content-id" style="margin: 0px; padding: 0px; border: 0px; vertical-align: baseline;">

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điểm đáng chú ý của việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề là việc đơn giản hóa thủ tục.

Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là đóng đủ BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. DN thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 điều 42 Bộ Luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phức tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này đơn giản hóa tới mức tối đa. Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so với cùng kỳ 10%; mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; phương án đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của BHXH tỉnh. Điểm quan trọng nhất là DN phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở GDNN có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Lãnh đạo Tổng cục GDNN khẳng định việc đào tạo lại nghề theo Nghị quyết 68 không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình DN. Kinh phí đào tạo là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.