Khi nộp đơn xin việc, không phải là bạn chỉ việc nộp hồ sơ đến công ty là sẽ được gọi phỏng vấn; không phải là nói nhiều và thể hiện mình là sẽ được tuyển dụng. Bởi nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá bạn qua một bộ hồ sơ đẹp mà họ còn phải cân nhắc nhiều yếu tố khác. Để tránh để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng, khi đi xin việc bạn cần tránh 5 điều sau đây:
1. Không làm theo hướng dẫn Theo cuộc khảo sát gần đây, rất nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn rằng một số ứng viên đã đến tận công ty để gửi hồ sơ của mình mà không gửi qua email như hướng dẫn. Theo họ, không làm theo hướng dẫn không chỉ là nguyên nhân làm bạn lỡ mất hạn nộp hồ sơ mà còn rất khó cho bạn có được một ấn tượng tốt. Bởi các nhà tuyển dụng thường nghĩ rằng nếu ai đó không thể làm theo những bước đơn giản như vậy thì người đó sẽ thực hiện công việc sắp tới như thế nào?
2. Trình bày quá nhiều thông tin
Một lá
thư xin việc không nên bắt đầu bằng những thông tin cá nhân mà chúng không hề liên quan đến công việc như: "Tôi là một người mẹ của 3 đứa con. Năm nay tôi 40 tuổi. Tôi đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống."
Trong khi những người đi tìm việc có thể nghĩ rằng họ sẽ làm đúng như những gì nhà tuyển dụng yêu cầu "hãy nói về chính bạn", thì thực tế, nhà tuyển dụng lại phê rằng ứng viên đó cung cấp quá nhiều thông tin thừa. Do vậy, không nên đưa những thông tin cá nhân như tuổi tác, sức khoẻ, gia đình, hay cách bạn sử dụng những ngày nghỉ cuối tuần của mình CV. Hơn nữa, cần đảm bảo rằng bạn không gửi CV xin việc qua một địa chỉ email gây "nhột" như bigsexymama@hotmail.com.
3. Cư xử thô lỗ
Tất nhiên nhà tuyển dụng sẽ không thuê một người hay cáu giận, bực tức, bấm còi ầm ĩ tại nhà để xe, hay cáu kỉnh tại phòng lễ tân và tranh luận to tiếng với khách hàng. Thế mà, rất nhiều ứng viên khi đi xin việc đã mắc phải những lỗi đó và thậm chí còn bộc lộ nhiều cách ứng xử thô lỗ khác.
Tất nhiên, chúng ta ai cũng có những ngày tồi tệ và đặc biệt là những cuộc phỏng vấn có thể làm bạn căng thẳng, nhưng nhà tuyển dụng, họ chỉ nhìn thấy và nghe thấy những gì bạn thể hiện ngày hôm đó. Vì vậy, cần phải luôn lịch sự và có những cách cư xử tốt nhất với tất cả mọi người cho dù bạn có đang cáu giận đến mấy.
Và điều cần lưu ý nữa là không nên nói xấu ông chủ cũ của mình, bởi người phỏng vấn sẽ cho rằng nếu họ thuê bạn thì sau đó bạn cũng sẽ nói xấu về họ như vậy. Và vì thế, họ sẽ không tuyển dụng bạn nữa.
4. Nói những điều ngớ ngẩn Những câu bóng bẩy có thể bộc lộ những sai lầm một cách rõ nhất.
"Trước khi tôi xem thông báo tuyển dụng, tôi chưa bao giờ được nghe nói về công ty", trong thư xin việc của một ứng viên đã viết như vậy. Ứng viên này muốn ca ngợi và thể hiện niềm tự hào về những thành quả mà công ty đạt được. Nhưng thực tế, anh ta đã mắc một sai lầm là nói hớ rằng mình chẳng có một tí hiểu biết nào về công ty định xin tuyển cả.
Để tránh bị nói hớ, hãy thể hiện sự hiểu biết của bạn về công ty bằng cách tìm đọc các thông tin trên website của họ trước khi đến phỏng vấn. Để tránh đưa ra những câu trả lời ngớ ngẩn, hãy ngừng lại suy nghĩ trước mỗi câu hỏi của người phỏng vấn. Và nếu bạn nghĩ rằng điều mình định nói ra có thể không đúng thì tốt nhất là đừng nói!
5. Không chú trọng đến mục đích của công ty Khi công ty đang tuyển dụng nhân viên cho một vị trí nào đó, tất nhiên là họ phải có mục đích. Có thể họ muốn mở rộng thị trường, cắt giảm chi phí, cải tiến các dịch vụ, tăng lợi nhuận hoặc đạt được một cái gì đó mà họ cảm thấy quan trọng đối với thành công của công ty.
Nhưng thực tế, rất nhiều ứng viên đã lờ đi những mong muốn đó của nhà tuyển dụng. Một số chú trọng đến các nhu cầu cá nhân như hỏi về chế độ nghỉ lễ, tết trước khi họ nhận yêu cầu công việc. Một số thì bộc lộ sự sốt ruột, luôn làm mất thời gian của nhà tuyển dụng bằng việc gọi điện hoặc liên tục gửi email với những câu hỏi như: "Công ty có thể nói cho tôi biết về công việc này để tôi còn quyết định xem có nộp đơn hay không?" hoặc "Cuộc phỏng vấn của tôi đã có kết quả chưa?" Những người khác lại vô duyên đến mức cố gắng nói với nhà tuyển dụng rằng họ nên có những mục đích khác mặc dù họ không muốn. Ví dụ một người nộp đơn cho vị trí bán hàng đã nói "điều đầu tiên tôi muốn làm đó là bỏ slogan của công ty", mà anh ta không biết rằng công ty rất tâm đắc với slogan đó và họ đã bỏ ra rất nhiều tiền để tạo được tiếng tăm như hiện nay.
Rất nhiều công ty thường nói mục đích của họ trong cả công việc và trong suốt cuộc phỏng vấn. Vì vậy, cần chú ý xem họ nói gì, hãy hỏi những câu như "Mục đích lớn nhất của công ty là gì?", sau đó hỏi họ xem bạn có thể làm gì để giúp công ty đạt được những mục tiêu đó.
Gửi thư cảm ơn sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc để nhắc nhở nhà tuyển dụng nhớ đến bạn. Và trong thư nên thể hiện sự hài lòng của bạn về công việc đó.