Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 8,054
Cho tôi hỏi khi cho thôi việc người lao động vì lý do chia doanh nghiệp thì người sử dụng lao động có được phép thuê lại lao động khác hay không?
Căn cứ Điều 52 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Như vậy, cho thuê lại lao động được hiểu là người sử dụng lao động, tuyển dụng lao động nhưng không phải để làm việc cho mình mà để làm việc cho bên thứ ba, gọi chung là bên thuê lại lao động.
Bên thuê lại lao động sẽ giao việc trực tiếp và giám sát người lao động làm việc đồng thời sẽ trả khoản chi phí theo thoả thuận với bên cho thuê lao động về việc cho thuê này.
Có được thuê lại lao động để thay thế người lao động bị cho thôi việc vì lý do chia doanh nghiệp không? - Nguồn ảnh: Pexels
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động
1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Như vậy, theo quy định, bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp thay thế người lao động bị cho thôi việc vì lý do chia doanh nghiệp.
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về cho thuê lại lao động
...
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động thuê lại để làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;
b) Sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hoặc Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực;
c) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
d) Sử dụng lao động thuê lại để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ; vì lý do kinh tế hoặc chia; tách; hợp nhất; sáp nhập;
đ) Chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác;
e) Sử dụng lao động thuê lại nhưng không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
g) Sử dụng lao động thuê lại không thuộc một trong các trường hợp sau: đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
...
Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định, bên thuê lại lao động khi có hành vi sử dụng lao động thuê lại thay thế người lao động bị cho thôi việc vì lý do chia doanh nghiệp thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 40 - 50 triệu đồng (mức phạt cá nhân) và từ 80 - 100 triệu đồng (mức phạt tổ chức).
Nguồn: Thư Viện Pháp Luật
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này