Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 127,723
Đối với công việc văn phòng, bạn phải làm việc với rất nhiều đồng nghiệp và có thể rất nhiều trong số họ có tính cách trái chiều với bạn. Điều này chắc chắn gây ra không ít phiền toái. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn 20 mách nước đơn giản để có thể đối phó lại những đồng nghiệp “khó chịu” đó.
1. Tránh những yếu tố dễ gây tranh cãi
Thông thường ngôn ngữ gián tiếp trong công việc sẽ giúp bạn tránh được những tranh cãi vì nó nhấn mạnh vào nhiệm vụ hơn là người có trách nhiệm với nó. Vì thế thay vì nói: “Anh cần hoàn thành nó cho tôi” thì bạn có thể nói “ Báo cáo cần được giao lại bởi…” hay “kế hoạch cần được hoàn thành bởi…”. Với cách nói này, khó có đồng nghiệp nào có thể cảm thấy như họ đang bị sai bảo hay ra lệnh và do đó họ cũng tỏ ra dễ chịu hơn.
2. Hãy để cho đồng nghiệp thấy kết quả hành động của họ
Khi đồng nghiệp làm việc chậm so với tiến độ, bạn cần phải cho họ thấy ảnh hưởng của nó tới kết quả công việc. Chẳng hạn bạn có thể phản ánh với người đó rằng “Nếu anh không giao lại cho tôi trước ngày mai thì chúng ta sẽ không còn thời gian để rà soát lại trước khi gửi nó cho khách hàng”… Và bạn cũng cần chắc chắn một điều là kết quả đó sẽ có ảnh hưởng xấu đến họ chứ không phải bạn.
3. Nói chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại
Khi giao tiếp hay trò chuyện qua email, bạn rất dễ rơi vào độc đoán, phiến diện, hoặc đi lệch hướng. Vì thế tốt nhất là hãy nói chuyện trực tiếp nhất là với những vấn đề tế nhị. Nói chuyện qua điện thoại được xem là một giải pháp tốt.
4. Hãy ngắn gọn
Khi thảo luận các vấn đề, hãy giữ cách truyền đạt thật ngắn gon, đi thẳng vào vấn đề. Nó giúp hạn chế những căng thẳng cho cả hai.
5. “Xử lý” thật tế nhị với những đồng nghiệp thích “lải nhải”
Không phải là bạn sẽ giúp người đồng nghiệp đó triệt hạ căn bệnh này mà là “giúp” họ tránh “lải nhải” điều gì gây phiền phức cho bạn. Đừng đặt ra những câu hỏi mở cho những người này, thậm chí là cả câu: “Hôm nay bạn thế nào?”. Đừng dại gì mà chào hỏi những người này bằng cách đấy. Thay vì hỏi thăm đến tình hình sức khỏe, hãy chỉ nói chào mà thôi.
6. Làm việc của bạn
Khi bạn vào gặp sếp, hãy liệt kê trước một danh sách chi tiết những gì bạn cần báo cáo, nghiên cứu và giải pháp đề xuất. Khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, hãy lên chương trình cho tất cả, bạn cần phải làm việc thật chuyên nghiệp!
7. Đừng than phiền
Hãy thận trọng với những gì bạn nói ra với mọi người ở công sở. Lý do đơn giản là vì nó đem đến những vấn đề tiêu cực và rồi bạn lại là chính người phải thu dọn nó. Hơn nữa nó có thể chia rẽ mối quan hệ trong công ty và tạo nên một không khí căng thẳng. Bạn nên để những điều đó lại trong hòm thư góp ý.
8. Hãy nguôi giận
Đôi khi rất khó để có thể vượt qua được cảm giác bực bội, nóng giận, hay tổn thương tuy nhiên bạn cần phải học cách để vượt qua nó. Thử cách này xem nhé: Hãy viết ra những cảm xúc của mình và gửi nó vào hòm thư của chính bạn, sau đó hãy tìm cách để tống những cảm xúc đó ra khỏi đầu. Có thể vài tháng sau khi tìm đọc lại lá thứ đó, bạn sẽ rất ngạc nhiên về cách những gì đã thay đổi.
9. Đừng tự một mình chịu đựng
Hãy học kĩ năng nhận ra rằng những phê bình tới công việc không phải chỉ là phê bình tới một mình cá nhân bạn. Đừng để cho chúng làm tổn thương lòng tự trọng của bạn.
10. Luôn bám sát vấn đề
Bất cứ khi nào bạn muốn thảo luận với những người bạn cho là “khó ưa”, hãy liệt kê ra 5 mấu chốt hoặc những luận điểm chính cần nói tới và bám sát nó. Ngay cả khi họ đi chệch hướng và bắt đầu phiền toái, hãy lật lại vấn đề cho họ thấy. Bằng cách này, bạn tránh bị dấn sâu vào những cuộc tranh cãi nhỏ nhặt.
