IT Helpdesk: Nhiệm vụ, kỹ năng và yêu cầu tuyển dụng
Khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên 4.0 – kỷ nguyên của công nghệ điện tử cũng là lúc sự lên ngôi của các ngành nghề liên quan đến lập trình. IT Helpdesk cũng là một trong những ngành triển vọng, hứa hẹn đem lại khả năng thăng tiến cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về công việc này. Bài viết dưới đây, CareerViet sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích đấy!
1. IT Helpdesk là gì? Nhiệm vụ chính của IT Helpdesk
1.1 Tìm hiểu IT Helpdesk là gì?
Trước hết, ta nên tìm hiểu về Helpdesk là gì để hiểu rõ hơn về vị trí này. Helpdesk sẽ đóng vai trò là người chăm sóc khách hàng, là cầu nối giữa người mua hàng và những bộ phận khác trong công ty. Điển hình như khi khách hàng cần hỗ trợ một vấn đề, Helpdesk sẽ truyền tải những mong muốn của khách hàng đến bộ phận xử lý và có trách nhiệm phản hồi lại những thắc mắc ban đầu được đặt ra.
Tương tự, IT Helpdesk là bộ phận có trách nhiệm giải đáp cũng như tư vấn các giải pháp liên quan đến vấn đề kỹ thuật, công nghệ của sản phẩm cho các người dùng (hay còn gọi là end-user). Hầu hết các công ty sẽ có riêng bộ phận Helpdesk để giải đáp hoặc tư vấn cho người dùng qua các nền tảng như email, điện thoại, website,...
Tùy vào cơ cấu công ty mà sẽ có bộ phận nội bộ chỉ dành cho đội ngũ nhân viên trong công ty, chuyên hỗ trợ các vấn đề tác vụ, công nghệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
>Xem thêm: Các lĩnh vực công việc trong ngành IT
1.2 IT Support khác gì IT Helpdesk?
Dù có tên gọi khác nhau nhưng IT Support và IT Helpdesk tương đối giống nhau về yêu cầu công việc. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào sản phẩm cung cấp, quy mô và văn hóa doanh nghiệp để ứng định tên gọi của vị trí này.
Nhìn chung, bản chất IT Support và IT Helpdesk là một. Vì thế, bài viết này không chỉ gói gọn về những yêu cầu, mô tả công việc của riêng nhân viên IT Helpdesk mà còn có thể áp dụng cho những vị trí tương tự ở các mô hình doanh nghiệp khác ở Việt Nam.
>Xem thêm: Tìm việc làm IT support
2. Mô tả công việc IT Helpdesk
IT Helpdesk đảm bảo hiệu suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ nói chung
Thông thường IT Helpdesk phải làm gì? Mỗi công ty sẽ có bản mô tả công việc khác nhau cho vị trí IT Helpdesk. Thông thường, ở vị trí này, bạn sẽ phụ cách các vấn đề về troubleshooting trong IT và kỹ thuật nói chung. Đồng thời, phụ trách việc nâng cấp và bảo trì hệ thống liên tục để giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh.
Vị trí này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo quá trình hoàn thành dự án cũng như phát hiện kịp thời các vấn đề tiềm ẩn trong sản phẩm và dịch vụ.
Cụ thể, danh sách việc làm IT Helpdesk sẽ bao gồm:
- Xác định và giải quyết các vấn đề liên quan đến phần mềm và phần cứng, mạng máy tính hoặc các ứng dụng công nghệ khác cho người dùng.
- Hỗ trợ và đảm bảo quy trình vận hành phần cứng và phần mềm của doanh nghiệp được trơn tru, hiệu quả.
- Kết hợp với phòng IT và những phòng ban liên quan để thực hiện chẩn đoán kỹ thuật từ xa và giải quyết các vấn đề kỹ thuật kịp thời.
- Đảm nhận quản lý tên miền, hệ thống server và những tác vụ kỹ thuật về SEO của doanh nghiệp.
- Tư vấn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng về sự cố, sau đó thông tin lại cho nội bộ để giải quyết.
- Theo dõi và ghi lại tiến độ xử lý, cập nhật tình hình chất lượng sản phẩm và sửa chữa vấn đề.
- Back-up dữ liệu, cập nhật và duy trì network hoạt động.
