Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,120
Mức hưởng, thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần tính toán hợp lý nhằm mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người tham gia khi thất nghiệp
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), giai đoạn 2015 - 2023, bình quân mỗi năm cả nước có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN), với mức chi khoảng 10.000 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2023, mức hưởng TCTN khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng; số tháng hưởng bình quân là 5.
Theo Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng TCTN hằng tháng của người lao động (NLĐ) bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng đóng gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu (LTT) tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị nâng mức hưởng TCTN hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi NLĐ thất nghiệp. Lý do là phần lớn doanh nghiệp (DN) hiện đóng BHTN cho NLĐ theo mức LTT vùng nên mức hưởng rất thấp. Trong khi đó, theo khảo sát, mức chi tiêu bình quân của một gia đình NLĐ vào giữa năm 2023 là khoảng 11,7 triệu đồng/tháng.
Phản hồi đề xuất này, Bộ LĐ-TB-XH vẫn bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức hưởng TCTN theo quy định hiện hành. Bộ cho rằng mức hưởng này là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho NLĐ khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Việc Ban Soạn thảo đề xuất giữ nguyên mức hưởng TCTN là 60% khiến nhiều công nhân khá hụt hẫng. Ông Nguyễn Quốc Bảo - làm việc ở một công ty thực phẩm tại quận 12, TP HCM - cho hay tất cả công nhân của DN này dù có thâm niên bao lâu thì cũng hưởng chung một bậc lương bằng mức LTT vùng. Sau hơn 10 năm làm việc và nhiều lần được điều chỉnh LTT, mức đóng BHTN của ông Bảo từ tháng 7-2024 khoảng 5,3 triệu đồng/tháng (bằng mức LTT vùng nhân 7% đã qua đào tạo), tương ứng mức hưởng BHTN khoảng 3,18 triệu đồng/tháng.
"Nếu tôi không may thất nghiệp, mức hưởng này chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ, điện, nước và tiền rác mỗi tháng; chưa tính chi phí ăn uống và trang trải cho gia đình. Do vậy, dù BHTN là khoản bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi thất nghiệp nhưng nếu phần bù đắp đó thiết thực hơn thì chính sách sẽ có ý nghĩa hơn" - ông Bảo bày tỏ.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, từ năm 2009 đến nay, số thu BHTN tăng dần qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2023, số tiền thu BHTN tăng bình quân 9%/năm. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ BHTN là khoảng 59.357 tỉ đồng.
Từ dữ liệu trên, ông Trần Văn Triều, Chủ tịch Hội Luật gia quận 12, đồng tình với đề xuất tăng mức hưởng BHTN cho NLĐ lên 75%. Việc này sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ, nhất là trường hợp bị mất việc do những lý do khách quan (dịch bệnh, DN khó khăn, giảm đơn hàng…) nhưng khó tìm việc làm mới.
Người lao động được nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Kế thừa quy định hiện hành, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định NLĐ được hưởng TCTN tối đa 12 tháng (tương ứng 144 tháng đóng BHTN); thời gian đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng TCTN cho lần tiếp theo.
Lý giải nội dung này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng ngoài việc kế thừa, quy định trên còn phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm cân đối quỹ BHTN. Mặt khác, BHTN là chế độ ngắn hạn, hỗ trợ thu nhập cho NLĐ khi bị mất việc làm, không thể thay thế toàn bộ thu nhập của họ trong thời gian dài (trên 12 tháng). Việc quy định mức hưởng tối đa sẽ góp phần thúc đẩy NLĐ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hỗ trợ khác như: tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, quy định này vi phạm nguyên tắc “đóng - hưởng” của chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, người lao động (NLĐ) khi tham gia BHTN đủ 144 tháng vẫn phải tiếp tục đóng vào quỹ nếu còn duy trì việc làm. Tuy nhiên, khi chấm dứt việc làm, NLĐ chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tương đương với 144 tháng đã đóng, điều này chưa đảm bảo quyền lợi của họ.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đảm bảo một trong những nguyên tắc cơ bản của các chính sách bảo hiểm là “đóng - hưởng”. Hơn nữa, cơ sở và căn cứ để xác định thời gian đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng cho lần tiếp theo cũng chưa được ban soạn thảo làm rõ.
Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng thời gian đóng BHTN trên 144 tháng không được tính hưởng và bảo lưu sẽ dẫn đến tình trạng NLĐ làm đủ 12 năm xin nghỉ việc để hưởng TCTN kết hợp rút BHXH một lần. Việc này sẽ khiến DN mất lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng sẽ khiến NLĐ có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức hoặc thỏa thuận với người sử dụng lao động trốn đóng BHTN...
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, Tổng LĐLĐ đề xuất cho phép họ được hưởng TCTN và bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Mức hưởng BHTN cho người tham gia liên tục từ tháng 145 trở đi, cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng TCTN. Đối với những người tham gia BHTN đến khi nghỉ hưu nhưng chưa hưởng lần nào thì được nhận 50% số tiền đã đóng vào quỹ BHTN.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tổng số người nộp hồ sơ hưởng TCTN trên cả nước tính đến hết tháng 3-2024 là 7.605.726 - gấp 14 lần so với năm 2015. Trong đó, 7.439.091 người có quyết định hưởng TCTN.
Đến hết tháng 3-2024, 14.634.001 NLĐ đã được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó 1,68 triệu người được giới thiệu việc làm (chiếm 11,5%) và 261.676 người được hỗ trợ học nghề.
Nguồn: Người lao động
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này