Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 32,405
Các nhà tuyển dụng thường chỉ dành 6 giây để lướt qua lý lịch tìm việc (CV hoặc Resume) và đánh giá xem khả năng của bạn có phù hợp với những yêu cầu cho vị trí còn để ngỏ của họ. Bạn nên biết, trong 6 giây đó họ không đọc toàn bộ nội dung!
Thay vào đó, nhà tuyển dụng sẽ xem xét tổng thể định dạng – có dễ đọc hay không? Lý lịch có chứa thông tin liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cụ thể không? Những đề mục quan trọng đầu tiên mà ứng viên trình bày có khớp với mô tả công việc không? Bất kỳ điều nào trong số này không đáp ứng được tiêu chuẩn, chúng sẽ đẩy CV của bạn vào nhóm “hồ sơ kém”. Một khi đã bị xem là hồ sơ kém thì rất ít khả năng CV của bạn được đọc hết hay xem xét lại về sau.
Cùng CareerViet.vn tham khảo ngay những chỉ dẫn giúp bạn tránh 5 sai sót chính khiến CV bị gạt ra ngay từ vòng loại nhé!
Lý lịch tìm việc
Dấu hiệu 1: Viết ở ngôi thứ ba
Bạn được khuyên là không bao giờ nên viết CV ở ngôi thứ ba. Hãy sử dụng ngôi thứ nhất và sử dụng thì hiện tại hoặc quá khứ để giới thiệu các thông tin quan trọng nhất, liên quan đến mục tiêu làm việc của bạn.
Đừng bao giờ viết những câu ở ngôi thứ 3 như: “Nguyễn Văn A là một trưởng nhóm tổ chức sự kiện xuất sắc và chưa bao giờ sử dụng vượt ngân sách”. Cách trình bày này hoàn toàn không tạo được hiệu quả bằng cách viết ở ngôi thứ 1, vì nó thiếu đi các từ ngữ thể hiện hành động và cũng không phải là một tuyên bố mạnh mẽ. Hơn nữa, người xem đã biết tên của bạn ngay đầu CV, không cần đề cập lại. Hãy sử dụng không gian quý báu này trong CV cho những thông tin cần thiết hơn nhằm giới thiệu bản thân một cách ấn tượng nhất có thể.
Một câu mô tả phù hợp hoặc tuyên bố mạnh mẽ nên được bắt đầu bằng các động từ mạnh. Chẳng hạn: “Quản lý nhiều sự kiện lớn nhỏ, luôn ở trong phạm vi ngân sách”.
Dấu hiệu 2: Kém thu hút
Nếu sơ yếu lý lịch không bắt mắt, bạn sẽ ngay lập tức cắt đi mối liên kết với người đọc tiềm năng. Chẳng ai muốn xem một bản CV được trình bày với cỡ chữ nhỏ và không có khoảng trắng. Không gian trắng cho phép mắt nghỉ ngơi và hấp thụ nội dung, có tác dụng giúp người xem tập trung vào những đầu mối thông tin quan trọng nhất.
Nhưng ở chiều ngược lại, nếu CV có quá nhiều khoảng trắng lại sẽ khiến ứng viên trông như không có kinh nghiệm hoặc kỹ năng gì để kể với nhà tuyển dụng. Vì thế, cần giữ tình trạng cân bằng – lấp đầy không gian trong lý lịch một cách thích hợp để nó luôn gọn gàng, súc tích và dễ đọc.
Dấu hiệu 3: Định dạng không phù hợp
Đừng bao giờ viết lý lịch bằng những câu và đoạn văn hoàn chỉnh. Lý lịch có định dạng và phong cách viết riêng, khác với những thể loại văn bản khác. Chúng cần được viết theo cách mà bất kỳ ai cầm đến và xem đều sẽ nhận ra đây chính là lý lịch.
Điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải gắn nhãn “SƠ YẾU LÝ LỊCH” vào đầu trang. Thay vào đó, hãy vận dụng các định dạng hiệu quả và ngôn ngữ thông dụng trong lĩnh vực chuyên môn để chỉ rõ năng lực của mình theo cách mà người tiếp cận ngay lập tức nhận ra đây là bản lý lịch tìm việc. Nếu bạn không chắc về cách tạo ra một định dạng phù hợp, hãy tìm hướng dẫn gợi ý ở những trang web giúp tạo ra một bản CV thật chuyên nghiệp.
Tạo ra một định dạng phù hợp cho CV
Dấu hiệu 4: Độ dài không phù hợp
Nhà tuyển dụng là những người rất bận rộn và họ luôn mong đợi sẽ nhận được những thông tin hữu ích nhất định liên quan đến loại công việc đang tuyển dụng từ trong các hồ sơ ứng viên. Tất nhiên, không chuyên viên tuyển dụng nào muốn phải đọc hết 4 trang lý lịch lê thê từ thời sinh viên cho đến hiện tại mà không làm rõ được kinh nghiệm làm việc là gì.
Độ dài thích hợp cho CV phụ thuộc vào độ sâu của kinh nghiệm, kiến thức và mục tiêu công việc hiện tại. Một sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ không có bản CV giống như quản lý có thâm niên. Và không ai trong số hai đối tượng kể trên lại có lý lịch trình bày tương tự như CV được sử dụng cho các nhà khoa học và chuyên gia thuộc lĩnh vực học thuật.
Chiều dài lý lịch chuẩn là 1 trang, nhưng bạn không nhất thiết phải ràng buộc mình trong giới hạn đó. Nếu có nhiều năm kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực của công việc dự tuyển, bạn có thể trình bày đầy đủ trong 2 trang. Bạn thậm chí có thể sử dụng 3 trang nếu sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm và đang nhắm đến các vị trí điều hành cấp cao.
Dấu hiệu 5: Lỗi ngữ pháp, chính tả và dấu chấm câu
Những sai lầm dạng này có thể “hất chân” cả những ứng viên trình độ cao và giàu tiềm năng nhất ra khỏi cuộc đua giành lấy công việc mơ ước. Nghĩa là CV của bạn vẫn có thể bị cho vào nhóm hồ sơ kém dù rằng thừa tiêu chuẩn để cân nhắc cho vị trí dự tuyển. Hãy nhớ, sơ yếu lý lịch chính là phương tiện tốt để thể hiện cho các chuyên viên tuyển dụng thấy mức độ sẵn sàng với công việc của bạn.
Nếu bạn không chăm chút và rà soát lại CV của mình một cách kỹ lưỡng thấu đáo, người xem có thể kết luận rằng bạn đã không dành đủ tâm huyết và thực sự nỗ lực trong công việc thực tế. Cách tốt nhất, sau khi tự mình cẩn thận đọc qua toàn bộ CV đã viết, hãy nhờ một hoặc hai người bạn xem xét nó lại giúp bạn một lần nữa.
Để sở hữu một lý lịch tìm việc thực sự ấn tượng nhất định cần dành rất nhiều công sức, tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là việc bất khả thi. Hãy thử kiểm tra xem CV của bạn có tồn tại một trong năm dấu hiệu vừa kể trên hay không và khắc phục nó ngay hôm nay. Đừng bao giờ để bản thân mang cảm giác tiếc nuối sau khi lỡ đánh mất cơ hội phỏng vấn không vì thiếu năng lực, mà vì CV thuộc nhóm hồ sơ kém nhé!
Nguồn hình: Freepik
Nguồn: CareerViet VietNam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này