Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 80,080
Dù bạn có là nhân viên hay đã trở thành một senior việc bạn mong muốn có một mức thu nhập cao và tăng lên theo từng năm là điều vô thiết yếu. Mọi người đều mong đợi được tăng lương thường xuyên, không bao giờ muốn tưởng tượng rằng chúng cũng có thể giảm. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Đôi khi, người sử dụng lao động có quyền hạ lương nhân viên một cách hợp pháp, đôi khi không. Vậy bạn đã nắm được liệu có khi nào công ty có thể giảm lương nhân viên?
Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này ngay bây giờ cùng với CareerViet.vn!
Xem thêm: Cách deal lương hiệu quả nhất với nhà tuyển dụng
Quy tắc quan trọng nhất trong việc giảm lương: Người lao động phải được trả thù lao theo thoả thuận tương xứng với công việc đã hoàn thành. Công ty hoàn toàn có thể hạ mức lương giống như họ có thể tăng lương cho bạn. Nhưng điều họ không được làm là giảm mức lương của bạn mà không thông báo và bạn phải đồng ý điều đó trước khi chính thức áp dụng.
Điều này có nghĩa là khi sếp nói: “Công ty rất tiếc phải cắt giảm lương của bạn từ tháng này”, và bạn đáp: “Không, xin cám ơn, tôi sẽ tiếp tục làm việc mới mức lương cao như cũ”. Hoàn toàn không phải vậy, nó có nghĩa nếu bạn không đồng ý thì bạn có thể khiếu nại hoặc ra đi. Sếp không thể yêu cầu bạn làm việc với mức lương bạn không đồng thuận, nhưng bạn cũng không thể buộc họ phải chi cho bạn mức lương mà họ không sẵn sàng. Một khi công việc đã hoàn thành, công ty phải trả cho bạn mức thù lao đúng theo thoả thuận lần cuối cùng.
Thông thường, một doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể giảm lương người lao động khi họ điều chuyển bạn sang một công việc khác so với hợp đồng lao động – một vị trí có mức chi trả lương thấp hơn. Tuy nhiên, quyết định này phải thực hiện theo đúng các điều khoản quy định trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) về lý do, thời gian, tỷ lệ tiền lương thì mới được công nhận tính hợp pháp. Cụ thể, trích Điều 31 BLLĐ ký ngày 18/06/2012:
Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, trong một số tình huống không mong đợi, công ty có thể căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật lao động mà hạ lương của bạn, nếu trong văn bản xử lý vi phạm chính thức (đã tuân theo đúng trình tự và nguyên tắc của Điều 123 BLLĐ) bạn bị điều chuyển công việc, bãi nhiệm chức vụ quản lý, hoặc giáng cấp... dẫn đến việc áp dụng mức lương mới trong thang lương của công ty.
Không có bất kỳ ai (ban lãnh đạo công ty, nhân viên phòng nhân sự, hay các cấp giám sát trực tiếp của bạn) được quyền cắt giảm lương của bạn chỉ vì những lý mơ hồ thiếu xác đáng như do công ty thiếu tiền trả lương hoặc họ tức giận khi bạn từ chức, hoặc đơn giản là không hài lòng về cá nhân bạn.
Câu trả lời lý tưởng nhất là không bao giờ, tuy nhiên thực tế kinh doanh thường khắc nghiệt và khó lường hơn vậy. Đôi khi các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các khoản chi trả để tồn tại và duy trì hoạt động. Đứng trước lựa chọn để công ty đóng cửa hoặc cắt giảm lương nhân viên, nhiều người có xu hướng sẽ chấp nhận thu nhập thấp hơn để chia sẻ, đồng hành cùng công ty qua giai đoạn khó khăn, đồng thời không đẩy bản thân vào hoàn cảnh thất nghiệp.
Đây thực sự là một cú đánh mạnh vào tinh thần và tài chính của mọi thành viên công ty. Do đó, khi công ty buộc phải hạ lương nhân viên vì lý do tài chính, cảm nhận quan trọng nhất bạn cần có là mọi quyết định đã được suy xét một cách thấu đáo công bằng khiến tập thể nhân viên rất thông cảm và ủng hộ. Sếp cũng phải áp dụng mức cắt giảm tương tự, hoặc thậm chí nhiều hơn nhân viên. Trong tình thế khó khăn nhạy cảm như thế này, bất kỳ một quyết định gây cảm giác bất bình nào cũng có thể gây nên làn sóng những người ra đi tìm việc mới.
