Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 5,489
Dự kiến, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào 2035.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình phương án tăng tuổi hưu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới. Trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Đây là một nội dung trong báo cáo của Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới công bố trong tuần đầu tháng 9.
Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội.
Xin ông cho biết phương án tăng tuổi hưu Chính phủ sẻ trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sau khi xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, đã tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các bên có liên quan trong quan hệ lao động và nhân dân, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan đã cơ bản thống nhất quan điểm cần thiết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đáp ứng yêu cầu già hóa dân số và theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương.
Đến nay, các cơ quan chức năng, chuyên gia quốc tế và trong nước đều khẳng định, tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên, sức khỏe tốt hơn, điều kiện lao động cũng được cải thiện nhiều hơn, nên việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, lộ trình, cách thức thực hiện, điều chỉnh theo các nhóm lao động vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ đã tiếp thu một bước và sẽ trình Quốc hội theo hướng bắt đầu từ ngày 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028.
Dự kiến, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ (ảnh minh họa)
Theo đó, tại khoản 3, Điều 169, dự thảo luật quy định: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Một số ý kiến khác đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức thực hiện theo lộ trình như trên nhưng đưa sang Luật Công chức và Luật Viên chức.
Riêng khu vực có quan hệ lao động vẫn giữ như quy định hiện hành và bổ sung quy định nguyên tắc để Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện lao động thực tế có thể điều chỉnh lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động ở mức chậm dần hơn khu vực công chức, viên chức. Điều này cũng nhằm tránh cú "sốc" cho thị trường lao động và cũng tránh để người lao động lo lắng nâng tuổi nghỉ hưu như công chức, viên chức.
Nhìn tổng thể, những lao động đang trực tiếp sản xuất có điều kiện lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì cơ bản vẫn được giảm tuổi để bảo đảm tuổi nghỉ hưu cơ bản vẫn như hiện hành. Chỉ lao động hành chính, gián tiếp trong doanh nghiệp thì mới điều chỉnh tăng thêm.
Thưa ông, căn cứ vào đâu, Ban soạn thảo lại đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 60 tuổi và nam giới là 62 tuổi?
Ở trên thế giới, có đến 37% các nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế có sự chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ 60 và 62. Các nước cho rằng, có sự chênh lệch tuổi như vậy cũng là tạo ra bình đẳng giới vì phụ nữ còn có thêm thiên chức làm vợ, làm mẹ. Điều này cũng hợp lý khi áp dụng ở Việt Nam, khi trong suốt thời gian dài lao động nam và nữ chênh nhau tuổi nghỉ hưu đến 5 tuổi.
Tôi cho rằng, Chính phủ cũng nên có đánh giá rõ tác động và lý do tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tại sao lại chênh nhau 2 tuổi mà không phải là bằng nhau, để Quốc hội có căn cứ quyết định.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể dẫn tới vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Tiền đóng BHXH là khoản tiền của người lao động đang làm việc tiết kiệm để dành cho tuổi già. Theo nguyên tắc, người lao động đóng BHXH càng cao thì hưởng lương hưu càng cao. Việc tích lũy quỹ BHXH nhiều và thời gian đóng dài hơn thì lương hưu sẽ tăng lên. Về nguyên tắc tham gia bảo hiểm y tế là có sự chia sẻ, mà người tham gia không mong muốn được hưởng để tạo cơ hội cho người ốm đau, hoàn cảnh khó khăn, người nghèo... Còn việc đóng BHXH là tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng.
Luật BHXH năm 2014 quy định, BHXH do Nhà nước bảo hộ nên quỹ BHXH được quản lý chặt chẽ ở Trung ương, quỹ được mang đi đầu tư tăng trưởng nhưng phải tuân thủ nguyên tắc an toàn, công khai, minh bạch. Vì thế, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm; chính sách của Nhà nước là khi tăng trưởng kinh tế mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển hoặc khi giá sinh hoạt gia tăng làm giảm giá trị sức mua của đồng tiền thì người về hưu cũng được điều chỉnh lương hưu tương ứng để bảo đảm giá trị sức mua của tiền lương hưu.
Chính vì vậy, khi điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lương vũ trang thì người về hưu cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. BHXH là trụ cột của chính sách an sinh xã hội do Nhà nước quản lý và bảo hộ vì vậy làm sao có chuyện vỡ quỹ BHXH.
Nguồn: Theo VOV.vn
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này