Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Điều kiện làm việc nghèo nàn là thách thức chính của việc làm toàn cầu

Lượt xem: 5,537

GENEVA – Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc làm kém chất lượng là vấn đề chính đối với thị trường lao động toàn cầu, với hàng triệu người buộc phải chấp nhận điều kiện làm việc thiếu thốn.

Số liệu mới thu thập được trong báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2019  cho thấy phần lớn trong số 3,3 tỷ người trên toàn cầu có việc làm vào năm 2018 không được hưởng đầy đủ an ninh kinh tế, phúc lợi về vật chất và cơ hội bình đẳng. Thêm vào đó, cải thiện về chất lượng việc làm chưa phản ánh được tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu.

Báo cáo do ILO công bố đưa ra dẫn chứng về sự thiếu hụt lớn về việc làm bền vững đã tồn tại dai dẳng và cảnh báo rằng với tốc độ tiến bộ hiện tại, việc đạt được mục tiêu việc làm bền vững cho tất cả mọi người như đã đặt ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững , cụ thể là Mục tiêu 8  (SDG8), dường như không khả thi đối với nhiều quốc gia.

“Mục tiêu 8 không chỉ đặt ra vấn đề đầy đủ việc làm mà còn nói đến chất lượng của việc làm đó”, bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO phụ trách về Chính sách, cho biết. “Bình đẳng và việc làm bền vững là hai trụ cột củng cố phát triển bền vững”.

Báo cáo đưa ra cảnh báo rằng, một số mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả những mô hình có sự hỗ trợ của công nghệ mới, có nguy cơ làm suy yếu những thành tựu đã đạt được về thị trường lao động – trong các lĩnh vực như cải thiện tính chính thức và an ninh việc làm, bảo trợ xã hội và tiêu chuẩn lao động – trừ khi các nhà hoạch định chính sách có cách ứng phó với thách thức này.

“Có việc làm không phải lúc nào cũng đảm bảo một cuộc sống tử tế”, theo ông Damian Grimshaw, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của ILO. “Dẫn chứng là, cả 700 triệu người dù có việc làm vẫn đang sống trong điều kiện nghèo cùng cực và nghèo tương đối”.

Trong nhiều vấn đề đặt ra, tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động còn chậm là một vấn đề nổi cộm. Chỉ có 48% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, so với 75% nam giới. Phụ nữ cũng là lực lượng lao động có khả năng cao không được tận dụng. Một vấn đề khác là sự tồn tại dai dẳng của việc làm phi chính thức, với con số đáng kinh ngạc là 2 tỷ người lao động ở trong khu vực này – chiếm 61% tổng lực lượng lao động toàn thế giới. Một điều đáng quan tâm nữa là hơn một phần năm số thanh niên (dưới 25 tuổi) không có việc làm, không được giáo dục hay đào tạo, làm ảnh hưởng đến triển vọng việc làm trong tương lai của họ.

Báo cáo thường niên này cũng nhấn mạnh một số lĩnh vực có sự tiến bộ. Nếu nền kinh tế thế giới có thể tìm cách tránh suy thoái lớn, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm hơn nữa ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ người có việc làm nhưng vẫn nghèo đã giảm đáng kể trong vòng 30 năm qua, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập trung bình và số người được giáo dục hay đào tạo cũng gia tăng.

Phát hiện chính theo khu vực:

Châu Phi

  • Chỉ có 4,5% dân số trong độ tuổi lao động trong khu vực bị thất nghiệp, so với 60% có việc làm. Tuy nhiên, điều này là do nhiều người lao động không có cách nào khác mà phải chấp nhận công việc chất lượng kém, thiếu an toàn, không được trả lương xứng đáng và không được hưởng bảo trợ xã hội chứ không phải vì một thị trường lao động vận hành tốt.
  • Lực lượng lao động dự kiến sẽ mở rộng thêm hơn 14 triệu người mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 ước tính quá thấp, không thể tạo đủ việc làm có chất lượng cho lực lượng lao động gia tăng ngày càng nhanh chóng này.

Bắc Mỹ

  • Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến đạt mức thấp nhất, 4,1% vào năm 2019.
  • Cả tăng trưởng việc làm và hoạt động kinh tế dự kiến bắt đầu suy giảm vào năm 2020.
  • Người có trình độ học vấn cơ bản có khả năng thất nghiệp cao gấp hai lần so với những người có trình độ học vấn cao.
  • Đây là khu vực đi đầu trong các nền tảng lao động kỹ thuật số. Việc giám sát chặt chẽ những việc làm như vậy là vấn đề ngày càng lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.
  • Mỹ Latin và khu vực Ca-ri-bê
  • Mặc dù tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, việc làm dự kiến sẽ chỉ tăng 1,4% mỗi năm vào năm 2019 và năm 2020.
  • Số liệu về thất nghiệp khu vực giảm tương đối chậm là kết quả của những điều kiện thị trường lao động khác nhau ở mỗi quốc gia.
  • Việc làm phi chính thức và chất lượng công việc kém vẫn tồn tại ở mọi hình thức việc làm.

Các quốc gia Ả-rập

  • Tỷ lệ thất nghiệp khu vực dự kiến duy trì ổn định ở mức 7,3% tới năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp ở các nước không thuộc khối Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) cao hơn gấp hai lần các nước nội khối.
  • Lao động di cư chiếm 41% tổng số việc làm trong khu vực và tại các nước GCC, tính trung bình hơn một nửa tổng số lao động là người di cư.
  • Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ là 15,6%, cao gấp ba lần nam giới. Thanh niên cũng bị ảnh hưởng một cách không đồng đều và tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp bốn lần so với người trưởng thành.

Châu Á – Thái Bình Dương

  • Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, mặc dù ở tốc độ chậm hơn so với những năm trước.
  • Tỷ lệ thất nghiệp khu vực dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 3,6% tới năm 2020, thấp hơn mức trung bình toàn cầu.
  • Chuyển đổi cơ cấu đã chuyển dịch người lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp nhưng điều này không cải thiện chất lượng việc làm đáng kể; một bộ phận lớn người lao động không được đảm bảo an ninh việc làm, không có hợp đồng bằng văn bản và thiếu ổn định thu nhập.
  • Mặc dù bảo trợ xã hội đã và đang mở rộng phạm vi đáng kể ở một số quốc gia, bảo trợ xã hội vẫn cực kỳ thấp ở các quốc gia có tỷ lệ nghèo cao nhất.

Châu Âu và Trung Á

  • Ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ và sẽ tiếp tục giảm tới năm 2020.
  • Ở Đông Âu, số người có việc làm dự kiến sẽ giảm 0,7% cả trong năm 2019 và 2020, nhưng lực lượng lao động suy giảm cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm.
  • Thất nghiệp dài hạn sẽ duy trì ở mức cao, 40% ở một số quốc gia.
  • Việc làm phi chính thức vẫn phổ biến, ở mức 43%, ở Trung Á và Tây Á.
  • Người có việc làm nhưng vẫn nghèo, chất lượng công việc kém và bất bình đẳng trong thị trường lao động dai dẳng vẫn là những mối quan ngại lớn.

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerBuilder:

Nguồn : Theo ilo.org

Bài viết liên quan

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback