Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 35,220
Bạn và các đồng nghiệp có sợ tương tác với sếp không? Bạn có lo lắng là đường hướng phát triển công việc không được tốt không? Trong văn phòng của bạn có tồn tại cảm giác sợ hãi mơ hồ về điều gì đó ví dụ như tương lai của bạn, phong cách quản lý, phản ứng của đồng nghiệp không?
Nếu câu trả lời của bạn là “có” cho bất cứ một trong số những câu hỏi trên đây, bạn đang làm việc cho một công ty có văn hoá “nuôi dưỡng” sự sợ hãi. Cùng CareerViet.vn tìm hiểu nhanh 7 dấu hiệu hàng đầu cho thấy bạn đang làm việc trong môi trường “đầy mùi thuốc súng” nhé!
1. Tất cả tập trung vào “hình ảnh”
Nếu bạn thường xuyên cố ý làm việc muộn để sếp nhìn thấy, hoặc rất quan tâm rằng bề ngoài trông mình bận rộn và hiệu quả ra sao mặc dù sự thật bạn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ rồi thì rõ ràng là vấn đề “hình ảnh” đang nắm quyền lực tối thượng tại môi trường làm việc của bạn. Một dấu hiệu khác cũng chứng tỏ công ty bạn chuộng hình thức và đánh giá theo vẻ bề ngoài chính là đôi khi những người làm việc không giỏi nhưng thường xuyên tiếp xúc với quản lý thì sẽ được thăng chức.
2. Hầu hết tin đồn đều hướng mũi nhọn vào tình trạng nhân viên
Nếu mỗi ngày bạn và đồng nghiệp trong công ty chỉ toàn bàn tán với nhau về những người sắp được thăng chức, sắp bị sa thải hay giáng cấp; những đối tượng bị sếp ghét và các “con cưng” của ban lãnh đạo… thì quả thực bạn đang làm việc ở nơi có nền tảng gây sợ hãi. Những buổi buôn chuyện liên tục về việc “ai lên – ai xuống” cho thấy rằng nhân viên chỉ có thể tập trung vào mỗi chủ đề này và đang rất lo lắng về những điều không hay sắp tới có thể xảy ra với mình.
3. Văn hoá thấm nhuần sự ngờ vực
Công ty bạn sẽ được xem là môi trường làm việc đầy bất trắc và không an toàn khi đa số nhân viên luôn không có lòng tin. Họ lo sợ bị nói xấu, bị lừa dối khi sinh hoạt cùng tập thể, bị đâm sau lưng hay xuyên tạc nếu bày tỏ quan điểm, hoặc e ngại rằng chia sẻ sáng kiến thì lại bị cướp công, bị đánh cắp ý tưởng…
4. Mọi thứ phải được đo lường
Khi mà các quản lý bị ám ảnh bởi những con số và rất ít người biết ghi nhận biểu hiện làm việc và thái độ nỗ lực của nhân viên, dường như các áp lực và sự căng thẳng đã nắm quyền chi phối mọi hoạt động.
5. Quá nhiều luật lệ và quy trình
Nếu sổ tay nhân viên liệt kê dày đặc những quy tắc, hướng dẫn, thủ tục đến nỗi bạn không thể đếm nổi hay nhớ hết thì rõ ràng là văn hoá công ty rất khắt khe, tạo cảm giác gò bó, ngột ngạt. Mọi thứ đều phải quy định, nghĩa là công ty không tin tưởng nhân viên có thể làm được việc đúng, họ chỉ ra cách bắt buộc bạn phải hành động theo khuôn mẫu.
6. Các quản lý thường xuyên “cau mày” khi trò chuyện với người đồng cấp
Có thể họ sợ nhân viên sẽ kết thân rồi “kéo bè kéo phái” với những người đó, hoặc lo lắng bản thân bị so sánh hay nhận ra mức độ khắc nghiệt để giữ vững vị trí trong công ty, hoặc vì điều gì đó hoàn toàn khác nữa. Nhưng quan trọng nhất, một công ty mà nhân sự cấp quản lý thường tỏ thái độ không hài lòng nhau, không muốn cấp dưới ghi nhận thông tin hay kết nối nhiều với các quản lý khác thì có lẽ là họ đang có điều e ngại. Nỗi sợ này sẽ lan truyền và thẩm thấu vào từng ngóc ngách văn phòng. Trong môi trường thế này, các thông tin quan trọng thường chỉ được phổ biến cho vài người (như quản lý cấp cao hoặc những ai giữ vị trí trọng yếu), phần còn lại gần như hoạt động trong tâm trí mù mờ, sai đâu làm đấy, luôn bị động và hoảng sợ trước những biến cố.
7. Người quản lý gây sợ hãi để đạt được những gì họ muốn
Cho dù là thông qua những lời đe doạ ẩn ý, gợi ý khéo léo, mệnh lệnh ngầm hiểu hay bằng thông báo chính thức (ví dụ như ai không tuân theo sẽ sớm bị thôi việc) thì đây cũng là một biểu hiện của cách quản lý tiêu cực. Nếu cấp trên hay sếp lớn có tư duy và phong cách quản lý như thế này thì hẳn bạn sẽ thấy chỗ ngồi của mình như có gắn bom nổ chậm, mà bản thân lại bất lực với “sự sống còn” của chính mình!
Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều dấu hiệu chỉ ra văn hoá công sở kém lành mạnh. Nguyên tắc, giới hạn, sự cảnh giác và ý thức sợ sai lầm là điều cần thiết để mọi người không đi chệch đường ray và gặt hái kết quả như đã định. Không phải tất cả các nỗi sợ đều xấu, nhưng một môi trường làm việc mà tràn ngập căng thẳng, ức chế và đầy những lo sợ thì hoàn toàn tiêu cực.
Khi chúng ta đi làm là ít nhiều thường phải đối diện với rất nhiều nỗi sợ, nhưng nếu nó chính đáng thì không có vấn đề gì. Ngược lại, một công ty được quản lý và vận hành bằng nỗi sợ thì bạn hãy cân nhắc lại. Bạn cần sớm nhận ra những điều “chưa đúng” này để khắc phục nó hoặc thay đổi môi trường trước khi bản thân “chết dần chết mòn” với những cảm xúc tiêu cực để không phải thất vọng biết bao nếu một ngày chúng ta chỉ còn lại cảm giác sợ hãi chính nơi mà mình đã từng yêu quý và muốn cống hiến lâu dài.
Nguồn hình: Freepik
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Nguồn: Theo Bloomberg Businessweek
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này