Không đơn thuần là nghề chỉ dành cho những người đam mê, quản trị mạng còn là nghề buộc bạn luôn phải trau dồi nhiều khả năng như làm việc có kế hoạch, biết cách lập chiến lược... Môi trường làm việc hiện đại, linh động và luôn luôn đòi hỏi cái đầu của bạn phải nảy sinh những ý tưởng mới, đó là những gì người ta có thể “nhìn mặt đặt tên” ngay cho nghề quản trị mạng.
Tuy hình thành ở Việt Nam chưa lâu nhưng quản trị mạng đang nhanh chóng trở thành một nghề “nóng” trong danh sách những công việc có độ hút lớn với giới trẻ năng động và có tố chất.
Dân IT hiện nay có thể tự tin đến với quản trị mạng bởi thực tế là họ hoàn toàn không “sợ” thất nghiệp nếu biết cách “chịu khó”. Thị trường việc làm ưu ái dành cho dân quản trị mạng những vị trí có phải nói là “trong mơ” với nhiều người trẻ ở lĩnh vực khác. Khi ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không còn là khái niệm gì đó mới mẻ mà máy tính, Internet đã trở thành công cụ làm việc thiết yếu thì quản trị mạng càng có nhiều đất để tung hoành.
Một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin quy mô lớn như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, thương mại điện tử cần tới một phòng quản trị mạng với số nhân viên lên tới vài chục, thậm chí là hàng trăm người mà đôi khi còn kêu “thiếu nhân lực” bởi mạng máy tính là sự sống còn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa thì con số có vẻ khiêm tốn hơn với khoảng trên dưới 5 người. Còn các doanh nghiệp nhỏ, dù không quan trọng bằng nhưng cũng phải có ít nhất một nhân viên chuyên trách hệ thống mạng cho toàn doanh nghiệp.
Thị trường có nhu cầu rất cao đối với nghề quản trị mạng. Càng lúc công việc này càng chứng tỏ được nó không thể thiếu và vai trò thì ngày càng cao trong thế giới thông tin rộng lớn. Nhiều người nhận định quản trị mạng là một nghề “có quyền lực” trong hệ thống mạng. Sự hấp dẫn bởi tương lai tươi sáng đang mở lối cho nhiều bạn trẻ trước lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Thành thạo việc thiết kế các hệ thống mạng an toàn, nâng cao tính bảo mật, nằm lòng các kỹ thuật xâm nhập cũng như các biện pháp phòng chống tấn công hiệu quả, đó là những công việc cơ bản của một quản trị mạng chính hiệu. Nhưng đối với dân trong nghề, song song với việc làm, họ còn phải ra sức học không ngừng bởi đặc tính của nghề này đòi hỏi phải chú trọng nâng cao kiến thức, phát huy khả năng xử lý tình huống, đối phó với khủng hoảng, truy tìm dấu vết…
Một nhân viên quản trị mạng cho biết kiến thức đang có không đủ, không mới và càng không thể ngang sức với các hacker mỗi lúc mỗi tinh quái. Đây chính là lý do mà nhiều người trong nghề nhận định để sống được với quản trị mạng không phải là điều đơn giản. Cập nhật kiến thức thường xuyên liên tục là việc làm cần thiết để trụ vững với nghề, nếu không muốn mình trở nên tụt hậu bởi công nghệ thì thay đổi liên tục đến chóng mặt. Nếu gặp sự cố thì cho dù khó khăn đến mấy, dân quản trị mạng cũng không được phép “bó tay”. Và vì thế, chuyện sống với mạng hàng tuần liền là chuyện “thường ngày ở huyện”. Công việc đầy áp lực và đòi hỏi những nỗ lực không ngừng.
Khó khăn là vậy nhưng người trẻ vẫn lao vào vì thu nhập hoàn toàn tương xứng với những gì mà họ bỏ ra. Với nhân viên “thử việc”, lương khởi điểm từ 200 - 250 USD/ tháng, khi đã trở thành nhân viên chính thức, con số này có thể gấp 2 đến gấp 3 lần. Với những doanh nghiệp nước ngoài, một nhân viên có vài năm kinh nghiệm đã rủng rỉnh vài nghìn đô.
Nghề nào cũng vậy, để thành công thì phải chấp nhận vượt qua thử thách và khó khăn. Tạo dựng “thương hiệu” cho mình trong thế giới công nghệ thông tin, với dân quản trị mạng cũng không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng cơ hội luôn mở lối cho những người trẻ yêu thích, đam mê kỹ thuật, dám “sống chết” với nghề quản trị mạng.