Miễn, giảm lãi vay đến 30.6.2022
Theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, việc miễn, giảm lãi, phí sẽ được thực hiện đến ngày 30.6.2022 .
Trong đó, khách hàng sẽ được miễn, giảm lãi, phí khi đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:
Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1.8.2021 từ hoạt động cấp tín dụng nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ 23.1.2021 - 30.6.2022.
Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.
Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được tiếp tục áp dụng đến ngày 30.6.2022.
Ưu tiên tiêm vaccine để doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại
Theo Nghị Quyết 105/NQ-CP, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp…
Trong tháng 9.2021, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.
Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vắc xin trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại.
Giảm thiểu thủ tục, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa
Tại Nghị quyết 105, Chính phủ có một số chỉ đạo, cụ thể:
Thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi.
Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất. Không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá. Sau đó, thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.
Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính
Cũng tại Nghị quyết 105, Chính phủ đặt ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp miễn, giảm chi phí như:
Sẽ ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động;
Nghiên cứu miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021;
Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp;
Triển khai phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5);
Triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch sau khi được Chính phủ thông qua;
Xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch.
Sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày…