Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 11,948
Tên "gốc" của xóm này là xóm Huế, có cách nay đã hơn 50 năm. Như một thói quen khó bỏ từ năm sáu chục năm nay, dân xứ Cà Mau hay gọi những cư dân miền Trung, miền Bắc là... người Huế từ "nước Huế" vô (!). Vì sao bây giờ người ta đã gọi nó bằng cái tên "Xóm đại học" ?
Câu chuyện về "ông Dũng Quảng "
Ông Phan Việt Trung tự hào con mình - Phan Việt Hưng - là người đầu tiên ở xóm học trên Đại học
Xóm nằm trong ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Xuôi theo kinh Bà Rùm, kinh Giáo Bảy, Mương Chùa, những con kinh đỏ ngầu dẫn người ta đi từ làng quê heo hút này đến làng quê heo hút khác. Thế nhưng, xa xôi và nghèo khó không ghì những nông dân chân chất, từng trải qua thời tuổi trẻ loạn ly và thiếu học xuống cái vòng luẩn quẩn của gạo mắm, đói no. Thay vì chạy vạy cho con cái một mảnh vườn, thửa ruộng để thế hệ sau tiếp nối sự nghiệp cày cấy và... lam lũ thì những gia đình ở đây lại "thi" nhau cho con vào đại học. Có thể ở xứ khác không lạ nhưng với Cà Mau - nơi xa xôi nhất của "vùng trũng giáo dục" cả nước thì đã là một kỳ tích.
Anh Dương Thành Nguyên, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc lấy quyển sổ công tác lẩm bẩm tính từng nhà có con đi đại học: nhà ông Năm , Ba Dũng, Tư Trung, Hai Hòa, nhà ông Hiền, nhà ông Văn Đình Diện, Phan Văn Đức... Anh khoe: "Nhiều lắm nhà báo, tính một lần không hết, lớp đã thành tài, lớp đang học đã là vài chục, đó là cử nhân, còn trung cấp hả, tính không xuể đâu!". Rồi vị Phó chủ tịch hãnh diện: xã Khánh Bình Tây Bắc là xã nằm trong chương trình 135, dân mình còn nghèo, nhưng riêng về cái khoản học thì dân ở đây chẳng thua ai đâu, mà nói cái chuyện học thì đi đầu là xóm Huế.
Anh chạy đò tên Lai đưa chúng tôi vào xóm Huế, cách xã vài cây số, tỉ tê: "Em cũng tốt nghiệp Trung cấp Y tế ở Vĩnh Long chớ bộ, có một thời gian em đi làm, nhưng không thích bó buộc giờ giấc nên về chạy đò". Đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo ở miệt nông thôn hẻo lánh thì chuyện cho con đi học cấp 2, cấp 3 đã là vấn đề, đằng này học xong trung cấp để về... chạy đò thì thật "uổng".
Thế nhưng, Lai nói ở gần đây không thiếu những người học cho có bằng, có cấp rồi về nhà làm ruộng hay buôn bán là chuyện bình thường. Ông Nguyễn Văn Dũng, người hãnh diện vì là gia đình đầu tiên trong xã cho con học đến đậu cử nhân, tâm sự: "Ở đời người ta có thể hơn nhau nhiều thứ, nhưng thường người ta cực chẳng đã mới chấp nhận thua thiệt. Dân ở đây thường tính chuyện học cho con cái trước, mới lo chuyện đất đai sau. Dần rồi bà con mình có tâm lý, nếu không cho con học cao thì lại thua sút nhà hàng xóm. Vì vậy mà nhiều nhà dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm cho con học đại học. Thậm chí, nhiều nhà có 3 - 4 đứa con đậu đại học".
Ông Dũng kể lại quãng đời khó nhọc của mình mà ông cho rằng đa số bà con ở xóm Huế này vẫn thế. Ông Dũng nói thêm: "Nếu như những năm chiến tranh, xóm Huế là thành lũy vững chắc cho cách mạng thì thời bình, thế hệ thứ hai của xóm Huế đã "xung phong" vào "mặt trận chữ nghĩa".
Năm 1982, ông Nguyễn Văn Dũng trở nên "nổi tiếng" cả xã và nhiều người thán phục vì nhà nghèo, đông con mà vẫn tằn tiện để người con lớn, anh Nguyễn Quang Quỳnh là một trong ít học sinh cùng lứa của huyện đậu đại học, tiếp theo anh Quỳnh, những người em kế: Nguyễn Kiều Trinh, Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Xuân Cung cũng vào được đại học. Nhắc tới một thời khó khăn nuôi con đi học, ông Dũng kể: "Nhà có 30 công đất, nhưng tới 7-8 miệng ăn. Để có tiền lo cho tụi nhỏ ăn học, vợ chồng tôi ở nhà chịu sống cảnh mắm muối, kham khổ vậy cũng đành, chỉ lo là lo tụi nó chểnh mảng học hành thì xấu hổ". Giờ đây, nhà ông "đường đường" có 4 người con thi đậu đại học.
Không lâu sau, tiếp nối "nhà họ Nguyễn" là "nhà họ Phan" - ông Phan Việt Trung cũng có con đậu đại học. Cho tới nay, nhà ông Phan Việt Trung cũng có 3 người con là cử nhân. Cũng như nhiều gia đình khác ở xóm Huế, nhà chú Tư Trung cũng không khá giả gì, bà Phạm Thị Lợi, vợ ông Trung kể: Hồi mới giải phóng, về đây vất vả trăm bề. Không đất, không vốn liếng, hai vợ chồng chặt cây me làm nẹp đi ra biển đẩy ruốc, mà lội xuống biển đẩy chớ nào có xuồng bè gì.
Đẩy ruốc xong, cũng đâu có chỗ nào mua, ông Trung phải mượn xuồng để chèo lên tới miệt Long Xuyên, Bảy Núi để bán. Khốn khó trăm bề, mồ hôi vắt cạn, nhưng vợ chồng ông vẫn có một niềm an ủi là ba người con đều chú tâm đến việc học. Thấy vợ chồng ông vất vả, nhiều bà con lân cận bàn ra tán vào là nên cho mấy thằng nhỏ ở nhà phụ việc, chớ có chữ nghĩa cho lắm vào thì biết chừng nào mới thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng, vợ chồng ông Tư Trung chỉ lắc đầu cười, dặn nhau dù cực khổ thế nào cũng quyết tâm cho con ăn học tới cùng.
Kết quả của sự quyết tâm đó, các con của ông bà đã không phụ lòng cha mẹ, hiện nhà ông bà đã có 3 cử nhân, một bác sĩ, một giáo viên và một kỹ sư tin học. Trong đó, người con thứ tên Phan Việt Hưng đã tốt nghiệp Đại học Y dược Cần Thơ, được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Các con ăn học thành tài rồi cũng chăm sóc lại cho cha mẹ. Nhìn thấy nhà ông Tư Trung, nhiều bà con lân cận thấy "thèm" . Đến nay, từ chỗ "4 không"- không đất, không tiền, không nhà, không nghề - vợ chồng ông Trung đã chắt mót có được 5 ha vườn, ruộng.
Đổi họ cho con
Ở "xóm đại học" không thiếu những câu chuyện cảm động khác, để cho con cái được học hành, có người không quản khó nhọc đã đành, mà còn "hy sinh" danh phận làm cha mẹ để cho con được ăn học tới nơi tới chốn. Ông Phan Hoàng Đức có 5 con, đã có 4 con học đại học. Đến người con gái tên Phan Thủy Liễu thi đậu Đại học Thủy sản thì hai vợ chồng ông Đức đã "đuối", không còn khả năng lo. Một người bạn tên Phạm Quyết Thắng hiểu nỗi khó khăn đó, nhà không có con gái, ông mời ông Đức tới nhà dùng ly trà rồi mở lời... xin con.
Từ lâu nhà họ Phan và nhà họ Phạm là chỗ thân thiết, thấy ông Thắng cũng thành ý, lại hứa là tạo mọi điều kiện cho cháu Liễu học đại học, vợ chồng ông Đức đồng ý cho Liễu nhận vợ chồng ông Thắng là cha mẹ nuôi và làm thủ tục đổi họ Phan thành họ Phạm. Đến nay, Phạm Thúy Liễu đang theo học đại học, mỗi khi về, em vẫn hay ngủ mỗi nhà một đêm, ăn cơm mỗi nhà một bữa. Liễu thường nói với mọi người rằng mình rất may mắn, vì đã có những hai mẹ, hai cha thương yêu, bảo bọc.
Ở một xóm nghèo vùng sâu, vùng xa, nhưng người dân ở đây có một nếp nghĩ đã đi sâu vào tâm thức như một điều luật bất thành văn: cho con học, và học. Hiện tại, ở "xóm đại học" này, hầu như nhà nào cũng có con đi học, không thạc sĩ thì cũng cử nhân, trung cấp. Trong số đó, có người được Nhà nước tài trợ cho đi học nước ngoài. Trong ngày hè oi bức, qua xóm nghèo lầy lội giữa vùng nước đỏ U Minh, tôi lại nghe nhiều người ngồi bên tách trà bàn tính: Từ khi xóm có người học trên đại học, đi du học thì có người cảm thấy bị "thua". Có người nói "xóm Huế đã đổi tên là "xóm Đại học", nay nhiều người "thi" nhau cho con học cao hơn thì biết đâu mai này xóm lại đổi tên nữa!
Nguồn: Theo TNO
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này