Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Mẹo năm mới: Phỏng vấn sao cho hiệu quả?

Views: 5,798

Bạn đã nắm rất rõ các yếu tố chính trong quá trình tuyển dụng, bao gồm cả kiểm tra năng lực và thông tin tham khảo. Nhưng điều quan trọng và có giá trị nhất là cuộc phỏng vấn được thực hiện đúng cách. CareerBuilder cung cấp những mẹo để bạn khiến cuộc phỏng vấn có kết quả toàn diện nhất.

Là nhà tuyển dụng, bạn tương tác với các ứng viên, đặt họ vào các tình huống và hỏi họ về cách họ xử lý vấn đề. Còn các bài test mang tính kỹ thuật như: đánh giá kỹ năng, kiểm tra thế mạnh và thậm chí tham khảo quản lý cũ chỉ là thứ yếu. Một ứng viên có thể làm tốt bài kiểm tra năng lực nhưng có thể là một người cố chấp, thiếu tính xây dựng khi làm việc cùng. Khâu phỏng vấn có vai trò quan trọng để tìm ra điều đó.

Để chọn được ứng viên phù hợp, bạn cần có một hình thức phỏng vấn thực tế nhất, phù hợp với hoàn cảnh. Nhờ công nghệ hiện đại, dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn, chúng ta vẫn có nhiều cách để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Đồng thời, cũng có rất nhiều phương pháp phỏng vấn, mỗi kiểu đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng.

1. Hình thức phỏng vấn

Mặt đối mặt: Phỏng vấn trực tiếp vẫn là lý tưởng nhất. Cách này cho phép bạn đánh giá toàn diện về các kỹ năng xã hội của ứng viên, điều này càng quan trọng với vị trí chăm sóc khách hàng hoặc làm việc theo nhóm.

Điện thoại: Phỏng vấn qua điện thoại không yêu cầu ứng viên phải ngồi trước máy tính (trường hợp ứng viên không có máy tính cá nhân). Phỏng vấn qua điện thoại dễ sắp lịch hơn, nhưng khiến bạn mất nhiều thời gian hỏi đầy đủ, kỹ lưỡng các vấn đề về năng lực của ứng viên. Ngoài ra, phải kiểm tra, tham chiếu thông tin về ứng viên qua các kênh khác, bởi bạn không thể thấy ứng viên cư xử như thế nào trong cuộc phỏng vấn. Đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể - phần quan trọng của chân dung con người, chỉ ra cách ứng viên đối xử với người xung quanh.

Phỏng vấn qua video trực tuyến (video call): Những công nghệ này đặc biệt hữu ích trong ngành dịch vụ và du lịch. Ví dụ bạn là chủ khách sạn ở tận Hội An hoặc Quảng Bình nhưng cần phỏng vấn các ứng viên có chuyên môn quản lý từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Tất nhiên, một số người không thoải mái lắm với công nghệ mới, thậm chí là không quen nhìn vào camera, vì vậy đừng quá xét nét về phong cách nói hoặc ngôn ngữ cơ thể. Ngoài ra, mọi người có xu hướng trông hơi khác giữa màn hình và đời thực, kể cả khi đang ở trạng thái tốt nhất.

2. Phương pháp phỏng vấn

Cho dù thực hiện phỏng vấn trực tiếp, qua điện thoại hay video trực tuyến, bạn có thể chọn nhiều phương pháp phỏng vấn khác nhau phục vụ các mục đích cụ thể.

Sàng lọc và phỏng vấn sơ bộ: Trường hợp bạn ở công ty nhỏ, không có đủ nhân viên nhân sự, bạn có thể sàng lọc trước ứng viên bằng cách gọi điện thoại. Phương pháp này có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho cả hai bên. Cái mà bạn cần hỏi là “những câu hỏi loại trực tiếp, những câu hỏi không-thể-thương-lượng”. Ví dụ: Nếu bạn tìm một nhân viên quầy bar, hãy hỏi luôn ứng viên có sẵn sàng làm việc vào ban đêm không. Nếu họ không thể, nghĩa là không phù hợp với tính chất công việc. Trong phỏng vấn sơ bộ, bạn có thể xác minh các thông tin cơ bản trong sơ yếu lý lịch của từng ứng viên. Mục đích của phương pháp này là giảm bớt số lượng ứng viên, chỉ giữ lại những người thực sự phù hợp về kỹ năng và kinh nghiệm để phỏng vấn thêm.

Phỏng vấn cùng quản lý bộ phận: Một cuộc phỏng vấn cần có sự tham gia của người quản lý của bộ phận đang cần nhân sự. Lý do đầu tiên: họ sẽ là người tốt nhất để đánh giá khía cạnh chuyên môn và hoạt động nhóm, xem liệu ứng viên có phù hợp với bộ phận đó không. Thứ hai, nó thuận lợi cho bạn về trách nhiệm giải trình. Nó tránh cho bạn khả năng người quản lý đó nói: “Tôi biết bạn đó không phù hợp từ đầu rồi mà...".

Phỏng vấn theo ban: Việc này phù hợp với việc phỏng vấn nhiều ứng viên liên tiếp cho một vị trí quan trọng. Một ban phỏng vấn gồm nhiều người chủ chốt được lập ra có vẻ sẽ mang lại cái nhìn toàn diện về ứng viên, buộc ứng viên trả lời những thông tin chuyên sâu nhất. Tuy vậy, cách này cũng tiềm ẩn nguy cơ khó tìm được ứng viên tiềm năng. Bởi lẽ, mỗi người trong ban phỏng vấn có thể có những kỳ vọng hoặc hiểu biết khác nhau về những gì vị trí này cần. Cách đánh giá câu trả lời của họ cũng khác nhau. Điều đó có thể làm lãng phí thời gian của mọi người. Nếu bạn định tổ chức một ban phỏng vấn, hãy có một danh sách các câu hỏi cụ thể mà mỗi người trong ban được hỏi và có một hệ thống xếp hạng mức độ quan trọng của các vấn đề được hỏi. Cuối cùng, sau mỗi buổi phỏng vấn, bạn sẽ có sự so sánh giữa các ứng viên với nhau. Lợi thế của phương pháp này là bạn nhận được các góc nhìn khác nhau khi đánh giá một ứng viên, hoặc một câu trả lời của ứng viên. Điều đó có thể có giá trị để đưa ra sự lựa chọn cuối cùng.

Source : CareerViet

Similar posts "Talent Management"

View more

Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn

Sign up for the Latest Industry News, Tips and Advice with CareerViet.vn

Feedback