Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.
Lượt xem: 5,418
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang đem đến những thay đổi to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với thị trường lao động, những tác động của cuộc CMCN 4.0 liên quan đến đến số lượng và chất lượng việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động. Bên cạnh những tiêu cực tới thị trường lao động thì cũng có nhiều tiềm năng Việt Nam có thể tận dụng để phát triển.
Thách thức về chất lượng nguồn nhân lực
Đánh giá Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0, báo cáo của Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ rõ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động). Đó là những thách thức không nhỏ cho phát triển ngắn hạn và cho định hướng chính sách dài hạn để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.
Những cảnh báo cụ thể về sự xuất hiện của các robot hay các dây chuyền tự động hóa, do đó người lao động sẽ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn. Sự tác động của CMCN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế trong điều kiện mới.
Theo báo cáo về quy mô, cơ cấu lao động số Việt Nam năm 2018, ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động.
Hiện nay, cả nước vẫn còn trên 50% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đã xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình song nhìn về cơ cấu lao động vẫn là một nước kém phát triển và tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn trầm trọng.
Báo cáo đánh giá, lực lượng lao động hiện nay của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Ví dụ như những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang rất thiếu nhân lực ở phân khúc cao.
Dự báo, trong vòng 5 năm tới, nước ta sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động về CNTT, chuyên viên cấp cao khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 60-70% nhu cầu của thị trường. Trong một số lĩnh vực như tài chính ngân hàng, kiểm toán, nhà hàng khách sạn chúng ta cũng vẫn đang rất thiếu đội ngũ chuyên viên cấp cao, CEO, nhà quản lý, phải thuê lao động nước ngoài.
Trong khi đó, về chất lượng lao động, lao động Việt Nam được đánh giá đang phải đối mặt với không ít thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hiện lực lượng lao động Việt Nam mới chỉ có trên 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Đặc biệt cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, không thực sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Theo thống kê hiện nay, trong số lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì hơn 50% là có bằng cấp từ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chỉ chiếm 5,6% tổng lực lượng lao động.
Một vấn đề khác được Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt của những người có trình độ đại học thường cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động. Đây được xem là nghịch lý tồn tại trong một nền kinh tế khi nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên dôi dư khi nhu cầu vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng trên được chỉ ra là do sự khập khiễng trong quan hệ cung cầu: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, xu hướng già hóa dân số đang thể hiện khá rõ nét. Đây được xem là những tác động bất lợi tới phát triển thị trường lao động của Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội sẽ đến với những ai chủ động - Ảnh 1Nếu biết tận dụng cơ hội, CMCN 4.0 sẽ tạo đà cho thị trường lao động phát triển
Nếu biết tận dụng cơ hội, CMCN 4.0 sẽ tạo đà cho thị trường lao động phát triển
Tận dụng cơ hội, tạo đà cho thị trường lao động phát triển
Dù đối mặt với không ít thách thức, Việt Nam vẫn được đánh giá là có nhiều tiêm năng và lợi thế nếu tận dụng tốt và có chính sách đổi mới cơ bản trong việc đào tạo, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, cũng như phát triển thị trường lao động của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chủ động, thích ứng được với CMCN 4.0. Bởi CMCN 4.0 có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế và tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, cần bàn tay con người.
"Cuộc CMCN 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa - xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong ngành kinh tế chính của nước ta. CMCN 4.0 là cơ hội đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vượt qua thách thức, tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn làm cho phân hóa xã hội sâu sắc hơn... Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục, đào tạo nghề của Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công - nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ CMCN 4.0", báo cáo của Ban kinh tế trung ương nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động và việc làm chịu tác động rất lớn trên nhiều góc độ khác nhau.
Ở góc độ thị trường, công nghệ sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất dẫn đến nguồn nhân lực phải có sự thay đổi để triển khai phương thức sản xuất đó. Có những công việc mất đi nhưng cũng có những công việc đòi hỏi phải có sự thích ứng để đáp ứng yêu cầu mới. Như vậy, cách mạng 4.0 sẽ làm cho thị trường lao động phải có sự thay đổi về cơ cấu lao động, cơ cấu nguồn lực, cơ cấu về trình độ lao động, có những yêu cầu về kỹ năng lao động khác nhau. Đặc biệt, người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải.
“Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại. Với CMCN 4.0, chúng ta sẽ thay đổi dần phương thức đào tạo truyền thống để sang những phương thức đào tạo linh hoạt, chú trọng đào tạo các kỹ năng, chú trọng đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn và gắn bó với văn hóa học tập suốt đời. Việc đào tạo phải dựa vào nền tảng công nghệ để làm sao khi đào tạo lại ứng dụng được nhiều nhất các công nghệ mới vào đổi mới phương thức đào tạo. Thêm vào đó, lĩnh vực công nghiệp 4.0 cũng là lĩnh vực khởi nghiệp quan trọng bởi nhân lực là nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Việc kết nối, phát triển các nguồn lực đó dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ kết nối là lĩnh vực mà rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp có thể tham gia vào để đưa ra giải pháp kết nối cung cầu lao động, phát triển nguồn nhân lực. Tất cả những điều này cho chúng ta thấy CMCN 4.0 vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức nhưng chúng tôi nhìn nhận cơ hội nhiều hơn thách thức”- Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Tại “cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII” tổ chức cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã điểm lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và khẳng định những cơ hội, thách thức luôn đặt ra trong mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, “ai chủ động thì sẽ được lợi, ngược lại sẽ bị thua thiệt”.
“Các cuộc cách mạng công nghiệp luôn đem đến cơ hội cùng thách thức rất lớn nhưng cuối cùng thì loài người vẫn đi lên. Thành công sẽ đến với những người chủ động tiếp cận, nắm bắt cách mạng công nghiệp và công nghệ”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nguồn : Theo baodansinh.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn
Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn