Job Alerts
Welcome to CareerViet.vn
Create jobs alert to see all recommended jobs, profile views, recruiter's contacted information, updates, and more ...
welcome to careerviet
Viewed: 13,058
Trong cuộc sống lẫn công việc chúng ta đều cần nhận được những lời khuyên hũu ích. Tuy nhiên, đôi lúc tất cả điều ta muốn lại chỉ là xung quanh ngừng nói chuyện, mọi người tin tưởng cách ta xử lý công việc và để ta được yên ổn một mình.
Hẳn bạn cũng từng có lần ước ao được tự do đắm mình trong sự tập trung im lặng? Nhưng thực tế không dễ dàng vậy, vẫn còn khá nhiều đồng nghiệp nhiệt tình hoặc bạn bè tốt bụng sẽ không ngừng quan tâm hỏi han và đưa ra các chỉ dẫn lẫn tư vấn mọi lúc mọi nơi. Đơn giản chỉ vì họ tin là đang giúp bạn tìm ra giải pháp hay tránh sai lầm dựa trên trải nghiệm thực tế của bản thân, nhưng họ quên hỏi rằng bạn có cần lời khuyên hay không. Khi lời khuyên không mong đợi nhiều đến mức bạn thấy mệt mỏi, không thể tập trung đồng thời cảm giác như đang có “8 ông sếp quản lý” thì tình huống này đã thành thảm hoạ thực sự.
Tất nhiên bạn không thể (và cũng không nên) làm lơ, xua đuổi hay nổi cáu với đồng nghiệp, thái độ tiêu cực đó phá hỏng các mối quan hệ một cách đáng tiếc. Cách “ngắt lời” đơn giản mà hiệu quả hơn nhiều là lịch sự từ chối. Cùng CareerViet.vn tham khảo ngay 4 câu nói khéo có thể áp dụng để giành lại “không gian làm việc yên tĩnh” trong 4 tình huống thường gặp nhé!
1. “Cảm ơn về lời khuyên, tôi sẽ cân nhắc ngay khi hoàn thành [việc/ dự án…] này”
Nếu người đồng nghiệp thích nói dông dài của bạn đã chiếm quá nhiều thời gian mà không mang đến bất cứ điều gì hữu ích, hãy thử nói câu này để thể hiện rằng bạn đánh giá cao suy nghĩ của họ nhưng hiện tại cần ưu tiên tập trung vào việc quan trọng khẩn cấp trước mắt.
Hi vọng họ sẽ nhận ra được dấu hiệu rằng bạn đang rất bận mà rời khỏi bạn. Có thể kết hợp thêm một vài hành động nhỏ như, quay ghế trở lại bàn làm việc, quay mặt nhìn vào máy tính của mình hoặc bất kỳ hành động nào cho thấy bạn đang rất vội và không còn để tâm đến lời họ nói sau đó nữa.
2. “Tôi đánh giá cao phản hồi này, nhưng chúng tôi thực sự đã được xác nhận từ [người dùng/ khách hàng/ đối tác/ sếp…] rằng […]”
Câu này rất thích hợp để dùng khi bạn không đồng tình với ý kiến của ai đó. Thật thô bạo và thiếu nhạy cảm, nếu bạn thẳng thừng nói với cô đồng nghiệp nhiệt tình rằng “ý tưởng của em thật ngớ ngẩn, ngu ngốc hay chẳng có giá trị gì”. Làm điều này theo cách kém tế nhị sẽ khiến đồng nghiệp thấy tổn thương, xúc phạm hoặc mất mặt, từ đó dẫn đến các cảm giác dè chừng hay bất mãn về sau.
Vậy nên, thay vào đó, hãy tập trung vào bức tranh lớn hơn và giải thích vì sao góp ý của họ không phù hợp cho tình huống của bạn. Chẳng hạn như bạn từng thử trước đó nhưng nó không mang lại hiệu quả cho người dùng, hoặc quản lý nhóm của bạn đã chỉ rõ rằng có vài chiến lược thực sự không đáp ứng được mục tiêu. Hãy sử dụng dữ liệu, lịch sử làm việc và kinh nghiệm thực tế để lịch sự từ chối giải pháp mà đồng nghiệp đề nghị. Đôi bên sẽ không làm mất lòng nhau và điều này tạo bối cảnh tốt cho các đề xuất giá trị khác trong tương lai.
3. “Tôi hiểu là lời khuyên này rất hiệu quả với anh, nhưng tôi cảm thấy không thoải mái khi phải làm […]”
Hoàn toàn có thể chấp nhận được khi bạn từ chối một lời khuyên mà nếu thực hiện bạn sẽ cảm thấy không ổn hay mất thoải mái. Đồng nghiệp không mang đến những gợi ý để đẩy bạn vào tâm trạng tồi tệ hay cảm giác khó chịu, họ chỉ thực lòng quan tâm và muốn giúp bạn hoàn thành công việc tốt nhất.
Chỉ những người vô lý, xấu tính mới bắt buộc hay dồn ép bạn làm những điều bạn không muốn (tất nhiên, khái niệm không muốn ở đây phải chính đáng chứ không đơn giản là nói không thích). Với những người như vậy, bạn cứ mạnh dạn bỏ qua hoặc thẳn thắng từ chối. Bằng cách thể hiện rõ cho đối phương biết bạn là ai và không chấp nhận làm điều gì, bạn không những có thể khiến họ im lặng lần này mà đôi khi còn thúc đẩy họ đưa ra những phản hồi khác nhau, từ đó tìm thấy được nhiều góp ý phù hợp hơn về sau.
4. “Tôi rất tôn trọng ý kiến và đánh giá cao suy nghĩ của bạn, tuy nhiên tôi đã có kế hoạch để cải thiện […] rồi”
Bạn có thể chào đón các ý kiến bằng câu nói “Không, cảm ơn!” một cách kiên quyết, nhưng sẽ bối rối và khó xử biết bao nếu điều này đóng lại sự cởi mở và cánh cửa kết nối giữa bạn với đồng nghiệp bạn rất thích.
Câu nói trên là giải pháp thay thế tuyệt vời, bởi nó cho thấy không phải bạn xem nhẹ đối phương. Lý do từ chối là bởi vì bạn đã có kế hoạch xử lý từ trước hoặc bạn đã tiến hành nhiều phần chi tiết trong phương án đề ra.
Tất nhiên, có thể bạn không thực sự có kế hoạch cụ thể, nhưng họ sẽ không biết và cảm thấy được tôn trọng. Hoặc khi đồng nghiệp đủ tinh ý, họ sẽ nhận ra rằng bạn có quan điểm hoặc các bước thực hiện theo hướng khác nên không thể làm theo lời khuyên.
Thỉnh thoảng, đồng nghiệp của bạn có thể hành động như thể họ biết hết mọi thứ, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn phải đứng đó chịu đựng hàng giờ liền. Có nhiều đồng nghiệp thực sự thiện chí và có những người chỉ đang cố chứng tỏ “sức mạnh”. Dù họ là ai, với mục đích hoàn thành tốt nhất công việc, bất cứ khi nào bạn nhận ra rằng các lời-khuyên-không-được-yêu-cầu đang khiến mình mất tập trung, lãng phí thời gian hoặc gây phiền toái một cách thô lỗ, hãy thử chọn một trong bốn câu gợi ý bên trên để giúp họ dừng lại, tôn trọng không gian làm việc riêng tư của bạn. Với một chút nhạy cảm và ứng xử thích hợp, bạn hoàn toàn có thể thành công trong việc trả những người phiền nhiễu về chỗ của họ và quay trở lại làm việc của mình mà không làm mất hoà khí. Cố lên nào!
Nguồn hình: Freepik
Source: CareerViet Vietnam
Please sign in to perform this function