Sau 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và được dư luận xã hội đánh giá cao.
Năm 2009, khi bắt đầu triển khai chính sách BHTN, có khoảng 6 triệu người lao động tham gia. Tuy nhiên, do đây là chính sách mới, rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng và đầy đủ các lợi ích và quy định của chính sách này.
Lao động trẻ tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội
Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay có nhiều trường hợp được chi trả BHTN lên tới hàng trăm triệu đồng tùy theo thời gian công tác và mức lương. “BHTN trở thành “bà đỡ” xuất hiện đúng lúc khi người lao động gặp rủi ro về việc làm. BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động và giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường làm việc thông qua tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động còn được hỗ trợ để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động”, ông Trung chia sẻ.
Lao động trẻ
tìm việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội
Hiện nay, đối tượng tham gia BHTN là: công dân VN từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, khi làm việc theo
hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ông Trung cho biết: “Người lao động chỉ cần đóng bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động phải đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN. Ngân sách T.Ư hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN”.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay, nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Lê Quang Trung, cho hay trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Để đạt mục tiêu trong 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách BHTN.