Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 6,139
Thực tế đã có không ít người lao động lựa chọn quay trở lại công ty cũ làm việc sau thời gian “nhảy việc”. Lúc này, họ có bắt buộc phải thử việc một lần nữa?
Thông thường, khi một người quay trở lại “đầu quân” cho công ty cũ thì sẽ không có sự khác biệt giữa người mới và người cũ. Điều này có nghĩa, người lao động đã từng làm việc tại công ty vẫn phải trải qua quá trình tuyển dụng như những ứng viên khác.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của công ty đề ra thì người lao động sẽ được tiếp nhận và giao kết hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động trước đó sẽ không có giá trị trong lần làm việc này.
Mặt khác, sau một thời gian trở lại công ty cũ, dù vẫn làm ở vị trí trước đây nhưng chắc hẳn công việc cũng có nhiều đổi khác, chưa chắc người lao động có thể bắt kịp lại ngay được công việc.
Do đó, nhiều người sử dụng lao động tỏ ý muốn thử việc lại đối với người lao động. Rất hiếm trường hợp công ty tin tưởng một cách tuyệt đối vào người lao động khi tuyển dụng lại, dù làm công việc đã làm trước đó, mà không trải qua quá trình thử việc.
Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, khi có thỏa thuận về việc làm thử, phía công ty và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động.
Như vậy, nếu công ty cũ yêu cầu thử việc, người lao động hoàn toàn có thể phải thử việc
Căn cứ Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019, thời gian thử việc sẽ do các bên tự thỏa thuận, dựa trên tính chất và mức độ phức tạp của công việc với thời gian tối đa như sau:
- Không quá 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày: Công việc cần trình độ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày: Công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc: Công việc khác.
Người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu thử việc 01 lần đối với 01 công việc trong thời gian tối đa đã nêu.
Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận thời gian thử việc ngắn hơn thời gian mà luật quy định nếu thấy người lao động có thể nhanh chóng nắm bắt công việc.
Nếu thử việc quá thời gian quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Tiền lương thử việc được quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 26. Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo đó, khi làm thử, người lao động phải được trả ít nhất 85% lương của công việc chính thức.
Trường hợp người lao động có kinh nghiệm dày dặn, trình độ chuyên môn tốt, nhiều công ty còn trả 100% lương cho người lao động thử việc.
Trường hợp công ty cố tình trả lương thấp hơn quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;
Kết hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12, công ty trả lương thấp hơn 85% lương chính chức cho người lao động sẽ bị phạt từ 04 - 10 triệu đồng, đồng thời còn bị buộc trả đủ lương cho người lao động theo quy định.
Nguồn: Luật Việt Nam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này