Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 22,626
Vậy là cuối cùng, năm 2019 đã khép lại với rất nhiều vui buồn, thành công cũng như đâu đó vẫn còn những điều chưa như ý. Trong khoảnh khắc bồi hồi nhiều cảm xúc đón năm 2020, hẳn rất nhiều người đã tự hỏi 365 ngày của mình trong năm vừa qua đã trôi qua như thế nào và 365 ngày trong năm nay sẽ ra sao? Và có lẽ gần như đã trở thành “truyền thống” trong tâm thức của rất nhiều người, việc lên một loạt những điều tự hứa với bản thân và nỗ lực hoàn thành những mục tiêu này (New Year’s Resolutions) được rất nhiều người chọn như một cách tạo động lực hăng hái cho năm mới. Nhưng cũng vì quá phấn khởi, đôi khi bạn dễ bị sa đà vào quá nhiều lời tự hứa không thực tế, vậy nên hãy thử cùng CareerViet.vn tham khảo đâu là 7 mục tiêu nghề nghiệp trong tầm tay mà bạn nên đặt ra cho bản thân nhé!
1. VIẾT NHẬT KÝ CÔNG VIỆC
Mặc dù sự bùng nổ của kỷ nguyên 4.0 kéo theo việc ra đời của những thiết bị công nghệ hiện đại như máy tích xách tay, điện thoại di động hay máy đọc sách đã khiến nhiều người bỏ quên thói quen viết nhật ký hàng ngày nhưng các chuyên gia vẫn khuyên rằng đây chính là một hoạt động thực sự bổ ích cho nghề nghiệp của mỗi người.
Trước khi bắt đầu một ngày làm việc, hãy dành năm phút để viết hoặc vẽ thật nhanh ra giấy hình dung của bạn về những điều cần làm trong ngày; và khi kết thúc giờ làm việc, hãy dành tiếp 5 phút để lướt lại thật nhanh những gì bạn đã viết vào buổi sáng. Đây là cách đơn giản và dễ dàng nhất để bạn tự đánh giá lại một ngày làm việc của mình có hiệu quả không, có được như mong đợi không và suy nghĩ về cách để điều chỉnh nhanh chóng trong ngày tiếp theo.
2. ĐẶT LỊCH HẸN VỚI SẾP THƯỜNG XUYÊN HƠN
Nếu bạn chờ đến những dịp đánh giá năng lực mới thiết lập các cuộc hẹn với sếp quản lý thì có vẻ đã khá muộn màng để gây ấn tượng tốt. Dù biết sếp thì lúc nào cũng bận và khiến bạn ngần ngại khi tiếp xúc nhưng trên thực tế, việc giao tiếp thường xuyên cùng sếp không quá khó khăn như bạn tưởng tượng. Chỉ cần 20 phút thảo luận nhanh mỗi hai tuần hoặc thậm chí ghé ngang phòng sếp để mời một ly cà phê, bạn có thể tận dụng khoảng thời gian này để cập nhật với sếp những việc mình đang làm, hỏi thêm ý kiến để cải thiện những vấn đề tồn đọng thay vì cứ thụ động chờ đợi đến khi sếp bắt đầu nhắn bạn vào phòng họp để bàn luận về các dự án.
3. TẠO THÊM NHIỀU KẾT NỐI MỚI GIÁ TRỊ
Dù không phải tuýp người sôi nổi, cởi mở lắm, bạn vẫn có thể cải thiện tính cách của mình để tạo thêm nhiều kết nối mới giá trị thông qua các mạng xã hội nghề nghiệp. Ví dụ như thay vì chỉ lang thang trên Linkedin của một chuyên gia yêu thích để đọc các bài viết, bạn nên để lại lời nhắn ngắn gọn như “Tôi đã đọc toàn bộ bài viết này và thật sự thích nó”. Điều này không lấy mất của bạn nhiều thời gian nhưng có thể mang lại cho bạn thêm một mối quan hệ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thỉnh thoảng chủ động rủ những người bạn hoặc đồng nghiệp cũ “đi đu đưa”sau giờ làm vào một số dịp phù hợp để không bị ngắt kết nối đáng tiếc với các mối quan hệ sẵn có của mình.
4. MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO KIẾN THỨC
Không ai có thể nói rằng họ thực sự có được sự hiểu biết toàn diện, thậm chí ngay chính trong công việc chuyên môn của mình nếu không chịu khó cập nhật và học hỏi thêm mỗi ngày. Có hai cách đơn giản để bạn luôn có thể mở rộng và nâng cao kiến thức của mình: 1 – Tham gia vào những sự kiện chuyên ngành như các buổi hội thảo với chuyên gia, các buổi workshop về lĩnh vực bạn đang theo đuổi; 2 – Chọn lọc và đọc những chuyên trang cung cấp kiến thức tốt cho công việc của bạn. Điều quan trọng nhất chính là sự siêng năng và ý thức luôn muốn nâng cấp bản thân thành một phiên bản tốt hơn.
5. CẢI THIỆN THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Không phải chỉ những nhãn hàng, những công ty dịch vụ hay các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng mới phải có một thương hiệu tốt. Cá nhân bạn cũng cần điều tương tự. Thử hình dung xem, bạn bước vào một cuộc họp, giới thiệu tên mình, mọi người gật đầu và bảo nhau: “Anh ấy đã hoàn thành rất tốt dự án X năm vừa qua”. Đó chính là thành quả của việc bạn đã thiếp lập được thương hiệu cá nhân trong nghề nghiệp riêng. Trừ khi bạn là một nhân tài kiệt xuất, thật khó để mọi thứ bạn làm có thể “hữu xạ tự nhiên hương”. Thế nên, ngoài việc chăm chỉ và hoàn thành tốt công việc của mình, bạn cũng cần biết cách thể hiện nó ra bên ngoài một cách khéo léo thông qua những bản báo cáo sau dự án, những cập nhật mới trên hồ sơ cá nhân của mình.
6. ĐÁNH GIÁ LẠI NHỮNG DỰ ÁN LỚN
Khá nhiều người thường để sự bận rộn dẫn dắt mình trôi đi và vô hình chung trở thành một chú ong cần mẫn nhưng lại chẳng mang về kết quả gì đáng kể cho sự nghiệp của mình. Vì vậy, năm mới chính là cơ hội để bạn đánh giá lại những dự án mình muốn làm trong thời gian tới. Một thực tế bạn cần chấp nhận là không ai đủ siêu phàm để thực sự giỏi trong tất cả mọi chuyện, do đó bạn nên đặt ưu tiên cho những việc bạn muốn làm, bạn thích làm và bạn thật sự có khả năng thành công. Hãy nghĩ về tương lai dài hạn thay vì ôm đồm nhiều thứ và nhận về những kết quả dở dang.
7. GIỮ SỰ TẬP TRUNG XUYÊN SUỐT CẢ NĂM
Dù cho bạn sẽ làm đầy thêm hay thu ngắn bản danh sách New Year’s Resolutions này, điều quan trọng nhất là bạn cần luôn giữ được sự tập trung cần thiết để hoàn thành đâu ra đấy từng mục tiêu đề ra. 12 tháng nghĩ thì dài nhưng thật ra rất nhanh, bạn nên phân bổ thời gian hợp lý ngay từ đầu năm để tránh tình trạng việc này cuốn việc khác đi và cuối năm lại thở dài luyến tiếc vì giá như mình có thể làm được nhiều điều hơn trong năm vừa qua!
CareerViet.vn xin chúc các bạn một năm 2020 nhiều năng lượng và nhiều thành quả!
(Nguồn ảnh: Internet)
Nguồn: CareerBuiderVietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này