Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 14,333
Stress là một phần không thể thiếu trong tất cả các loại công việc. Theo điều tra mới đây của website CareerViet.com, 78% số nhân viên được hỏi cho biết họ cảm thấy căng thẳng và kiệt sức với công việc.
Có những yếu tố gây stress có thể “điểm mặt chỉ tên” được như khối lượng công việc gia tăng, thời gian đáo hạn căng thẳng hay một ông sếp có quá nhiều đòi hỏi. Nhưng bên cạnh đó còn có những yếu tố gây stress dường như không dễ nhìn ra. Những kẻ “giấu mặt” này làm tăng thêm cảm giác tiêu cực của nhân viên và cuối cùng làm cho họ kiệt sức.
Đánh giá mức căng thẳng của bạn
Trong cuốn sách Overworked, Overwhelmed and Underpaid, tác giả Louis Barajas chỉ ra rất nhiều dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang gần như kiệt sức với công việc.
- Bạn thường xuyên làm việc hơn 40 giờ một tuần.
- Trong một tháng qua ít nhất một lần bạn đã từng suy nghĩ nghiêm túc về việc bỏ công việc hiện tại để tìm việc mới.
- Trong vòng sáu tháng qua bạn để nhỡ ít nhất một lần kế hoạch hoàn thành một công việc lớn.
- Bạn trù trừ chưa đi khám bệnh vì không có thời gian cũng như tiền bạc.
- Bạn cảm thấy căng thẳng và bất an nhiều hơn về tình hình tài chính của bạn so với 5 năm trước đây.
Những kẻ gây stress giấu mặt
Bên cạnh việc xác định những điểm cho thấy bạn đang trong tình trạng căng thẳng hoặc kiệt sức, tác giả Barajas cũng chỉ ra những nhân tố gây stress không dễ xác định nhưng đã gây ảnh hưởng tiêu cực với công việc của bạn.
Đem những rắc rối của công việc về nhà và để nó chi phối tới đời sống cá nhân của bạn
Rất có thể bạn đang loay hoay trong việc xác định ranh giới giữa công việc và gia đình. Khi công việc của bạn trở nên căng thẳng hơn thì những trách nhiệm nơi công sở có thể “rò rỉ” vào cuộc sống gia đình của bạn. Nếu không biết cách tạo sự cân bằng thì bạn sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn.
Không có thời gian đi nghỉ hoặc làm việc ngay trong thời gian nghỉ ngơi
Nếu bạn không thể dứt bỏ triệt để với công việc, bạn không thể thu về những tác dụng của việc nghỉ ngơi, thư giãn. Và nếu công ty của bạn vừa ra thông báo về việc hợp nhất hay giảm biên chế, hẳn là khối lượng công việc sẽ không cho phép bạn có thời gian nghỉ ngơi.
Cạnh tranh nơi công sở và những trò tán gẫu
Việc phải hoàn thành các mục tiêu công việc theo đúng kỳ hạn đặt ra đã là một thách thức quá đủ, nhưng nếu đang làm việc trong môi trường có tính cạnh tranh cao, bạn buộc phải để mắt tới các đồng nghiệp khác. nếu bạn là mục tiêu của các cuộc bàn tán hay đang ở trung tâm của những tranh chấp quyền lực thì mức căng thẳng của bạn có thể đã vượt ngưỡng cho phép rất xa.
Cảm giác mình bị đánh giá thấp
Rất nhiều nhân viên thường không cảm thấy họ được đánh giá đúng đắn so với những công việc họ làm được. Hiển nhiên chế độ lương bổng và những lợi ích khác được coi là sự ghi nhận của công ty với những công việc mà nhân viên hoàn thành, nhưng một lời nói “cảm ơn” đơn giản hay một cử chỉ cá nhân thể hiện sự trân trọng lại thường bị lãng quên, đây chính là điều khiến nhiều nhân viên cảm thấy cố gắng của họ trở thành “bèo bọt”.
Bốn cách kiểm soát các nhân tố gây stress
Việc kiểm soát các nhu cầu mỗi ngày của bạn trong công việc cũng như đời sống riêng tư dường như là điều không thể nếu bạn đang trong tình trạng quá căng thẳng. Tuy nhiên, việc tạo ra và duy trì thế cân bằng giữa cuộc sống và công việc lại là điều cực kỳ quan trọng.
Cũng trong cuốn sách Overworked, Overwhelmed and Underpaid, tác giả Barajas nói về những người có tầm nhìn “hai trung tâm”. Đây là những người biết cách dành mức ưu tiên tương đương nhau giữa công việc và cuộc sống gia đình. Và theo kết quả cuộc điều tra năm 2002 của Viện gia đình và công việc, những người này đều cảm thấy giảm bớt stress.
“Điểm mặt chỉ tên” kẻ gây stress nơi công sở
Theo Barajas, có 4 chiến lược giúp các nhân viên có thể thử nghiệm kiểu cân bằng “hai trung tâm” này:
1. Thiết lập ranh giới khắt khe giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi
Theo Barajas, điều quan trọng là bạn phải xác định được đâu là ranh giới giữa gia đình và công việc. “Khi những người “hai trung tâm” ở công sở, họ tập trung tất cả cho công việc. Nhưng khi rời công sở, họ bỏ lại tất cả sau lưng, hiếm khi họ mang công việc về nhà để làm thêm vào buổi tối. Những người này cũng không sẵn sàng cho việc trả lời những câu hỏi hay các trao đổi khác liên quan đến công việc trong khoảng thời gian ngoài giờ hành chính”.
2. Tập trung vào bất cứ công việc gì bạn đang làm
Nếu chỉ cơ thể bạn tập trung vào công việc không thôi thì sẽ không thể thu được kết quả tốt bằng khi bạn tập trung cả sức mạnh cơ bắp và tinh thần vào công việc. Khi bạn toàn tâm toàn ý vào những việc đang làm, bạn sẽ thấy mình có thể cho và nhận những điều tốt nhất trong công việc cũng như các mối quan hệ.
3. Dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sức khoẻ
Đúng là việc hoàn thành đúng hoặc sớm hơn công việc so với kế hoạch đặt ra là rất tuyệt vời, nhưng điều quan trọng là về lâu về dài, bạn cần biết chăm sóc bản thân và việc này là sự đầu tư không những đem lại kết quả tốt cho sự nghiệp của bạn mà còn cho cả bản thân bạn. Tác giả Barajas khuyên các nhân viên nên tạo không khí nghỉ ngơi bất cứ nơi nào có thể. Hãy cho bạn quyền được dành thời gian làm bất cứ điều gì có thể giúp bạn hồi phục lại năng lượng ngay cả việc không làm gì cả.
4. Sắp xếp các mức độ ưu tiên rõ ràng
Khi bản cảm thấy quá tải với công việc thì cũng có nghĩa bạn đã không có những ưu tiên phù hợp trong cuộc sống. Bạn phải xác định rõ cái gì là quan trọng với bạn. Một trong những cách tốt nhất để xác định điều này là hãy phác ra một sơ đồ của sống của bạn với những mục tiêu, vai trò, giá trị và các mối quan hệ thiết yếu. Khi bạn vẽ ra được sơ đồ đó và dành những điều có thể tốt nhất cho nó, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và thoải mái hơn, không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống.
Source: Theo Dân Trí
Please sign in to perform this function