Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 31,110
Bài: Trần Anh Tuấn
Phó Giám đốc – Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM (FALMI)
Theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM giai đoạn 2015-2020, mỗi năm thành phố có nhu cầu trên 270.000 việc làm trống, trong đó có 120.000 việc làm mới. Nghịch lý ở đây, TP.HCM đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.
Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định
Một thực trạng dễ thấy, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.
Năm 2013 khó khăn bao trùm trên toàn diện xã hội. Thất nghiệp, giảm biên chế là nỗi ám ảnh lớn. Rất nhiều giám đốc dày kinh nghiệm lại phải “ngồi chơi xơi nước” do công ty cắt giảm kinh phí, tuyển người “vừa phải” để giảm quỹ lương. Bối cảnh của 2013 có thể mở ra một hướng nhìn cho năm 2014 và những năm sắp tới. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.
Ông Trần Anh Tuấn: "Ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp"
Ở nhiều hội thảo, chương trình về nghề nghiệp, không ít ứng viên đã hỏi về các bí quyết làm giàu với số tiền nhỏ bé. Xã hội thực tế cũng có một số ngành nghề mang lại lợi nhuận lớn nhưng bỏ ra chi phí thấp. Nhưng, để đạt điều bạn mong muốn phải là một quá trình. Bạn cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức. Đã là tài sản vô hình thì khó đánh giá được giá trị cao hay thấp.
Nhảy việc hay ổn định?
Sự chênh lệch ở thị trường lao động kéo theo tình trạng di chuyển lao động trong quá trình làm việc. Mặc dù nạn thất nghiệp vẫn còn ở mức cao, nhưng nhảy việc vẫn là thực trạng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp. Nếu sự di chuyển chỉ theo cảm tính hoặc chỉ căn cứ đơn thuần vào thu nhập thì sự thiệt hại trước tiên thuộc về người lao động (có thể do nắm sai thông tin phải làm lại từ đầu...), đồng thời, đổi việc cũng sẽ gây thiệt hại đối với sự ổn định và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn một điểm tích cực của năm 2014, sự dịch chuyển lao động tại TP.HCM dưới mức 10% (các năm trước trên 20%). Điều này chứng tỏ sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp dần theo hướng ổn định và phát triển. Nhân lực trở thành vốn quý và sự gắn bó với sự nghiệp lâu dài bắt đầu được trân trọng. Mặt khác, các hoạt động về thông tin thị trường lao động cũng được thực hiện khá tốt, tạo dư luận xã hội giúp cho người lao động hiểu được thị trường và chọn lựa việc làm cũng như phấn đấu ổn định sự nghiệp.
Vấn đề cần lưu ý, phần đông sinh viên mới ra trường phân vân không biết nên gửi hồ sơ vào doanh nghiệp nhà nước hay nước ngoài. Họ cẩn thận soi xét các chế độ đãi ngộ, môi trường văn hóa công ty, chính sách phát triển nhân viên chứ không chỉ chuyện thu nhập. Tại các hội thảo tư vấn việc làm, nhiều trường hợp băn khoăn, cho rằng môi trường làm việc và chính sách phát triển của doanh nghiệp nhà nước không bằng các doanh nghiệp nước ngoài. Mọi chính sách phát triển và tiền lương thu nhập ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động. Tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp mà có những chế độ đãi ngộ có khác nhau (mức thu nhập cao hay thấp tuỳ theo hiệu quả sản xuất kinh doanh). Không phải tất cả mọi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước. Người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc theo mong muốn, nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình.
Thực tế hiện nay, hầu hết mọi người đều ngóng trông thông tin từ báo giới truyền thông và các tổ chức lao động, việc làm rằng ngành nào hiện đang là “điểm sáng”, “điểm nóng”, thu hút nhân lực nhất? Để họ - những người hiện đang chới với trong nguy cơ thất nghiệp bởi lĩnh vực họ đang làm bị đóng băng, phá sản, rút vốn đầu tư – có thể chuyển ngành với hy vọng tìm cơ hội mới. Nhiều ứng viên tìm đến các tổ chức tư vấn việc làm, hỏi rằng họ có thể làm lại từ đầu ở một ngành nghề hoàn toàn mới được hay không? Chuyển ngành là một quá trình không hề đơn giản. Và theo đánh giá của tôi, không có ngành nào gọi là "hot", mà chỉ do chính con người quyết định chọn nghề, sự phù hợp nghề là yếu tố cần thiết nhất trong quá trình hành nghề của mọi người.
Thị trường việc làm trực tuyến: thời cơ cùng thách thức
Dự báo về xu hướng năm 2014, thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh so với năm 2013. Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực lớn của Việt Nam. Hàng năm tại thành phố có trên 70.000 sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tốt nghiệp ra trường. Nếu tính cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật và đào tạo nghề ngắn hạn thì có khoảng 180.000 người sở hữu chuyên môn có nhu cầu việc làm. Trong đó, các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm 40%, các ngành nghề chuyên môn quản lý nghiệp vụ chiếm 60% tổng số ngành nghề được đào tạo.
Với đặc điểm nguồn cung của thị trường lao động có trên 70% là thanh niên ở độ tuổi 18 – 35 có nhu cầu tìm việc hoặc thay đổi chỗ làm việc, thì tỷ lệ người sử dụng internet cao cùng với sự phát triển của các mạng xã hội thì tuyển dụng và việc làm trực tuyến trở thành cơ hội tiềm năng cho cả nhà tuyển dụng lẫn người lao động, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp và người lao động trong tuổi thanh niên.
Source: CareerViet Vietnam ghi
Please sign in to perform this function