Ở văn phòng nào luôn tồn tại những lời đồn thôi? Bận rộn kinh doanh, nền nếp hoạt động chuyên nghiệp có làm bớt đi "thế giới dư luận" ? Hay là do văn phòng phần lớn là các quý cô quý bà, nên khó tránh khỏi chuyện "buôn dưa lê"?
Văn phòng như một thế giới thu nhỏ với nhiều nguồn thông tin. Trong mọi tình huống cần giữ sự bình tĩnh, tự tin cho mình. Hình minh họa. Ảnh: Fotosearch
Chuyện được đồn thổi nhiều
Người thì bảo "tin tức" phát ra từ văn phòng luôn là chuyện ai sắp thăng tiến qua các quan hệ với sếp lớn. Văn phòng là nơi đụng đến sinh hoạt nhiều nhất.
Ai điều xe cộ đi đâu, sắp tiếp khách nào, mua bán trang bị cái gì, có món tiền gì sắp được "chia". Anh nào đang "cảm" chị nào. Ai là phe của sếp - ngoài ra văn phòng cũng thườg có các nguồn tin đời sống : Từ giá cả, mua bán cho tới các địa điểm nhà hàng, nơi vui chơi giải trí, model thời trang.
Và luôn có số điện thoại các nhà hàng ruột để gọi ăn trưa, ăn xế, liên hoan "gặp nhau cuối tuần".
Không ai thấy mình bị mắc kẹt những điều vụn vặt - cũng còn tuỳ vào văn minh công sở, vào đơn vị làm ăn phát triển kinh doanh hay đơn giản chỉ là nơi lối sống thấp của một cơ quan hành chính lỏng lẻo.
Ở văn phòng luôn có một "sếp" là phụ nữ thì thường có các cảnh sau: Nếu sếp là cô gái sắc sảo, nhiều tham vọng thăng tiến thì sẽ khá khe khắt, hay "đì" nhân viên. Để ý từng người, chớ có qua mặt. Và ưu tiên số một của văn phòng là làm đẹp lòng thủ trưởng. Điều xe cộ cho thủ trưởng đi, mua bán chuẩn bị tiếp khách.
Ở các cơ quan nhà nước thì không phải lo nghĩ nhiều việc chi tiêu như đơn vị kinh doanh. Cứ nhìn các hội nghị mà sếp phải bay ra bay vô Hà Nội trong 1 năm đủ thấy tiêu tiền như nước.
Những nơi đó "tin đồn nhân sự" là số đông. "Tay ấy cứ 4 giờ chiều đã lên bộ đồ thể thao đi đánh quần vợt với các sếp lớn. Ôi giời, thể thao thì ít mà loby vận động hành lang mở quan hệ thì nhiều. Xuân tóc đỏ chẳng khởi nghiệp ở sân banh đó thôi!".
"Cha này ngu quá. Người ta điều đi để mở đường tiến cho bà phó lên trưởng. Mà bà phó là ai chứ? Vợ một sếp lớn! Thế mà chả lại còn ỉ eo không chịu đi. Để cho họ phải quyết định điều đi. Thế là ăn cám".
"Tay X. ấy nịnh sếp quá cỡ. Nghe đâu xuất thân từ đám đánh bài làm vui lòng bố của sếp thì phải. Gớm, nhiều nguồn gốc xuất thân quá nhỉ. Đặc biệt thật đất".
Còn mấy cậu lái xe thì lại có nhiều "tin mật" về vợ con của thủ trưởng. "Nghe đâu cưới con gái xong bà đi cấp cứu vì nhớ con cưng. Mà cô con gái rượu này đi học Mỹ về, lấy chồng môn đăng hộ đối, chẳng thiếu cái gì. Nỗi buồn của sếp bà thật hay. Người bình dân thì con gái lấy chồng là may quá có người rước. Con sếp lá ngọc cành vàng...".
Khó kiểm soát
Lời đồn ở văn phòng giống như một tâm trí không được kiểm soát. Nếu ai không kiểm soát lấy chính mình thì người khác sẽ làm việc này và họ sẽ luôn bị tác động bới lời nói của người khác.
Có nhiều công sở coi văn phòng như nơi phức tạp nhất, kém chuyên môn, ít học hành và không nghĩ mình là nơi phải biết phục vụ, phải thấp hơn khách hàng.
Họ tưởng mình là nơi quyền thế, ban phát nên nhiều cô hống hách từ cách trả lời điện thoại cho đến việc đóng cái dấu. Từ đó, dáng điệu, ăn mặc, cư xử làm nhạt phai cho vẻ đẹp của con gái, nhiều cô không biết ngượng, chỉ động tấn công, cương quyết không để vuột một cơ hội nào cho mình.
Ở một số văn phòng công ty kinh doanh thì các cô ăn mặc đẹp, tiếp xúc quan chức, nổi bật trong các party, event chẳng thua gì dân PR.
Lời đồn ở văn phòng rất đa dạng, cũng khá nhiều trình độ, đẳng cấp khác nhau. Có nhiều nhân vật, nơi "rò rỉ" thông tin xịa, bình luận chủ quan, cũng là nơi nhiều " âm mưu" đôi khi chẳng hại ai, mà chỉ là để thăng tiến cho nhanh...
"Thế giới thông tin" của văn phòng phụ thuộc vào các "triều đại" đến rồi đi như các làn khói...