- Phụ trách nhiệm vụ bảo hành, sửa chữa máy móc.
Bản mô tả việc làm ở trên là tương đối và có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của mỗi doanh nghiệp. Nếu quan tâm đến vị trí này, bạn có thể tìm hiểu mô tả công việc chi tiết ở những công ty đang tuyển dụng tại đây.
3. Yêu cầu tuyển dụng IT Helpdesk
3.1 Yêu cầu về học vấn
Nếu bạn đã có bằng Đại học/Cao đẳng và một số chứng chỉ liên quan đến các ngành công nghệ như Hệ thống máy tính, Phần cứng và Phần mềm, Khoa học máy tính,... thì bạn đã nắm chắc cơ hội đảm nhận vị trí này. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp sẽ đòi hỏi chứng chỉ kỹ sư hệ thống Microsoft Certified Professional.
3.2 Yêu cầu về kinh nghiệm, chuyên môn
Trên trang tuyển dụng CareerViet, các công ty tuyển dụng nhìn chung không yêu cầu quá cao về bằng cấp hay kinh nghiệm thâm niên mà chủ yếu đánh giá qua khả năng đáp ứng công việc. Đương nhiên, nếu bạn đã có sẵn một số kinh nghiệm trong quản trị server như Windows, CentOS,... hoặc có kinh nghiệm làm việc liên quan đến phân tích, sửa chữa sự cố hệ thống công nghệ trước đó cũng giúp “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. Theo đó, bạn cũng nên tìm hiểu về chính sách và quy trình làm việc của phòng IT để thể hiện bạn nắm rõ về công việc và cách quản lý thông tin.
>Xem thêm: Tìm việc làm Nhân viên IT
4. Những kỹ năng cần thiết để trở thành một IT Helpdesk chuyên nghiệp
4.1 Kỹ năng xử lý sự cố
Đảm nhận vị trí này, việc thường xuyên phải đối mặt với những sự cố của khách hàng hoặc nội bộ công ty là điều hiển nhiên. Cho dù bạn có cẩn thận đến mấy nhưng những rủi ro ngoài ý muốn vẫn có thể xảy ra. Vì nhiệm vụ chính của bạn là hỗ trợ người dùng xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến máy tính, phần mềm,… nên bắt buộc phải có kỹ năng phát hiện ra các sự cố, vấn đề và nhanh chóng đưa ra những hướng giải quyết phù hợp.
4.2 Kỹ năng giao tiếp tốt
IT Helpdesk là người đại diện công ty giao tiếp với khách hàng khi họ gặp các sự cố kỹ thuật. Vì vậy, bạn phải có thái độ tận tâm, biết lắng nghe và thực sự quan tâm đến khách hàng dù ở bất kỳ tình huống nào.
Phần lớn khách hàng sẽ không có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật nên trong quá trình tư vấn, bạn phải là người tiếp nhận thông tin, đưa ra các câu hỏi gợi ý để khách hàng có thể miêu tả chính xác tình trạng hoặc tạo ra các câu hỏi nghiên cứu nhằm chẩn đoán, hỗ trợ vấn đề. Trong một số trường hợp, bạn cũng là người phải theo dõi và phản hồi các yêu cầu của khách hàng nên cần tạo lòng tin và sự uy tín với khách hàng.
Kỹ năng giao tiếp tốt là rất cần thiết khi làm việc ở vị trí IT Helpdesk
4.3 Kỹ năng ngoại ngữ
Công việc của IT Helpdesk là phụ trách việc theo dõi và cập nhật các xu thế công nghệ trên thị trường nhằm nâng cấp hệ thống công nghệ doanh nghiệp. Do đó, ngoại ngữ sẽ là “chìa khóa” để bạn dễ dàng tiếp cận các kiến thức mới nhất trên các nền tảng công nghệ quốc tế.
Khi có nền tảng ngôn ngữ tốt, bạn cũng có nhiều cơ hội “đầu quân” cho doanh nghiệp nước ngoài và tiếp cận được những xu hướng phát triển mới.
IT Helpdesk phải luôn cập nhật xu hướng phát triển công nghệ, kỹ thuật mới
4.4 Kỹ năng thuyết trình
Với tư cách là một người hỗ trợ khách hàng, bạn phải có khả năng thuyết trình, trình bày mạch lạc rõ ràng để đưa thông tin đến khách hàng và giải quyết những vấn đề họ đang gặp phải. Ngoài ra, bạn cũng phải thành thạo việc trình bày và báo cáo công việc với cấp trên.
4.5 Kỹ năng làm việc nhóm
Công việc của IT Helpdesk đòi hỏi sự hỗ trợ, liên kết giữa nhiều phòng ban với nhau. Vì thế, nếu không có kỹ năng đội nhóm tốt, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc và khó hoàn thành công việc được giao.
Trước hết, bạn phải đáp ứng được khả năng lắng nghe tốt, có tinh thần cầu tiến, trách nhiệm và dám chịu phê bình. Nắm bắt được tình hình làm việc của các thành viên trong nhóm là cái cần lưu ý. Bạn cần hiểu rõ họ đang làm gì và tốn bao nhiêu thời gian, khi nào thì có thể nhờ support,...
4.6 Kỹ năng chăm sóc khách hàng
Công việc chính của IT Helpdesk là xử lý vấn đề nội bộ, đồng thời truyền tải thông tin giải pháp đến khách hàng. Vì vậy, bạn cần có một phong thái làm việc tốt, biết lắng nghe và cung cấp giải pháp xử lý vấn đề theo cách dễ hiểu nhất.
Nhiều nhân viên giỏi về chuyên môn, xử lý vấn đề nhưng lại thất bại ở khâu truyền tải đến khách hàng hay đồng đội. Điều này còn phụ thuộc vào sự khéo léo và khả năng truyền đạt của bạn.
Tác phong làm việc chuyên nghiệp phải đảm bảo
4.7 Tính kiên nhẫn trong công việc
Như đã nói ở trên, mỗi ngày nhân viên IT Helpdesk sẽ phải trợ giúp nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, chắc chắn sẽ có những tình huống khó xử và không thoải mái nhưng phải đảm bảo được tính chuyên nghiệp và khả năng ứng xử tốt. Có những ngày công việc đòi hỏi phải nâng cấp và bảo trì hệ thống liên tục, nên tính kiên nhẫn trong công việc là rất quan trọng.
5. Lộ trình phát triển sự nghiệp của IT Helpdesk
Con đường phát triển của vị trí IT Helpdesk khá rộng mở. Bạn có thể trau dồi thêm kinh nghiệm và “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực khác của IT. Nếu không, bạn cũng có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn trong bộ phận IT. Cụ thể như:
- Trưởng nhóm IT Helpdesk: Vị trí phù hợp với những người có kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo nhóm tốt.
- Quản trị viên hệ thống mạng: Dành cho các đối tượng có bằng cấp về network như CCNP, CCNA,..
- Quản trị viên hệ thống: Phù hợp khi bạn có một số chứng chỉ về hệ điều hành như MCSE của Microsoft, Linux, Unix,...
- Quản trị ứng dụng: Tương tự như network hay sever, bạn có thể chuyển sang các vị trí hỗ trợ ứng dụng khi có cơ hội.
- Chuyên gia bảo mật: Đây cũng là một khả năng, nếu bạn chịu khó học thêm chuyên sâu về các kỹ thuật này. Làm trong bộ phận Helpdesk là cơ hội tốt để bạn có thể tiếp xúc và học hỏi các chuyên gia cùng làm việc.
- Quản trị dữ liệu: Đây cũng là một vị trí tiềm năng và nhiều DBA đã đi lên từ bộ phận IT Helpdesk.
- Chuyên viên quản lý IT, chuyên viên quản lý dự án IT: Tất nhiên đây là nấc thang cao và cần nhiều thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Nhìn chung con đường phát triển của vị trí này là không giới hạn, phụ thuộc vào tính cầu tiến và khả năng học hỏi mỗi người với nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Lộ trình thăng tiến đầy triển vọng và không giới hạn
6. Thu nhập của IT Helpdesk
Theo thông tin CareerViet tìm hiểu thì lương IT Helpdesk hiện nay sẽ dao động trong khoảng 8 – 12 triệu đồng một tháng. Thậm chí, đối với những người giàu kinh nghiệm, mức thu nhập có thể lên đến 20 triệu đồng hoặc cao hơn. Nếu bạn có vốn ngoại ngữ tốt thì có thể đầu quân tại những công ty nước ngoài. Khi đó, thu nhập hằng tháng của bạn có thể lên đến 30 triệu đồng.
