Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 16,306
Trong công việc, nhiều lúc bất đồng quan điểm phải cãi nhau với sếp là “chuyện thường”. Thế nhưng cãi nhau như thế nào để được việc là điều không dễ dàng chút nào…
Việc cho rằng mình có tài năng mà sếp không biết trọng dụng là một trong những lý do chính khiến bạn trẻ nhảy việc. Ở đây, vừa vô làm là Tài đã "đụng độ" liền với sếp. Trong nhiều trường hợp, người "châm ngòi chiến tranh" trước lại không phải là sếp.
Tuấn Tài, mới tốt nghiệp loại khá Đại học Kinh tế. Từng thực hiện nhiều dự án tiếp thị, phân phối hàng tiêu dùng trong lúc còn đi học nên Tài được nhận vào phòng phát triển kinh doanh một công ty sản xuất nước uống có gas nổi tiếng.
Khoảng hơn một tháng, Tài có ngay sản phẩm đầu tay trình lên cho sếp là một bản kế hoạch giành thị trường ở một khu vực. Ba ngày sau, sếp đến quăng bản kế hoạch lên bàn Tài kèm theo một lời bình: "Nhảm nhí!" rồi bỏ đi.
Bị sốc và ê mặt, Tài chạy theo vào phòng sếp "để hỏi cho ra lẽ". Lúc đầu là còn hỏi nhỏ nhẹ, sau, cường độ cứ tăng dần và cuối cùng to tiếng. Rồi mọi người thấy Tài bước ra, đóng cửa cái rầm và bỏ việc ngay ngày hôm sau.
Thái Sơn, sinh viên khoa quản trị kinh doanh, ngay từ năm thứ 3, đã đi làm thêm cho một công ty "săn đầu người" và giữ vị trí nhân viên tư vấn nhân sự. Chỉ đi làm một năm, Sơn chững chạc, quan hệ rộng, giao tiếp tốt. Thành công đến quá nhanh khiến anh hơi "vênh", đưa ra yêu sách này nọ với công ty. Sếp không đáp ứng. Thế là cãi nhau, Sơn nhảy việc vì lý do "sếp không biết giữ nhân tài".
"Cãi nhau với sếp cũng phải có nghệ thuật", bà Phạm Thị Mỹ Lệ, giám đốc công ty phát triển nguồn nhân lực L&A, nói. "Sếp chưa hẳn đã có chỉ số IQ cao như bạn nhưng về khả năng quản lý, kinh nghiệm làm việc và vốn sống thì có lẽ là nhiều hơn. Tập lắng nghe ý kiến cấp trên cũng là cách biểu hiện sự cầu thị học hỏi và khả năng làm việc tập thể. Biết trao đổi, phản biện của cấp trên cũng là cách học hỏi và rút ra kết luận hiệu quả công việc!
Ngoài ra, đây cũng chính là kinh nghiệm mà các doanh nghiệp ưa đòi hỏi khi tuyển dụng lao động. Nó không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm làm việc lâu năm mà còn chính là cái cách cư xử trong làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng của bạn. Mà những điều này các bạn sinh viên mới ra trường còn rất thiếu".
Từng "lăn lộn" qua nhiều công ty nên Thanh Tuấn (25 tuổi) có "kinh nghiệm đầy mình". Bí quyết của Tuấn là: mỗi khi có đề xuất gì trình bày mà sếp lắc đầu là nên "lỉnh" đi chỗ khác. Vì biết đâu sáng nay trước khi đi làm sếp mới cãi nhau với vợ xong", Tuấn nói vui.
Nếu vì những lý do chủ quan của cá nhân sếp thì Tuấn sẽ đợi cơ hội khác trình bày lại với sếp hoặc nếu có thể sẽ nhờ người thứ ba trình bày hộ. Còn nếu như vì những lý do khách quan về tài chính, nhân lực của công ty thì chỉ còn cách… để dự án đó lại sau này, hoặc phải chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn.
Lên chức sếp, Thái Sơn mới thấm thía nỗi lòng lãnh đạo khi phải bác một đề xuất hay sáng kiến gì đó của nhân viên: "Giờ mới thấy ngày đó sao mình ngây ngô lạ!". Tuổi trẻ, chuyện giải phóng năng lượng sáng tạo là dễ hiểu. Trao đổi với cấp trên để đạt được một mục đích chung cũng là một nghệ thuật chứ đâu đơn giản là chuyện cãi cày cãi bừa!
Nguồn: (Theo SGTT)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này