11. Đừng đưa ra vấn đề một cách đột xuất
Đừng đem đến cho đồng nghiệp hay thậm chí cả sếp những sự bất ngờ với những vấn đề quá đường đột, chẳng hạn như một thời hạn khác với dự kiến, hay một vấn đề mới nảy sinh. Bạn nên biết là trong những trường hợp như vậy, người ta thường sẽ phản ứng theo kiểu đối phó và như thế thì không thuận lợi cho bạn chút nào.
12. Đối phó với những kiểu người thích la hét
Hãy phản ánh một cách thẳng thắn với những kiểu người này rằng cách giao tiếp của họ với bạn khiến vấn đề trong công việc càng khó giải quyết. Sau đó bạn có thể nói: “Tôi biết cả hai chúng ta đều muốn công việc được giải quyết một cách ổn thỏa”.
13. Hãy để ý lời ăn tiếng nói của bạn
Đừng để những vấn đề tiêu cực bùng phát bằng cách phán xét cách cư xử của đồng nghiệp với một thái độ thô lỗ, cực đoan hoặc tỏ ra bề trên. Thay vì thế, hãy dùng những từ ngữ có tính chất trung lập và nhẹ nhàng thôi. Tốt nhất, bạn nên tỏ ra cảm thông bằng cách nói: “Hình như bạn gặp nhiều vấn đề”.
14. Hãy tạo những mục tiêu cho đồng nghiệp của bạn
Hãy khéo léo “giúp” đồng nghiệp của bạn cư xử theo cách mà bạn mong đợi trong một khoảng thời gian ấn định. Tốt nhất là bạn nên đưa ra một mục tiêu cụ thể và chi tiết. Chẳng hạn, thay vì nói: “Tôi mong anh sẽ thay đổi lại thái độ của mình”, hãy nói: “Sẽ không còn xảy ra trường hợp anh bao che cho người khác nữa”.
15. Ngừng buôn chuyện
Cách hay nhất mà bạn có thể đối đáp lại trong trường hợp đồng nghiệp là một tay “buôn” có hạng là nói: “Thật vậy sao?” và sau đó đưa chủ đề trở lại công việc ngay. “Buôn dưa lê” ở công sở thường rất dễ làm nảy sinh nhiều vấn đề ngoài lề trong khi những gì bạn cần tập trung là công việc. Nếu bạn không hưởng ứng, họ cũng sẽ không có lí do để tiếp tục câu chuyện.
16. Thân thiện nhưng không được suồng sã
Điều quan trọng là phải giữ một mối quan hệ hòa nhã với mọi đồng nghiệp nhưng hãy giữ cho mối quan hệ đó ở ngoài các vấn đề tình cảm riêng tư. Không phải cứ gặp ai trong công ty bạn cũng đem kể chuyện chợ búa, chồng con ở nhà là có thể gần gũi hơn với họ.
17. Nói chuyện ngoài công việc
Hãy hỏi đồng nghiệp về những sở thích của họ như âm nhạc, điện ảnh, những thói quen lúc rảnh rỗi… Bạn có thể dùng cách này khi không khí làm việc căng thẳng hoặc vào giờ nghỉ giải lao. Ngoài ra bạn có thể mang theo những tờ báo có mẩu chuyện bạn muốn cho đồng nghiệp xem hay mở đầu câu chuyện trước theo kiểu: “Tôi thấy có bài báo về ban nhạc mà anh thích” hay “Tôi thấy có nhà hàng này bán đồ ăn Ý rất ngon mà chị chắc chắn sẽ thích”.
18. Luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống
Xin mách nhỏ với bạn: Đừng bao giờ cao giọng trong mọi tình huống. Những lúc căng thẳng, hãy nói với âm lượng vừa phải và với nhịp độ chậm hơn bình thường. Cách này không chỉ giúp bạn dễ cân bằng lại trạng thái mà còn có tác dụng buộc người đối diện phải lắng nghe bạn nói.
19. Học cách khen ngợi
Chúng ta thường chỉ tập trung vào những khuyết điểm của người khác, chỉ phê bình khi người khác làm sai điều gì. Hãy bắt đầu chú ý đến cả những ưu điểm của đồng nghiệp, khen ngợi khi họ làm việc tốt hay chỉ đơn giản là bạn nhận thấy họ đã thật sự cố gắng. Những lời khen đúng lúc luôn mang đến nhiều lợi ích cho cả người được khen và người ban tặng nó.
20. Luôn cởi mở
Khi bị một ai đó phê bình, bất kể là bạn cảm thấy thế nào về nó, hãy lắng nghe một cách chân thành với thái độ cởi mở và coi nó như một cơ hội để tự xem xét lại mình, tự hoàn thiện mình. Đó thật sự là một cơ hội cho bạn.
Nguồn: Theo Sức Trẻ Việt Nam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này