Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 17,726
Mối quan tâm hàng đầu đối với các sinh viên vừa mới rời ghế giảng đường đại học có lẽ là việc làm. Và điều này không chỉ đúng với các "tân binh" mà có khi còn là mối quan tâm của đại đa số các ứng viên muốn kiếm tìm cho mình một công việc hợp với khả năng, kiến thức và nguyện vọng. Hẳn ai đó cũng đã một lúc nào đó từng mơ ước được làm việc cho Coca-Cola, Nestle, Motorola,
PricewaterhouseCoopers hoặc Baker & McKenzie. Tại sao họ lại mơ ước được làm việc cống hiến cho các công ty tên tuổi đó mà không phải là một hãng X,Y, Z nào khác? Tên tuổi của nhà tuyển dụng chính là tài sản quý giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút nguồn nhân lực và đồng thời góp phần tiết kiệm ngân sách trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực.
Giả sử như có một quảng cáo tuyển dụng nhân sự của một công ty thuộc hạng "tép riu" có tên X nào đó, liệu rằng mẩu quảng cáo này có đủ sức để thu hút một lượng ứng viên "tử tế" hay không? Thực tế cho thấy rằng, cùng một kiểu quảng cáo với đầy đủ logo công ty, nếu Bạn quảng cáo trên các báo chí Thủ đô, lượng resume của các ứng viên "tử tế" sẽ cao hơn ít nhất là hai lần so với việc Bạn quảng cáo tại các tỉnh lẻ.
Nói chung, sự nổi tiếng của công ty chính là một thuận lợi lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực. Một cái tên quen thuộc nếu gây được nhiều thiện cảm đối với người lao động sẽ là một điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn nhân lực. Thông thường các ứng viên có vẻ "nặng ký" chịu nhiều ảnh hưởng của quảng cáo - chủ yếu là các quảng cáo hàng tiêu dùng.
Ví dụ như quảng cáo của hãng điện thoại di động Nokia thường được người lao động gắn với các ý tưởng về sự thành đạt, còn quảng cáo của Coca Cola - một điều gì đó gần giống như là niềm hãnh diện, sự sung sướng được tiếp xúc, được giao tiếp. Khoảng 90% các bạn trẻ Phần Lan mong muốn được làm việc và cống hiến cho Nokia, còn tại chi nhánh Coca Cola Russia thì cứ 1 vị trí tuyển dụng có tới hàng trăm đơn xin việc.
Về vấn đề này thì các công ty danh tiếng trong lĩnh vực tư vấn cũng tỏ ra không thua kém các bậc đàn anh trong lĩnh vực sản xuất. PricewaterhouseCoopers, Ernst Young xứng đáng là những cái tên danh tiếng để các ứng viên khao khát và ngưỡng mộ. Các đại gia trong làng kiểm toán và tư vấn này đã đổ nhiều công sức và tiền bạc cho việc tạo dựng hình ảnh của mình.
Dĩ nhiên chẳng ai dại gì mà "ném tiền qua cửa sổ". Mọi chi phí đều có một mục đích và giá cả riêng. Và cái đích của việc quảng cáo cho tên tuổi của mình chính là một cách đầu tư lâu dài hướng tới những ứng viên tài năng tương lai của công ty - những con gà biết đẻ trứng vàng chứ chưa hẳn là để thu hút khách hàng trước hết. Đối với các công ty danh tiếng này thì tài sản của họ là con người-mà những bộ óc siêu phàm thì không phải dễ dàng gì mà có thể kiếm tìm ngày một ngày hai được. Cho dù một nhân viên làm việc cho các đại gia này có thể nhận được mức lương thấp hơn so với nơi khác nhưng chắc chắn rằng người nhân viên đó hiểu rất rõ rằng anh ta/chị ta làm việc không phải vì đồng lương mà là vì một cái gì đó lớn hơn: đó có thể là sự tự khẳng định mình, là danh tiếng mà họ có được trước mắt bạn bè, cha mẹ anh em, là sự thăng tiến trên con đường sự nghiệp của mình...
Nói chung người ta thường ao ước được làm việc tại các công ty tập đoàn lớn và danh tiếng. Và mỗi một típ người tìm việc theo một kiểu, một lý do riêng. Đối với một sinh viên vừa rời ghế giảng đường đại học thì các công ty lớn này chính là nơi mà họ có thể lĩnh hội được nhiều kiến thức sinh động thực tế để làm hành trang cho career của mình, còn đối với các ứng viên đã từng kinh qua nhiều công việc, chức vụ thì đây chính là cơ hội bằng vàng để họ có thể khẳng định giá trị của mình trên thị trường lao động. Giá trị của một nhân viên sau ba năm làm việc cho Coca Cola, PricewaterhouseCoopers hay Procter & Gamble sẽ khác với giá của một nhân viên mới vào học việc. Nếu để ý kỹ Bạn sẽ dễ thấy rằng mức lương mà các đại gia trả cho nhân viên của họ thường không cao so với mức lương tại các công ty sản xuất hoặc thương mại khác.
Thế nhưng các ứng viên vẫn khao khát được làm việc cho các đại gia tên tuổi này bởi ít nhất họ cũng được "thơm lây" bởi danh tiếng của công ty nơi họ làm việc. Và như vậy, cả nhà tuyển dụng, cả người lao động đều lợi cả đôi đường. Nhà tuyển dụng vẫn có được những ứng viên xuất sắc mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí, còn ứng viên thì có thêm một "nốt son" trong các bản resume và career của mình.
Tuy nhiên, các đại gia kiểm toán và tư vấn chỉ có thể thu hút một lượng ứng viên kha khá vừa rời ghế giảng đường đại học chứ ít khi mà có thể thu hút được các chuyên gia giàu kinh nghiệm làm việc. Đối với các ứng viên sáng giá này, mức lương chính là thước đo giá trị kiến thức của họ, do đó ít khi mà họ đồng ý đầu quân cho các đại gia này với một mức lương thấp hơn giá trị đích thực của họ trên thị trường lao động. Đó cũng là một nét đặc trưng trong chiến thuật tuyển dụng nguồn nhân lực của các công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu thế giới.
Tên tuổi của một công ty tiếng tăm chính là một cái gì đó trừu tượng, nó là tài sản vô giá của công ty, là tấm thảm hoa mà các ứng viên trẻ khao khát được một lần bước chân vào để được thử nghiệm và khẳng định bản thân mình. Bước chân vào đây họ hiểu rằng cái gì đang chờ đợi họ ở phía trước, từ việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho đến các chế độ đãi ngộ lao động, môi trường làm việc và nhiều điều khác nữa. Ngay cả bản thân tác giả bài viết này đã từng sung sướng đến mất ngủ mấy đêm liền khi trúng tuyển vào một trong các công ty thuộc Big Five. Và có lẽ đó cũng là niềm hãnh diện của rất nhiều bạn trẻ khi được làm việc và cống hiến cho các công ty tiếng tăm như thế.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người lao động thì nếu như các công ty tiếng tăm cứ ỷ vào danh tiếng của mình mà không chịu điều chỉnh chính sách lương bổng sao cho phù hợp với thị trường lao động thì sẽ có nguy cơ lâm vào cảnh chảy máu chất xám và nếu chỉ thấy cây mà không thấy rừng thì cũng chỉ làm lợi cho người lao động mà thôi. Người lao động, khi rời ghế trường đại học nói chung chẳng có một thứ giá trị gì ghê gớm trên thị trường lao động, nhưng chỉ cần vài ba năm làm việc cho các công ty tên tuổi là họ đã có một cái gì đó để mà làm giá với các nhà tuyển dụng khác.
Và nếu như ở nơi khác người ta chào một giá lương khá cao so với chỗ làm cũ, người lao động lúc bay giờ rất dễ thỏa hiệp với phương án mới và good bye ông chủ cũ trong một tư thế đàng hoàng. Và nếu như vậy, xét cho cùng, công ty đã thiết hại rất nhiều: chi phí đào tạo, chi phí lương bổng, truyền đạt kinh nghiệm làm việc. và để rồi có kẻ khác "nẫng tay trên" mà không mất một xu chi phí nào.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Bwportal
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này