Bạn có từng muốn được… giảm lương? Đây không phải là một câu hỏi kỳ lạ, bởi thực tế có nhiều trường hợp hạ lương là do chúng ta tự nguyện. Điều này hoàn toàn có ý nghĩa với những ai đang có kế hoạch khác cho sự nghiệp, ví dụ như giảm tải áp lực căng thẳng, cần thêm quỹ thời gian để thực hiện kế hoạch cá nhân, chăm sóc gia đình hoặc học tập nâng cao.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lương có thể chấp nhận nếu mô tả công việc có sự thay đổi đáng kể. Chúng ta có thể không may bị giáng cấp, hoặc mức độ quan trọng của vai trò bạn đang nắm giữ bị thay đổi theo thực tế phát triển doanh nghiệp so với thị trường. Tất nhiên, một trong những hệ luỵ đầu tiên của các câu chuyện này là hạ mức lương.
Với các tình huống trên đây, mọi chuyện sẽ ổn nếu bạn tự nguyện hoặc đôi bên đã trao đổi và đi đến thoả thuận. Ngược lại, nếu thu nhập của bạn đột nhiên bị giảm sút đang kể và bạn không chấp nhận thực tế đó thì lúc ấy ý tưởng thay đổi công việc nên được cân nhắc.
Các tình huống sau đây sẽ cấu thành quyết định cắt giảm lương bất hợp pháp:
- Cắt giảm lương không thông báo trước, đây không thể là một quyết định hồi tố gây bất ngờ.
- Hạ lương để phản ứng lại (trừng phạt, dằn mặt, đe doạ…) các hoạt động tự bảo vệ. Chẳng hạn như bạn phàn nàn rằng mình bị đối xử bất công hoặc tố cáo sếp quấy rối nhân viên và sau đó bạn bị giảm lương thì điều này được xem là hành động trả thù, và hoàn toàn bất hợp pháp.
- Hạ lương vì phân biệt đối xử. Ví dụ: Nếu tất cả nhân viên nữ bị giảm lương nhưng nam thì không, đây là phân biệt giới tính; nếu tất cả những người trên 45 tuổi bị giảm lương nhưng trẻ hơn thì không, đây là phân biệt tuổi tác…
- Hạ mức thu nhập của bạn xuống thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà luật quy định. Nếu công ty giảm lương của bạn thấp hơn mức quy định tối thiểu, ngay cả khi bạn đồng ý đó vẫn là quyết định bất hợp pháp.
- Công ty áp dụng việc cắt giảm lương tạm thời theo nhu cầu điều chuyển công việc, nhưng sau đó quá thời hạn tối đa luật định vẫn tiếp tục giảm lương nhân viên hoặc không có các động thái thương lượng phù hợp.
- Nếu bạn phát hiện ra mình bị cắt giảm lương sau khi đã nghỉ việc, hãy làm đơn khiếu nại gửi đến Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội cấp quận/ huyện để được giải quyết tranh chấp lao động. Trình tự và thủ tục giải quyết sẽ được thực hiện theo điều 201 BLLĐ.
- Nếu bạn vẫn đang làm việc tại công ty, tốt nhất nên giải quyết vấn đề trong nội bộ. Đầu tiên, hãy làm rõ xem có sự nhầm lẫn hay sai sót nào trong quá trình lập bảng lương hay không. Một sai sót như thế này hoàn toàn có thể sửa chữa và khắc phục, dù đôi khi đến mất vài ngày.
Nếu bảng lương là hoàn toàn chính xác, hãy đến gặp cấp trên trực tiếp để hỏi chuyện gì đang xảy ra. Khẳng định rằng việc cắt giảm lương không được báo trước hoặc không có sự thoả thuận là vi phạm pháp luật. Dù sếp bạn đã biết hoặc vô tình không nắm được sự việc, vẫn hãy hi vọng và hợp tác để sếp giải quyết vấn đề này cho bạn.
Trong trường hợp, mọi nỗ lực của sếp đều không mang lại hiệu quả, hãy đưa vấn đề đến phòng nhân sự và sếp của sếp nhằm có lời giải thích và cách xử lý rốt ráo hơn. Tình huống tồi tệ nhất là khi mọi cách đều không trả lại công bằng cho bạn, đã đến lúc gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Nguồn hình: Freepik
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Việc làm Hà Nội | Việc làm tiếng nhật tại Đà Nẵng | Việc làm tại Hải Phòng
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này