Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 52,024
Theo phân tích về dự báo nhân lực và thị trường lao động năm 2014 thì Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn là một trong bốn nhóm ngành sẽ có nhiều biến chuyển tích cực rõ nét, với nhu cầu tuyển dụng tăng khoảng 50% so với năm 2013. Có thể nói đây cũng là một trong những lĩnh vực sôi động thu hút nhiều người trẻ tham gia. Tuy nhiên, đi cùng thời cơ luôn có những thách thức và người yêu thích ngành nghề này cần phải làm gì để đón lấy cơ hội thành công. Hãy cùng CareerViet.vn đặt một vài câu hỏi cho ông Nguyễn Đình Toàn – chuyên gia ngành dịch vụ mến khách (Hospitality) với hơn 20 năm kinh nghiệm đồng thời là Tổng giám đốc Công ty M.I.N.H Hospitality Consulting. Mong muốn rằng chia sẻ tâm huyết của ông sẽ giải đáp cho những điều chúng ta còn băn khoăn đồng thời tiếp thêm cho các bạn những cảm hứng và động lực với nghề.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Tổng giám đốc M.I.N.H Hospitality Consulting
Thưa ông, từ góc độ cá nhân, ông cho rằng người tìm việc cần chuẩn bị gì trước cơ hội bứt phá cùng nhóm ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn?
Không phải đợi đến bây giờ, từ những ngày xa xưa cách đây hơn 20 năm khi tôi vừa tham gia vào lĩnh vực này, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn đã luôn được xem là ngành có tiềm năng. Và thực tế các biến chuyển tích cực gần đây cùng những phân tích dự báo về nhu cầu nhân lực trong tương lai thì quả thật cơ hội đang mở ra cho tất cả những ai đang muốn theo đuổi con đường này. Việt Nam có tiềm năng cùng nhu cầu rất lớn về du lịch nói riêng và về các lĩnh vực giải trí – dịch vụ khách hàng nói chung. Thế nên, hoàn toàn không khó để tìm được một chỗ đứng và chắc chắn con đường phát triển sự nghiệp của các bạn rất rộng.
Đứng trước cơ hội lớn như thế, bên cạnh sự yêu thích vẫn cần có những bước chuẩn bị thì mới có thể thành công. Dù dịch vụ là gì, xét đến cùng điều quan trọng trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn vẫn là yếu tố con người, khách hàng hay nhân viên cùng là con người. Vì thế, tôi đặc biệt lưu ý 4 tiêu chuẩn sau: Ngoại hình, ngoại ngữ, thời gian và thái độ sẵn sàng. Chúng ta đang nói về một ngành nghề có yêu cầu khắt khe, đòi hỏi sự tuân thủ cao cũng như khả năng chịu đựng áp lực. Khi muốn gia nhập ngành, hãy tự hỏi bạn đã sẵn sàng phục vụ người khác hay chưa và có đủ thời gian để theo đuổi hay không. Nghề sẽ rèn cho bạn tính kỷ luật và sự kiên nhẫn phục vụ, nhưng không phải ai cũng theo nổi. Vì thế, cần chuẩn bị để đủ sức vượt qua những giai đoạn khó khăn, nản lòng và rồi gặt hái kết quả tốt đẹp nhất.
“Bứt phá” nhưng hẳn còn tồn tại những thách thức phải vượt qua?
Như đã nói ở trên, những điều cần chuẩn bị nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho mình đã là một thách thức. Ở đây tôi nhấn mạnh thêm về những thách thức từ phía đặc thù ngành nghề. Xuất phát điểm học tập và sự chuẩn bị có thể như nhau nhưng khả năng tiếp thu và biến thành kiến thức làm nghề mỗi người mỗi khác. Nghề này yêu cầu phải học hỏi, các bạn có sẵn sàng học tập liên tục để hội đủ năng lực làm việc? Điều thứ hai, rất nhiều người yêu thích, háo hức vào nghề nhưng hầu hết đều mong có vị trí cao. Trong khi thách thức của ngành nghề là cần nền tảng. Thực tế, có những vị trí phải trải qua 4 đến 5 năm mới có thể thăng tiến, nhiều người không thể chờ đợi. Hãy nhớ rằng để đi cùng với nghề thì phải chấp nhận đi lên từ gốc, sẵn sàng bắt đầu từ những vị trí thấp nhất.
