“Chánh niệm” quan trọng ra sao trong nghệ thuật quản lý?

Lượt xem: 5,737

Là lãnh đạo, bạn phải phân tích nhiều thông tin và quyết định nhiều việc cùng lúc. Sẽ có lúc bạn bị quá tải, mọi ý kiến trong cuộc họp đều trở nên khó tiếp nhận và đánh giá. Tất cả những gì bạn cảm nhận được là tiếng ồn trắng ong ong trong đầu. Làm thế nào để sự tập trung của bạn trở lại trước khi quá muộn? Đó là lúc bạn cần đến "Chánh niệm".

Chánh niệm là khả năng tập trung hết mình cho một việc gì đó trong thời khắc hiện tại mà không bị xao nhãng bởi những thứ không liên quan. 

Lãnh đạo với chánh niệm là phương pháp quản lý giúp bạn tập trung toàn bộ sự chú ý vào một dự án/nhiệm vụ trong một thời điểm nhất định. Áp dụng chánh niệm vào quản lý không chỉ mang lại lợi ích cho người lãnh đạo mà còn mang lại lợi ích tổng thể cho nhóm và doanh nghiệp.

1. Tầm quan trọng của chánh niệm trong quản lý

Giảm căng thẳng

Mọi người thường bị căng thẳng do suy nghĩ quá nhiều về chuyện sắp xảy ra hoặc đã xảy ra, chứ không phải vì chuyện đang xảy ra. Chánh niệm kéo bạn về thực tại. Bằng cách tập trung hoàn toàn tâm trí vào việc của  hiện tại, bạn gạt bỏ được những yếu tố gây căng thẳng kể trên, do đó, có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

Tăng khả năng tập trung

Trong công việc, sự xao nhãng và cảm giác lo lắng có thể cản trở quá trình suy nghĩ, khiến người lãnh đạo mất định hướng trong nhiệm vụ hiện tại.

Khi thực hành chánh niệm, bạn có thể dồn toàn bộ sự chú ý của mình vào nhiệm vụ hiện tại. Điều này không có nghĩa là bỏ qua tác nhân xung quanh. Bạn vẫn tiếp tục lắng nghe và đánh giá những tác nhân này, nhưng không bị chúng cuốn theo nếu nó không phải là vấn đề thực sự quan trọng. Sự tập trung tuyệt đối cũng giúp bạn tỉnh táo và sáng suốt hơn khi đưa ra quyết định.

Cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp

Là một nhà lãnh đạo thực hành chánh niệm có thể tăng gắn kết với đồng nghiệp. Chánh niệm giúp bạn tập trung, lắng nghe đồng nghiệp tốt hơn, qua đó, giúp bạn kết nối và đồng cảm với họ hơn.

Tăng khả năng sáng tạo

Chánh niệm cũng liên quan đến tăng khả năng sáng tạo. Nó củng cố chức năng nhận thức của bạn, ‘quét sạch’ suy nghĩ thừa thãi trong trí não và dọn chỗ cho ý tưởng mới.

2. Cách trở thành nhà lãnh đạo chánh niệm

Giống như mọi kỹ năng khác, bạn có thể luyện tập để đạt được khả năng chánh niệm bằng cách thực hành một số kỹ thuật nhất định.

Trước hết, hãy biết rằng lợi ích của chánh niệm không chỉ dừng lại ở công việc. Chánh niệm còn giúp tăng chất lượng cuộc sống tổng thể của bạn.

Luyện tập chánh niệm

Tìm các bài tập chánh niệm trên mạng và chọn bài tập bạn thích nhất. Đó có thể là một bài tập đi bộ chánh niệm 20 phút, thiền định toàn cơ thể hoặc ăn trong chánh niệm. Hãy nhớ rằng chánh niệm là kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên và một khi thành thạo, bạn có thể áp dụng chánh niệm vào mọi khía cạnh cuộc sống.

Thường xuyên nghỉ giải lao

Mặc dù rất bận rộn, bạn vẫn nên dành thời gian để thực sự nghỉ ngơi giữa các phiên làm việc. Trong thời gian ngắn ngủi, hãy ngắt kết nối với các thiết bị như điện thoại, laptop và tập trung vào việc thư giãn cơ thể và trí óc. 

Nếu bạn là người hay quên, hãy đặt báo thức cho mỗi 45 phút hoặc 60 phút làm việc. Báo thức sẽ nhắc bạn đứng lên, có thể là đi lấy nước, ăn nhẹ hoặc hỏi thăm đồng nghiệp.

Bạn cũng có thể tham khảo kỹ thuật Pomodoro – kỹ thuật chia nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ, xen giữa các khoảng làm việc ngắn là giờ nghỉ giải lao. Phương pháp này sẽ huấn luyện bộ não của bạn tập trung tối ưu trong thời gian ngắn hơn, với mục tiêu nhỏ hơn, đồng thời giúp cơ thể thường xuyên được nạp năng lượng.

Nhìn nhận căng thẳng theo cách mới

Với số lượng công việc khổng lồ và deadline cận kề, việc cảm thấy căng thẳng là hoàn toàn bình thường. Nhưng đừng vội coi căng thẳng là điều xấu. Hãy coi đây như dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần hít thở sâu, định hướng lại bản thân và tập trung hơn nữa.

 

Nguồn : CareerViet

Bài viết cùng chuyên mục "Nghệ thuật quản lý"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback