Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 14,782
Bạn vừa hoàn thành cho công ty một dự án cực kỳ xuất sắc. Đây là lúc rất thích hợp để đặt vấn đề tăng lương cho mình với giám đốc, nếu như bạn cảm thấy ông (bà) ấy chưa có động thái gì về việc này, bạn nên chuẩn bị một cuộc gặp với giám đốc hay người quản lý trực tiếp của mình để lên tiếng về việc tăng lương.
Bạn cần chủ động “lên lịch” cho cuộc gặp này, nhưng tránh làm cho sếp của mình cảm thấy khó xử. Có thể là một bữa cơm trưa văn phòng chỉ có bạn và ông (bà) ấy, chúng sẽ khiến cho bạn dễ nói chuyện hơn là một cuộc họp trịnh trọng. Chuẩn bị những vấn đề sẽ nói đến trong cuộc họp, có thể mang theo cuốn sổ tay, thậm chí là những tài liệu có thể hỗ trợ cho việc chứng minh cho sếp thấy được những thành quả to lớn mà bạn đã đạt được trong thời gian qua.
Sau đây 5 bước có thể giúp bạn thành công trong cuộc thảo luận cho việc tăng lương:
1. Đặt ra mục tiêu và thực hiện
Trước khi có cuộc gặp này, bạn cần phải có một số thành tựu nhất định nào đó tại công ty; hãy cho sếp của bạn biết, bạn đã hoàn thành chúng tốt như thế nào. Bởi vì bạn khó mà nói được chuyện tăng lương cho mình nếu như bản thân không có được một thành tích gì nổi bật. Để không bị “vấp” hay xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, bạn có thể tập luyện việc này với người thân hay bạn bè của mình. Đặt ra được mục tiêu và hoàn thành chúng một cách xuất sắc là yếu tố quyết định đầu tiên cho việc nâng cao mức lương cho mình.
2. Điềm tĩnh
Bây giờ, ta có thể nói về cuộc thảo luận (về việc tăng lương)sắp tới. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang nhận một mức lương thấp hơn so với năng lực và kinh nghiệm của mình, cũng đừng nên than phiền và ca thán với mọi người. Thay vào đó, hãy tỏ ra điềm tĩnh, độ lượng và là một nhân viên “chuyên nghiệp”. Hãy nói với sếp của bạn về những thành tích mà bạn đã đạt được trong thời gian làm việc tại công ty; nói về mức lương thực tế mà bạn đang có, làm sao để thấy rằng: với khả năng hiện tại của bạn, bạn đáng được nhận mức lương cao hơn thế.
Khi có cơ hội để có thể đặt vấn đề tăng lương, bạn nên sử dụng những từ như “đền bù xứng đáng” (cho năng lực của bạn) hơn là “tăng lương” hay “tiền”. Và nếu như họ từ chối việc tăng lương cho bạn, cũng đừng nên tỏ ra bất mãn hay có những thái độ không tốt khác cho đến cuối buổi họp. Có thể, dù không tăng lương cho bạn nhưng ông (bà) ấy sẽ dành cho bạn những quyền lợi khác như: tặng một chuyến nghỉ mát, cho bạn làm việc theo giờ giấc linh hoạt hơn, hay một bữa ăn tối với những vị lãnh đạo của công ty, v.v…
3. Đàm phán
Nếu những nỗ lực của bạn – dù cho có tốt đến đâu - mà vẫn không có được sự bù đắp tương xứng thì tốt nhất bạn nên chuyển tới một vị trí mới, thậm chí là một công ty khác.
Hoặc là, bạn có thể hỏi trực tiếp sếp của mình bạn cần làm gì để được tăng lương. Và nếu được, nên “đảo” lại vấn đề này ở một vài tháng sau đó. Không nên đưa cho họ một kiểu “tối hậu thư”: hoặc tăng lương, hoặc bạn sẽ nghỉ việc - trừ phi bạn muốn nhanh chóng bước ra khỏi công ty này. Thậm chí, dù bạn đã có trong tay một công việc khác đi nữa, cũng không nên nói kiểu này với sếp hiện tại của bạn. Hãy thảo luận vấn đề này một cách tế nhị hết mức có thể, bạn sẽ đạt kết quả tốt nhất.
4. Tiếp tục bám sát vấn đề
Có thể sếp sẽ nói với bạn rằng: thật sự họ rất muốn tăng lương cho bạn, nhưng vấn đề là họ không thể toàn quyền quyết định việc này được. Nếu đúng là như thế, hãy hỏi ông (bà) ấy có thể sắp xếp để bạn có thể nói chuyện trực tiếp với người có khả năng quyết định vấn đề này hay không. Và cũng nên chú ý đừng để sếp của mình cảm thấy họ đang bị bạn “qua mặt” vì dù không thể quyết định trực tiếp nhưng họ cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc bạn có được tăng lương hay không.
5. Theo đuổi mục tiêu đến cùng
Việc tăng lương không thể diễn ra nhanh chóng như ý muốn của bạn, có thể sếp sẽ nói một cách đơn giản rằng: họ (công ty) không thể tăng lương cho bạn tại thời điểm này. Nhưng nếu họ có bất cứ một lời hứa nào thì bạn đừng quên lấy đó là cơ hội cho mình. Để chắc chắn hơn, bạn có thể ghi lại những điều mà sếp đã hứa và gửi qua email cho họ sau cuộc gặp. Cần nhớ rằng: vấn đề sẽ chưa thể kết cho đến khi bạn nhìn thấy được sự thay đổi trên bảng lương của mình.
Nguồn: Theo HRVietNam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này