Ông Nguyễn Đình Toàn: "Khi muốn gia nhập ngành, hãy tự hỏi bạn đã sẵn sàng phục vụ người khác hay chưa và có đủ thời gian để theo đuổi hay không"
Còn thực trạng “vừa thừa vừa thiếu nhân lực”, bài toán này có còn khó giải?
Tôi cũng nghĩ đây là bài toán khó giải, hay không muốn nói là chưa biết cách giải. Tình trạng việc vẫn tìm người và người còn thất nghiệp này khó giải bởi chúng ta chưa có nhiều ứng viên chất lượng, được trang bị kỹ năng nghề tốt. Trên thực tế, tìm kiếm nhân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh không phải là vấn đề quá lớn. Bởi đây là thị trường có nguồn cung lao động dồi dào về số lượng và chất lượng đủ đáp ứng. Nhưng muốn tìm cho các khu vực như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… thì lại cực kỳ khó.
Một trong những lý do chính của tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” này chính là vấn đề đào tạo. Việt Nam chưa có các trường hoặc trung tâm chuyên dạy về du lịch khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế. Số lượng nơi đào tạo chuyên nghiệp và có tiếng còn rất giới hạn. Chúng ta đều hiểu rằng muốn phát triển, xích lại gần hơn, rút ngắn khoảng cách với thế giới thì buộc phải có khả năng phục vụ tiêu chuẩn quốc tế. Đó là lẽ dĩ nhiên!
Tất nhiên vẫn có nhân sự được đào tạo chuyên môn từ nước ngoài nhưng số lượng này quá ít, không đủ đáp ứng và cũng chưa đủ để tạo ra làn sóng nhận thức mới tác động lên toàn cảnh. Chưa kể, những người về Việt Nam làm việc sau thời gian du học và sinh sống tại nước ngoài thường mang tâm lý đặt mình ở vị trí cao. Họ mong và tin mình sẽ tìm được công việc có cấp bậc cao, vị trí quản lý hay những điều kiện tốt hơn người khác. Thế là ta bắt gặp trở lại vấn đề đã nói ở trên, ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn để làm tốt cần phải phấn đấu từ thấp lên cao. Mỗi người cần có thời gian lâu dài để thấm, để ngấm thì mới sống với nghề trọn vẹn và gặt hái thành công thực sự.
Ông nhận định ra sao với ý kiến rằng “khả năng làm dịch vụ du lịch của Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với những tài nguyên mà chúng ta sở hữu”? Hạn chế chính là gì và phương án nào để cải thiện tốt hơn?
Quả thực tài nguyên du lịch nước ta sẵn có rất nhiều, điều kiện khá thuận lợi để phát triển nhưng chưa được khai thác tốt. Cái thiếu nhất là chuẩn đầu tư. Tôi nhìn thấy những người có rất nhiều tiền như không đầu tư đúng cách, nhận định về thị trường cũng sai. Họ thậm chí không rõ được sự khác biệt của tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao… Không phải bạn có vốn, bỏ tiền ra muốn có được một dịch vụ sang trọng, cao cấp là mọi thứ sẽ sang trọng, cao cấp.
Người đầu tư cần biết lắng nghe. Hãy tìm kiếm và lắng nghe những người tư vấn chuyên nghiệp với kinh nghiệm lâu năm. Trả giá cho việc mua chất xám và đừng tiếc tiền mua những thứ đó. Song song, phải học cách lắng nghe thị trường, tìm hiểu nghiên cứu để biết thực sự thị trường đang cần gì rồi mình mới làm. Hơn thế nữa bạn có thể dự đoán và tạo ra những sản phẩm mới lạ đón đầu nhu cầu của khách hàng. Người làm nghề cần phải hiểu mình phục vụ cho đối tượng nào và đích đến cuối cùng là gì mà đầu tư vào đó.
