Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 15,260
Một phần ba trong cuộc đời công chức, ta dành cho ngôi nhà chung - công sở. Mỗi ngày ta đều phải hít thở, phải sống cùng và phải yêu cái bầu không khí ở cơ quan. Không biết cái bầu không khí này ô nhiễm đến mức nào nhưng nó đã sản sinh ra một căn bệnh thời đại có tên gọi stress.
Nhiều dạng stress nơi công sở
Tất nhiên, những môi trường khác cũng có khả năng tạo stress. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các nhà tâm lý vẫn lưu tâm nhiều nhất đến loại stress là sản phẩm của cuộc sống công sở. Stress nơi công sở có nhiều dạng nhưng đa phần là do các virút có tên chung là "áp lực" gây nên. Áp lực trong công việc, áp lực về các mối quan hệ, áp lực về thu nhập, áp lực của lòng tin... Nhưng nguyên nhân chính vẫn là một loại áp lực có tên là "tôi phải...".
Tự mình làm khổ mình
Không ai xách ca táp đi làm mỗi ngày lại chỉ mong giữ chức "nhân viên quèn" suốt đời công chức. Ai chẳng muốn mình "phải" là một cái gì đó, "phải" có một cái gì đó và "phải" được một cái gì đó... Thế là đôi khi người ta cứ hay tự gây stress cho mình bởi những con virút áp lực có tên khoa học là "tôi phải...".
Luôn luôn phải tự đặt ra mục tiêu, luôn luôn phải phấn đấu, luôn luôn phải bắt buộc mình hoàn thành công việc một cách tốt nhất, có khi là vượt qua cả khả năng thực. Áp lực vượt qua chính mình, vượt qua tư tưởng an phận là áp lực lớn nhất nhưng cũng là áp lực lành mạnh nhất mà một nhân viên văn phòng phải gánh trên vai trong suốt cuộc đời công chức.
Thế nhưng một nhân viên văn phòng càng thăng tiến, càng gánh nhiều trọng trách trên vai thì khoảng cách với các đồng nghiệp càng lớn dần, thời gian rảnh rỗi cũng càng bị thu hẹp.
Cuộc sống công sở đôi khi chỉ là một bản kế hoạch dài vô tận của những điệp khúc "phải"... "phải"... Không làm được là stress. Không đạt được cái "phải" thế này, "phải" thế nọ là stress. Và không ai có thể chia sẻ công việc (hoặc cũng không muốn chia sẻ công việc với ai) nên stress ngày một nặng.
Căn bệnh này còn gọi là hội chứng "tự mình làm khó mình". Căn bệnh stress có tên là "tôi phải..." này thường gây di chứng nặng nề với người phụ nữ hơn nam giới. Bởi ngoài những cái "tôi phải..." thông thường khác, phụ nữ còn chịu thêm áp lực tâm lý "phải" không thua kém gì đồng nghiệp nam. Hơn thế, phụ nữ lại còn chịu sự "quá tải" của những cái "phải" cả ở công sở lẫn gia đình.
Sự quá tải này dẫn đến tình trạng phụ nữ ít có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm lo sắc đẹp... Những tác dụng phụ của việc không đạt được cái "phải" đã đề ra đối với phụ nữ cũng nặng nề hơn. Công việc trục trặc, bị sếp khiển trách, bị đồng nghiệp hiểu nhầm, rồi thêm những mối lo gia đình, con cái... càng gây nên những cơn stress triền miên với nữ văn phòng.
Stress thì rõ là chả tốt đẹp gì. Nhưng nếu ở một mức độ nào đó thì nó cũng có những tác dụng tích cực nhất định, tương tự như việc dùng độc dược với liều lượng đúng có thể chữa được nhiều chứng bệnh nan y. Khi chúng ta bực bội, cơ thể sẽ tiết ra nhữg hoocmon làm tăng nhịp tim, tăng lượng đường trong máu, thu hẹp động mạch và tạo nhiều máu đông. Nếu bạn kiểm soát được stress, nó có thể là động lực thúc đẩy và tạo cảm hứng cho bạn làm việc.
Tất nhiên, khả năng vi rút áp lực của mỗi người khác nhau nên khả năng miễn dịch với stress của mỗi người cũng khác nhau. Những cơn cáu giận triền miên của stress sẽ gây hại thường xuyên cho cơ thể. Nhẹ thì cũng gây căng thẳng thần kinh, đau đầu, mệt mỏi, giảm sức chiến đấu với các chiến dịch "tôi phải...".
Nặng hơn thì có những biểu hiện bệnh lý khác: Lo âu, trầm cảm, khó thở, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp... Đặc biệt stress có liên quan mật thiết đến các chứng bệnh về tim mạch. Stress có thể tạo nên những thói quen sinh hoạt rất có hại: Ăn uống vô độ, nghiện chất kích thích và đặc biệt là rất khó ngủ. Các triệu chứng đó có thể dẫn tới thừa cholesterol, đau tim hay ung thư. Những nhân viên thường xuyên bị stress dễ bị huyết áp cao.
Đặc biệt khi người đó không được sếp hoặc đồng nghiệp trợ giúp. Các nhà khoa học lý giải rằng sức ép của công việc có thể làm huyết áp tăng bằng cách kích hoạt thường xuyên hệ thần kinh và tim mạch. Mà càng stress nặng thì "người bệnh" càng có ít thời gian và sức lực để tập luyện, ăn uống kém, ngủ ít và sử dụng các chất kích thích (như thuốc lá, cà phê...) nhiều hơn, stress lại gây hại nhiều hơn.
Liều thuốc chống stress
Cách tốt nhất để chống stress là "phải" biết mình là ai và mình đang đi về đâu. Mỗi người đều sắm một "vai" nhất định tại cơ quan, và hãy cứ làm tốt vai của mình trong từng thời điểm. Cuộc sống công sở vốn nhiều khúc quanh: Bình bầu, thăng chức, nhảy việc... Những kế hoạch ngắn hạn và linh động luôn luôn có thể thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả hơn những chiến dịch "tôi phải..." hoành tráng quy định cho cả một đời người.
Công việc không chỉ là một thứ "phải làm" ở văn phòng mà nó đơn giản là một sở thích. "Thích" sẽ làm tốt hơn là "phải". Và hiệu quả công việc mới là thứ để khẳng định mình chứ không phải chỉ là một vị trí, một chức vụ ảo phải bỏ quá nhiều công sức chiến đấu ngoài công việc.
Những người hãnh tiến nhất lại là những người dễ bị stress nhất. Trong khi cơ hội của tất cả mọi nhân viên trong công sở lại là như nhau. Điều tiết mối quan hệ quan trọng hơn là đặt mình lên trên mối quan hệ đó. Hạ một bậc từ "hãnh tiến" xuống "cầu tiến", các mối quan hệ trong công sở sẽ được hóa giải.
Sống hòa đồng là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu trong công việc, có được những mối quan hệ tốt đẹp và tránh xa được những cơn stress bất tận nơi công sở. Stress, xét cho cùng cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Cuộc sống không thể thiếu những áp lực, thử thách. Nhưng đối diện với nó như thế nào mới là quan trọng.
Khoa học đã chứng minh mọi vật đều bị tác động từ xung quanh, trong vũ trụ không có cái gì đúng hay sai, tốt hay xấu. Cuộc sống của bạn cũng vậy. Nó trôi đi một cách không chắc chắn vào tương lai và có thể sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Ngày qua ngày cuộc sống đem đến cho bạn rất nhiều thử thách, áp lực và nếu muốn hoàn thành công việc bạn phải biết cách biến chúng thành những bài học để từ đó bản thân có thể trưởng thành hơn, tiến xa hơn và rồi bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn với bản thân.
Source: (Theo TVTD)
Please sign in to perform this function