi mới của công ty trong lĩnh vực tiếp thị và tận tâm trong việc thiết lập một nhãn hiệu tiêu dùng tầm cỡ thế giới.”).
Nhã nhặn đề nghị cung cấp thêm thông tin (Ví dụ: “Xin vui lòng cho tôi biết nếu tôi có thể cung cấp cho quý vị thêm bất kỳ thông tin nào. Tôi thành thật mong được nói chuyện với quý vị nhiều hơn về việc gia nhập vào đội ngũ Unilever.”).
Đừng quên nhờ một người bạn đọc lại trước khi gửi hồ sơ.
Còn nữa, hãy kiên trì, tỏ ra hiểu biết và luôn liên lạc sau phỏng vấn. Đừng chỉ gửi thư và hồ sơ và đợi điện thoại. Hãy ghi lại danh sách những người bạn đã gặp gỡ và tiếp tục liên lạc với họ cho tới khi họ đồng ý gặp bạn hoặc cho bạn biết rằng họ không tuyển bạn vào công ty.
4. Sơ Yếu Lý Lịch
Một sơ yếu lý lịch viết đúng cần phải:
Có trình bày đơn giản – không dùng font chữ rối rắm.
Tóm tắt kinh nghiệm của bạn theo trật tự ngược lại, gồm cả ngày tháng.
Nhấn mạnh NHỮNG THÀNH TÍCH của bạn, chứ không chỉ trách nhiệm với những công việc cũ – hãy bảo đảm bạn trình bày những việc đã làm bằng cách phát thảo quá trình làm việc, kết quả và thành quả cụ thể.
Chỉ nên kèm theo thông tin cá nhân phù hợp và đáng quan tâm. Ví dụ: đề cập đến chuyện bạn thích karaoke sẽ không làm cho bạn thành ứng viên đáng chú ý đâu; nói đến việc bạn đang ở trong đội tuyển Taekwondo Olympic Việt Nam sẽ cho thấy sự quyết tâm của bạn và có thể sẽ tạo cho bạn và người phỏng vấn nhiều cái để nói hơn.
Và điều cuối cùng nhưng không kém quan trọng là đừng mắc lỗi ngữ pháp. Tốt hơn hết hãy nhờ một người bạn đọc trước khi gửi.
5. Phỏng Vấn
Một khi bạn được phỏng vấn…
Hãy chuẩn bị cho cuộc gặp. Tìm hiểu về công ty lẫn lĩnh vực của họ. Điều này sẽ giúp bạn có một buổi đối thoại thông minh và chứng tỏ cho người phỏng vấn rằng bạn thật sự quan tâm đến công việc.
Hãy chắc là bạn hỏi họ. Một trong những sai lầm lớn nhất từng xảy ra trong khi phỏng vấn là không đặt câu hỏi.
Từ việc tìm hiểu và cuộc đối thoại bạn có thể hỏi được nhiều câu hỏi thông minh.
Đặt câu hỏi là cơ hội tốt cho thấy bạn suy nghĩ như thế nào và chứng tỏ cho người phỏng vấn rằng bạn bạn đã tìm hiểu công ty và lĩnh vực kinh doanh của họ và rằng bạn có những điều thông minh để nói.
Thậm chí nếu bạn chưa tìm hiểu, hãy hỏi “Trong vài năm tới, công ty của quý vị sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?” và sau đó hỏi tiếp “Thế thì công ty sẽ làm thế nào để giải quyết những thách thức đó?”. Điều này sẽ gây ấn tượng cho người phỏng vấn bạn.
Nên nhớ, cần quan tâm đến cả những điều nhỏ nhặt:
Cử chỉ - ngồi thẳng lưng, đừng thõng vai, hãy tự tin và nhìn vào mắt người bắt tay bạn.
Ăn mặc – hãy ăn mặc đúng cách. Nếu bạn là nam, nhớ đeo cà vạt. Nếu bạn là nữ, hãy ăn mặc lịch sự và đừng trang điểm quá đậm.
Tập trung – Hãy nghe cẩn thận, nói năng chín chắn, và ĐỪNG nghe điện thoại cầm tay khi đang phỏng vấn.
Đừng quên liên lạc sau khi phỏng vấn
Sau khi phỏng vấn xong, hãy viết một lời cám ơn cho những người bạn đã gặp.
Và điều cuối cùng các bạn cần nhớ là những lời khuyên của các chuyên gia không phải là chiếc chìa khóa vạn năng. Sự thành công chỉ đến khi bạn biết vận dụng linh hoạt và khéo léo. Thử nghĩ xem nếu hàng trăm người cùng đọc bài viết này và vận dụng rập khuôn, kết quả sẽ tồi tệ thế nào, bạn hình dung được chứ?!