Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Lượt xem: 34,091
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerBuilder:
Sự cạnh tranh giữa các nhân viên trong một công ty có thể trở thành động lực thúc đẩy hiệu suất công việc không? Đây là một câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng hoàn toàn không dễ trả lời, bởi cho đến nay, sau rất nhiều quan điểm trái chiều thì chúng ta vẫn chưa thể có được một “tiếng nói” chung. Có thể tuần trước bạn đọc một bài viết chỉ ra rất nhiều lý do chính đáng, thuyết phục chúng ta rằng sự cạnh tranh là cách tuyệt vời để nhân viên làm việc hăng say quên mình. Nhưng biết đâu, cũng vừa mới đây thôi, bạn lại xem được những phân tích cho thấy thông tin của tuần trước, vô tình hay hữu ý, đã “quên” không đề cập về những cách nghĩ tiêu cực và hành vi thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tất cả mọi lập luận nêu trên đều có thể đúng. Tuy nhiên, đừng quá bối rối! Hãy cùng tham khảo với CareerViet.vn một vài chia sẻ về chủ đề này. Trong một chừng mực nào đó, mọi vấn đề đều có mặt ưu và khuyết, kết quả sau cùng phụ thuộc vào góc nhìn và mục tiêu bạn hướng đến. Áp dụng vào công việc, sự cạnh tranh sẽ có lợi hay hại là do cách doanh nghiệp quản lý, xây dựng văn hóa và định hướng cho nhân viên.
Đầu tiên, hãy xem qua những lợi ích mà môi trường làm việc cạnh tranh có thể tạo ra:
1. Thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ
Sự cạnh tranh khuyến khích bản thân mỗi người lao động nỗ lực nhiều hơn để gặt hái những kết quả tốt nhất. Nó là một lý do mạnh mẽ và chính đáng khiến nhiều nhân viên làm việc hăng say hơn, giảm bớt những sự thờ ơ hay lười biếng, đồng thời thúc đẩy cho sự đổi mới và mong muốn hoàn thiện bản thân.
2. Giúp nhân viên có trách nhiệm và nhiều động lực hơn
Sự cạnh tranh giúp những người tham gia trở nên trách nhiệm hơn. Họ có một mục tiêu để theo đuổi và chăm chỉ làm việc với tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao. Thậm chí, nhiều người sẽ cảm thấy công việc của mình thú vị và hấp dẫn hơn trước. Nó cho họ một điều gì đó để mong chờ và tạo ra những động lực tốt hơn.
3. Lợi nhuận công ty cao hơn
Đương nhiên, khi năng suất và hiệu quả cao hơn thì doanh thu của công ty cũng theo đó tăng lên. Là quản lý, bạn sẽ muốn tạo ra những sự cạnh tranh lành mạnh và thân thiện, khi đó các cuộc thi đua hiệu suất sẽ có tác động tích cực đối với nhân viên.
4. Học hỏi từ đối thủ
Trong bất kỳ công ty nào, nơi làm việc sẽ luôn có những người với các khả năng cá nhân và chuyên môn khác nhau. Sự cạnh tranh thân thiện sẽ thúc đẩy một bầu không khí thuận lợi cho việc học hỏi những điểm mạnh và chia sẻ về thất bại của nhau để cùng tiến bộ và phát triển vì lợi ích tốt nhất cho công ty.
Ngoài ra, nếu công ty đưa ra những mục tiêu phấn đấu giữa các phòng ban, thì trong trường hợp này sự cạnh tranh lại rèn cho nhân viên khả năng phối hợp tốt hơn và làm việc nhóm uyển chuyển hơn.
Mặt khác, sự cạnh tranh cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ gây hại:
1. Căng thẳng
Cạnh tranh không lành mạnh có thể làm tăng mức độ căng thẳng và áp lực lên các nhân viên. Điều này cuối cùng sẽ có tác động tiêu cực đến công ty bởi vì sự căng thẳng sẽ thế chỗ cho khả năng tập trung của nhân viên, dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất và hiệu quả trong công việc.
2. Khiến người giỏi ra đi
Một số nhân viên chưa dành nhiều tình cảm hay có sự gắn bó sâu sắc với công ty thì sẽ khó có thể chống chọi lại với những áp lực lớn mang tên cạnh tranh. Thế rồi cuối cùng họ quyết định rời bỏ công ty để tìm kiếm một môi trường mới tốt hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh vì doanh nghiệp có thể mất đi những tài năng thực sự.
3. Khiến nhiều người gây hại lẫn nhau
Cạnh tranh có thể bộc lộ mặt ích kỷ trong mỗi người và điều này dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Là người làm chủ, chắc hẳn bạn sẽ luôn chào đón những nhân viên có định hướng mục tiêu, nhưng nếu một người quá tập trung vào việc đạt được mục tiêu của công ty đến mức sẵn sàng hạ bệ những người khác thì đó có phải là hướng đi đúng đắn?
4. Giết chết tinh thần đồng đội
Bằng lý do cạnh tranh, giữa tập thể sẽ xuất hiện những gương mặt nổi bật, họ hành động như thể mình là “nhân vật chính”. Khái niệm đội nhóm gần như tự động bị lãng quên. Tình trạng công ty thiếu mất tinh thần đồng đội là rất phản tác dụng, bởi vì mọi nhân viên bắt đầu làm việc hướng tới những mục tiêu khác nhau, thay vì cùng đồng lòng hướng về một đích đến chung.
5. Mất đi sự tin tưởng
Trong một môi trường cạnh tranh không lành mạnh thì niềm tin luôn bị đặt dấu hỏi. Sự thiếu tin tưởng ở nơi làm việc sẽ gây hại cho công ty vì nó làm xói mòn những giao tiếp hiệu quả giữa mọi người, điều cần thiết giúp doanh nghiệp phát triển thành công và thịnh vượng.
Nói tóm lại, miễn là sự cạnh tranh vẫn duy trì được tính công bằng, tích cực và lành mạnh thì sẽ luôn có lợi cho công ty. Nó làm tăng chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời có thể bồi dưỡng cho những mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trở nên gắn bó và thân thiết hơn. Là người quản lý, trách nhiệm định hướng cũng như theo dõi để kịp thời điều chỉnh cho nhân viên là rất quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của văn hóa cạnh tranh nội bộ.
*Nguồn ảnh: Internet
Nguồn : Nguồn: CareerBuilder Vietnam
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn