Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 31,065
"Hãy theo đuổi đam mê của mình", "tận dụng mạng lưới quan hệ của bạn", "chỉnh sửa và cập nhật CV", "mặc đẹp để thành công"... Chúng tôi đã khuyên bạn rất nhiều điều để tìm được việc như ý. Nhưng sự thật là hành trình tìm kiếm việc làm của bạn đôi khi lại thành công vì những điều khác biệt.
Hầu hết những trường hợp thành công đều đi theo đam mê của mình, tận dụng mạng lưới cá nhân và có một bản CV tốt - nhưng đó chỉ là một phần trong một bức tranh tổng thể. Hành trình tìm việc có thể độc đáo và sáng tạo như từng cá nhân vậy. Thay vì làm chính xác theo công thức sách vở, đơn giản là hãy thử dang tay chào đón mọi cơ hội và trở thành một ứng viên ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.
Điều đó không có nghĩa là CareerViet khuyên bạn nên đánh giá thấp hoặc bỏ qua hoàn toàn những cách tìm kiếm việc làm truyền thống. Nhưng sẽ không hại gì nếu bạn đan xen với các phương pháp phi truyền thống để đạt được mục tiêu. Ví dụ, các cuộc phỏng vấn online đã trở nên phổ biến, và bạn nên bắt đầu làm quen.
Dưới đây là 9 lời khuyên độc đáo (nhưng rất hiệu quả) dành cho người tìm việc:
1. Đừng nộp đơn xin việc ngay khi bạn tìm thấy
Cảm giác nộp đơn ở mọi chỗ khả thi rồi tiu nghỉu vì không được nhận là cảm giác tồi tệ nhất của cả quá trình tìm việc. Khi bạn tìm thấy một vị trí mà bạn thực sự quan tâm, nộp đơn là điều cuối cùng bạn nên làm. Thay vào đó, hãy nghiên cứu công ty đó và các chuyên gia làm việc ở đó, tham khảo “tay trong” trước khi bạn nộp đơn xin việc để tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp và điều họ mong đợi ở ứng viên.
2. Thừa nhận mình cần sự giúp đỡ
Bạn có thể nhờ mọi người cho lời khuyên. Chúng ta thường tự tạo áp lực rằng mình phải tỏ ra thông thái năng động để có được công việc. Nhưng hãy thử xây dựng mối quan hệ với những người bạn muốn làm việc cùng, chia sẻ sự ngưỡng mộ của bạn đối với họ và xin lời khuyên. Đó là điều bạn nên làm từ trước khi doanh nghiệp đó có cơ hội việc làm để bạn nộp đơn.
Đừng ngại chat hoặc gọi điện để thổ lộ với họ sự ngưỡng mộ của bạn, hỏi về những điều hay ho hoặc thách thức trong công việc ở đó, rồi hỏi xin lời khuyên. Nếu họ đủ nhiệt tình, sẵn sàng chuyển đơn xin việc và CV của bạn cho bộ phận nhân sự hoặc lãnh đạo bộ phận cần ứng viên thì càng tuyệt.
3. Tạo nên chỗ đứng của chính mình
Không thể ôm cây đợi thỏ để “công việc trong mơ” tìm đến mình. Nghiên cứu ngành hoặc lĩnh vực bạn quan tâm, và quyết định 1 hoặc 2 công ty bạn muốn đầu quân. Sau đó tìm hiểu những thách thức, hạn chế của họ từ góc độ nghiệp vụ của bạn. Từ đó, bạn phác thảo các giải pháp và chia sẻ trực tiếp hoặc công khai (qua blog cá nhân chẳng hạn). Ý tưởng ở đây là tìm cách gây chú ý thông qua đề xuất giải pháp giúp họ mà không cần báo đáp.
4. Học cách lắng nghe
Người tìm việc thường bị cuốn vào việc thể hiện bản thân với nhà tuyển dụng đến nỗi đôi khi quên cả lắng nghe. Nghệ thuật trò chuyện nằm ở chỗ biết cách lắng nghe - và các cuộc phỏng vấn xin việc cũng tương tự. Biết khi nào nên nói, khi nào nên ngừng nói và khi nào nên đặt câu hỏi là một nghệ thuật của những ứng viên xuất sắc.
Khi bạn tập phỏng vấn, đừng chỉ luyện các câu trả lời theo mẫu, hãy nghĩ cả về cách lắng nghe một cách cẩn thận và suy nghĩ xuyên suốt những điều nhà tuyển dụng nói.
5. Bắt đầu từ nhân sự “thượng tầng”
Bạn từng xem phim “Mưu cầu hạnh phúc” chưa? Anh chàng Chris Gardner (do Will Smith thủ vai) luôn tìm mọi cách tiếp cận với các lãnh đạo hoặc quản lý của doanh nghiệp. Tại sao chỉ chờ đợi CV của bạn sẽ đến được với người quyết định tuyển dụng? Hãy tự mình đến gặp thẳng người có quyền quyết định, tiếp cận họ một cách tế nhị, tôn trọng với mục tiêu rõ ràng.
6. Xây dựng mối quan hệ với Trợ lý
Kể cả khi bạn đã có một lời hứa hẹn từ người quản lý, đừng quên, người sắp xếp hành chính để triển khai cơ hội cho bạn là Trợ lý của sếp.
Thực tế, trợ lý chính là đối tác đáng tin cậy, nắm được hầu hết lịch trình, trách nhiệm và sở thích của người quản lý. Kết bạn hoặc thậm chí tìm ra những lợi ích có thể trao đổi với họ có thể tạo ra sự khác biệt lớn so với các ứng viên khác.
7. Tập trung vào ngôn ngữ cơ thể
Có thể bạn đã được nhắc về nó, nhưng chưa ý thức hết mức độ quan trọng. Cách tạo dáng đứng, cách để tay - có đang thả lỏng và tự tin không - sẽ giúp bạn toát ra sự chủ động. Đồng thời cũng chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của nhà tuyển dụng để cân nhắc xem bạn có đang đi đúng hướng không.
8. Đừng tập trung vào việc tìm kiếm một công việc bạn yêu thích lúc này
Nếu quá ám ảnh về việc bạn sẽ thích một công việc cụ thể nào sẽ khiến bạn gặp khó để có được việc làm. Vì hầu hết các vị trí cấp thấp không hề hào nhoáng. Câu hỏi phù hợp cần đặt ra khi đánh giá một cơ hội là: công việc của bạn có thể thăng tiến như thế nào trong 5 năm nữa, nếu bạn đầu tư phát triển năng lực? Hãy tập trung nhiều hơn vào vị trí mà bạn có nhiều cơ hội nhất để thể hiện năng lực, tạo dựng được mạng lưới với những người đầu ngành, và tạo bàn đạp để đặt chân vào công ty đỉnh nhất trong lĩnh vực đó.
9. Trở thành fan hâm mộ tuyệt vời nhất của họ
Sau khi bạn tìm thấy một công ty mà bạn yêu thích, hãy trở thành người hâm mộ lớn nhất của họ. Không có doanh nghiệp nào không mong có được những nhân viên yêu công ty và nhiệt tình với công việc. Người hâm mộ trung thành thường là người tiêu dùng cuồng nhiệt và thường trở thành những nhân viên tuyệt vời vì lý do này.
Tất nhiên, bạn phải thiết lập các mối quan hệ hoặc tham gia vào hội nhóm, diễn đàn nơi bạn có thể thể hiện lòng nhiệt thành và khả năng đóng góp.
Nhìn chung, các mẹo “độc” thì nên dùng một cách khôn ngoan, và cần chú ý xem liệu bạn có vi phạm tiêu chuẩn ngành nghề không, hoặc tìm hiểu trước nhân sự mình định tiếp cận để chọn ra cách phù hợp nhất.
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này