Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,854
Khi lương cơ sở tăng thêm hơn 300.000 đồng/tháng từ ngày 1/7 tới đây, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa với người lao động mất việc làm cũng tăng theo.
Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, trong năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là gần 984.000 người, số người có quyết định hưởng TCTN là hơn 975.000 người.
Tỷ lệ người được nhận TCTN rất cao cho thấy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang phát huy tốt mục tiêu chia sẻ gánh nặng tài chính cho người lao động mất việc trong lúc họ chưa tìm được việc làm.
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng TCTN hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Đây là mức hưởng không thấp khi người lao động vẫn có được 60% thu nhập để chi trả cho sinh hoạt trong thời gian đi tìm công việc mới.
Dù Luật Việc làm quy định mức hưởng TCTN tối đa và số tháng hưởng TCTN tối đa (12 tháng cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 năm trở lên) nhưng mức hưởng cao nhất theo quy định vẫn đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Điều 50 Luật Việc làm quy định mức tối đa của khoảng TCTN này là "không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định" và "không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định".
TCTN chia sẻ gánh nặng tài chính cho người lao động mất việc trong lúc họ chưa tìm được việc làm
Như vậy, với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng TCTN cao nhất từ nay cho đến hết ngày 30/6 là 7,45 triệu đồng/tháng (5 x 1,49 triệu đồng), hưởng cao nhất trong 12 tháng là 89,4 triệu đồng. Từ ngày 1/7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng TCTN cao nhất là 9 triệu đồng/tháng (5 x 1,8 triệu đồng), hưởng cao nhất trong 12 tháng là 108 triệu đồng.
Với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức hưởng TCTN tùy thuộc vào mức lương tối thiểu vùng nơi họ làm việc.
Năm 2023, mức lương tối thiểu được quy định theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Theo đó, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, người lao động làm việc ở vùng I khi mất việc sẽ được hưởng TCTN cao nhất là 23,4 triệu đồng/tháng, hưởng cao nhất trong 12 tháng là 280,4 triệu đồng.
Mức hưởng TCTN như trên là khá cao khi người lao động chỉ phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 3% tiền lương mỗi tháng, 36% tiền lương tháng mỗi năm nhưng được hưởng trợ cấp đến 60% lương tháng cho mỗi năm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đó là chưa kể tính trong 3% đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thực tế người lao động chỉ đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và 1% còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Như vậy, thực tế mỗi tháng người lao động chỉ đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 1% tiền lương tháng, mỗi năm là 12% tiền lương tháng nhưng được hưởng đến 60% tiền lương tháng khi thất nghiệp.
Ngoài TCTN, người lao động còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để họ có thể nhanh chóng tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống như: Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 51 Luật Việc làm); được cơ quan dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm mới miễn phí (Điều 54 Luật Việc làm); được hỗ trợ chi phí để học nghề mới để người lao động dễ tìm việc (Điều 55, 56 Luật Việc làm).
Theo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2022 của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2022, cơ quan chức năng đã tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2,2 triệu lượt người, tăng hơn 24% so với năm 2021; số người được học nghề là gần 22.000 người, tăng gần 19% so với năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm - cho biết, Cục Việc làm thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ngoài ra, trong năm 2022, Cục đã xây dựng và trình Bộ LĐ-TB&XH ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành gửi các địa phương và các cơ quan có liên quan để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong quá trình hưởng; hướng dẫn xử lý kịp thời cho các địa phương, tổ chức, cá nhân khi gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Cục Việc làm triển khai việc tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN trên cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo thuận tiện cho người lao động làm thủ tục nhận TCTN.
Nguồn: Dân trí
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này