Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,127
Báo cáo của cơ quan chức năng, ở nhiều doanh nghiệp đang tồn tại 3 loại thu nhập, trong đó tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là mức thấp nhất.
Khoản lương bổ sung kế hoạch
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị này thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại một số đơn vị đã phát hiện người lao động được hưởng "khoản bổ sung kế hoạch" ngoài mức lương tính đóng.
Trước khi tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động thông báo cho người lao động về các khoản thu nhập (tại thư mời làm việc) gồm mức lương theo chức danh công việc và khoản bổ sung kế hoạch.
Trong khi đó làm việc chính thức, mức lương được người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tại hợp đồng lao động bằng với mức lương theo chức danh công việc, không ghi nhận khoản lương bổ sung kế hoạch.
Nhiều đơn vị có xây dựng khoản lương bổ sung theo kế hoạch, không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, đơn vị thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động căn cứ vào mức lương theo chức danh công việc trên hợp đồng lao động.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mức lương theo công việc hoặc theo chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.
Do đó, khi thỏa thuận giao kết hợp đồng lao động thì mức lương và phụ cấp lương, và các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên phải được ghi đầy đủ trong hợp đồng lao động.
Nếu người sử dụng lao động không ghi đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm là mức thấp nhất
Từ ngày 1/1/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định.
Theo đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc, hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định.
Bên cạnh đó, người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Đối với các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động... thì không phải là căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, quy định pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội.
Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập, đó là thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để quyết toán và thu nhập thực tế.
Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Vì vậy, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động.
Nguồn: Dân trí
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này