Cần lưu ý là mức thu nhập có thể khác nhau khi làm trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ IT Helpdesk ngân hàng mức thu nhập có thể khác với IT Helpdesk ngành dầu khí,.. cho dù họ có số năm kinh nghiệm như nhau.
>Xem thêm: Việc làm IT đang tuyển dụng
7. Những “hiểu lầm” về nghề IT Helpdesk
Nhiều cá nhân cho rằng IT Helpdesk có thể sửa “tất tần tật” những vấn đề liên quan đến kỹ thuật phần mềm và phần cứng. Tuy nhiên, đây được xem là một “hiểu lầm” về nghề Helpdesk. Dẫn theo đó là những sai lầm khác như:
- IT Helpdesk sẽ giải quyết mọi vấn đề thuộc IT: Thông thường, khi khách hàng có vấn đề với thiết bị công nghệ của họ thì IT Helpdesk sẽ là người trực tiếp hỗ trợ họ. Tuy nhiên, các vấn đề bạn gặp phải đôi khi không nằm trong phần công việc họ phụ trách, dẫu cho đó là vấn đề liên quan kỹ thuật. Vì thế, khách hàng sẽ được liên kết đến những phòng ban có thể cải thiện vấn đề của họ tốt hơn.
- IT Helpdesk bị hạn chế về cơ hội phát triển: Với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin như hiện nay thì nhu cầu tuyển dụng IT Helpdesk cũng tăng theo. Do đó, nếu bạn là một người cầu tiến và luôn nắm bắt cơ hội trong công việc thì đừng áp lực rằng ngành này không có tiềm năng phát triển nhé.
- IT Helpdesk xử lý vấn đề của bạn không cần thông qua tiêu chuẩn nào: Một doanh nghiệp bài bản luôn trang bị những tiêu chuẩn chất lượng nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Các nhân viên chuyên hỗ trợ kỹ thuật phải tuân thủ những tiêu chuẩn được đặt ra để đạt được hiệu quả tốt nhất cho khách hàng lẫn hình ảnh của công ty.
- Helpdesk có thể “kiêm” sửa chữa các loại máy móc khác: Thực tế, nhiệm vụ chính của Helpdesk là hỗ trợ khách hàng và phụ trách các loại máy móc nằm trong sự phân công và tầm hiểu biết của họ. Một số trường hợp hi hữu yêu cầu họ phụ trách sửa hệ thống điện nước là nằm ngoài tầm với khả năng và nhiệm vụ của vị trí này.
>Xem thêm: Việc làm Kỹ sư IT đang tuyển dụng
Những “hiểu lầm” về nghề IT Helpdesk
8. Tài liệu tham khảo cho IT Helpdesk
Bạn có thể tham khảo các khóa học online trên các nền tảng giáo dục sau để có kiến thức căn bản về IT Helpdesk:
- IT Help Desk cho người mới bắt đầu của Udemy
- Khóa học online IT Help Desk for Beginners của LinkedIn
Tiếp theo, bạn có thể nâng cao khả năng của mình thông qua những lớp học nâng cấp
- Become a IT Help Desk Professional của Udemy
- IT Help Desk online training courses của LinkedIn Learning
- Google IT Support Professional Certificate của Coursera
Đừng quên, còn có rất nhiều website cung cấp tài liệu và kinh nghiệm từ những cá nhân đã đi trước trên hành trình làm một IT Helpdesk. Bạn nên tham khảo có chọn lọc những nguồn đó. Ngoài ra, rèn luyện là phương pháp tốt nhất để sở hữu kỹ năng ở một lĩnh vực nào đó. Hãy tăng mức độ va chạm với nhiều dự án để rèn giũa kỹ năng mềm và chuyên môn của mình tốt hơn nhé.
>Xem thêm: Việc làm IT Specialist đang tuyển dụng
Trên đây là những thông tin mà CareerViet muốn gửi đến bạn về công việc IT Helpdesk. Nếu bạn có nhu cầu tìm việc IT Helpdesk hay các vị trí khác liên quan đến công nghệ thông tin, đừng quên truy cập ngay CareerViet.vn để tham khảo các cơ hội việc làm tuyển dụng IT hiện nay nhé!