Ông Nguyễn Đình Toàn: "Làm dịch vụ, bạn phải có lòng mến khách"
Nếu được gọi tên một yếu điểm lớn nhất của hầu hết những người đang hoạt động trong ngành, ông sẽ nhắc đến điều gì?
Tôi muốn nói đến lòng mến khách. Nếu bạn đã từng biết đến “Hospitality”, ngành học liên quan đến dịch vụ khách hàng, đào tạo những kiến thức áp dụng cho nhiều lĩnh vực mà lớn nhất trong đó là quản trị du lịch nhà hàng khách sạn, thì hẳn bạn sẽ thấy ngay trong tên gọi của nó là “sự hiếu khách”. Việt Nam chưa nhìn nhận và quan tâm đúng mức về khái niệm này. Với tôi, khi làm dịch vụ, bạn có thể chưa chuyên nghiệp nhưng phải có lòng mến khách – một yêu cầu hết sức quan trọng. Ví như Thái Lan, đất nước du lịch nổi tiếng. Lòng hiếu khách cực kỳ cao của họ thể hiện trong từng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ khi phục vụ tiếp đón lẫn trong suy nghĩ, cách thức phát triển dịch vụ hướng vào cảm xúc con người.
Có thể bạn hỏi rằng người Việt Nam ta vốn được đánh giá là thân thiện, sao có thể thiếu lòng mến khách? Cần phân biệt rõ ràng, một người thân thiện và gần gũi không chắc sẽ hiếu khách. Chúng ta có thể vui vẻ và nhiệt tình với những vị khách dễ thương, tốt bụng nhưng ta sẽ vui vẻ, hết mình bằng tinh thần “khách hàng là thượng đế” với người “khó chiều khó chịu” hay không? Ngành nghề này cần người biết phục vụ một cách chuyên nghiệp. Điểm yếu là hầu hết chúng ta vẫn chưa thể hiện được, chưa biến lòng mến khách thành kỹ năng. Vì thế cần rèn luyện bản thân nhiều hơn mới có thể tạo nên môi trường phục vụ chuyên nghiệp.
Cuối cùng là một lời khuyên dành cho những người đang và sắp tham gia vào lĩnh vực này?
Hãy nghiên cứu nhiều hơn! Tôi khuyến khích mọi người nghiên cứu sâu hơn và thật kỹ lưỡng. Tìm hiểu để biết được yêu cầu công việc, và bạn có đủ đam mê để gắng sức đáp ứng cho những đòi hỏi khắt khe của ngành không, điều gì sẽ giữ bạn đi suốt con đường dài với nghề nghiệp đã chọn. Đừng để trải qua 3 năm, 5 năm làm việc rồi nhận ra rằng “tôi không phù hợp”. Dù rằng bạn vẫn tích lũy kinh nghiệm cá nhân, kiến thức đó có khi vẫn áp dụng được khi làm lại từ đầu với ngành nghề khác, nhưng tôi cho rằng không nên như thế. Đừng bỏ phí thời gian của bản thân!
Khi lựa chọn nghề nghiệp để gắn bó thì ai ai cũng mong muốn thành công. Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau, người này có thể nghĩ đến sự kiên trì, người khác đánh giá cao quyết tâm, nhưng với tôi đam mê là điều quan trọng nhất. Có đam mê mới có thể thành công.
Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Circle K tuyển dụng | Auditor | Điện máy xanh tuyển dụng | tim viec lam giao hang | lãnh sự quán tuyển dụng | việc làm phổ thông đà nẵng | kcn biên hòa 1 tuyển dụng | việc làm phổ thông tại quảng bình
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function