Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 14,575
Thăng tiến trong công việc, trở thành nhà quản lý với mức lương “trên trời” là mơ ước không của riêng ai. Nhưng có những người cả đời không thể nắm bắt cơ hội làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, bởi một rào cản duy nhất: trình độ tiếng Anh.
Đủ chuyên môn - thiếu ngoại ngữ
N.T.Lan, tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng hơn 1 năm với tấm bằng loại khá nhưng vẫn phải "giậm chân tại chỗ" trong một chi nhánh ngân hàng bé tẹo tại Q.2, TPHCM. Lan cho biết, cô hoàn toàn tự tin với khả năng chuyên môn của mình nhưng mỗi lần đụng tới chuyện đổi công việc thì rất "sợ", vì vốn tiếng Anh chỉ đủ dùng để giao tiếp thông thường.
Ngay từ khi còn là sinh viên, H.L.Tuấn đã chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình qua các bản vẽ rất chất lượng và sáng tạo. Trở thành một trong những người có số điểm bảo vệ luận văn cao nhất khóa, Tuấn hăm hở nộp đơn xin việc ở các công ty liên doanh lớn. Nhưng khổ nỗi, chẳng bao giờ anh chàng này vượt qua đến vòng phỏng vấn thứ 2, vì khi gặp sếp người nước ngoài, Tuấn chỉ biết dùng "body language" để... ra dấu!
Cuối cùng, sau hơn mấy tháng trời rong ruổi, Tuấn đành chấp nhận làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương chỉ bằng một nửa so với những người bạn học yếu hơn mình, nhưng bù lại có trình độ tiếng Anh cao.
Bi kịch: Ít ngoại ngữ và chức cao
Nghe qua có vẻ phi lý nhưng thực tế những điều "phi lý" ấy vẫn xảy ra hằng ngày. Thúy Hoàng hiện đang giữ chức kế toán trưởng tại một công ty Nhật thuộc khu chế xuất. Mức lương của cô lên đến cả 1.000 USD/tháng, nhưng Hoàng tuyệt nhiên không biết một câu tiếng Anh nào.
Mọi giấy tờ, văn bản, Hoàng đều giao cho cô kế toán viên. Cô nhân viên này sẽ thay mặt Hoàng trả lời e-mail cho chi nhánh bên Nhật, báo cáo với sếp Nhật. Thậm chí trong cuộc họp với các trưởng phòng, người ta toàn nói tiếng Anh và Hoàng chỉ có thể ngồi nghe rồi nhờ người bên cạnh phiên dịch lại.
Lạ một điều, Hoàng đã giữ cái chức ấy gần 5 năm. Đơn giản chỉ vì Hoàng "quen" với cách luồn lách cho công ty. Thế nhưng, liệu Hoàng có thể "lây lất" như thế bao lâu nữa, vì mới đây ông sếp mới từ Nhật sang đã phán một câu "nếu không lo học tiếng Anh thì phải "lên đường" trong thời gian sớm nhất". Nghe qua, Hoàng rất hoảng nhưng khổ nỗi học hoài mà chẳng vô được chữ nào. Đến nước này thì xem ra việc không biết ngoại ngữ đã trở thành "bi kịch" thật.
Làm trưởng phòng nghiên cứu nhờ thuộc thành phần "con ông cháu cha", Minh Thái (32 tuổi) chỉ có mỗi việc ngồi đọc báo và lên mạng. Tất cả các tài liệu đều có "đàn em" giải quyết giùm. Cho đến một ngày, cấp trên cử Minh ra sân bay đón đoàn khách nước ngoài mới té ngửa vì Thái chẳng biết nói câu gì ngoài câu "hello", "how are you?", "I'm fine. Thanks! And you?". Thế là, 7 ngày là khoảng thời gian cho "trưởng phòng giấy" chuẩn bị bàn giao công việc.
Rõ ràng, sau vụ việc này Thái mới "ngộ" ra không phải có thế lực là có tất cả mà khả năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ mới thật sự làm nên "bộ mặt" của một người.
Nhắc đến chuyện này, Ngọc Trinh kể lại tình huống dở khóc dở cười của mình. Trinh tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh. Thời gian đầu, cô làm cho một công ty tư nhân. Được 6 tháng, cô nộp đơn đến các công ty nước ngoài vì thấy bạn mình làm lương cao quá. Cô nàng ráo riết đi học lớp tiếng Anh cấp tốc trong 4 tuần để đi phỏng vấn.
May mắn thế nào, Trinh trót lọt cả 2 vòng và bắt đầu thời gian thử việc.Nhưng chưa đầy 1 tháng, Trinh đành phải nhận lương cho thôi việc sớm vì không thể hiểu hết ý của ông sếp người Mỹ, thậm chí còn làm tréo cẳng ngỗng hết mọi việc.
Cô nàng cười bối rối: "Thật ra khi ấy mình chỉ nghĩ đơn giản là lọt qua mấy vòng phỏng vấn là OK. Nào ngờ, đúng là mọi chuyện không dễ dàng chút nào. Bây giờ nghĩ lại còn cảm thấy xấu hổ".
Ráo riết học ngoại ngữ
Chia sẻ về những kinh nghiệm đau thương của mình, Ngọc Thanh (25 tuổi - học viên cao học ngành Ngôn ngữ) cho biết, đáng lẽ ra Thanh đã giành được suất học bổng đi nghiên cứu tại Canada nhưng chỉ vì không đủ khả năng ngoại ngữ nên đành nhường lại cho người khác. Nếu nói ngoại ngữ chỉ là công cụ thì trong trường hợp này nó đã trở thành một điều kiện tiên quyết cho sự tiến thân.
Thầy Nguyễn Văn Lập (Giám đốc Học vụ Trường ngoại ngữ Á - Âu) cho biết nhu cầu học tiếng Anh của những bạn trẻ ngày càng cao. Thầy Lập nhận xét: "Nhu cầu học tiếng Anh của người trẻ luôn là số 1. Tuy nhiên muốn học có hiệu quả, các bạn phải thật sự nỗ lực hết mình, phải tự học và không được gián đoạn".
Chị Thanh Nga (phụ trách Phòng Tuyển sinh của Trung tâm Anh văn Hội Việt - Mỹ), cho biết: “Số lượng học viên người lớn của trung tâm lên đến gần 1.500, đa phần là những người đang đi làm hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường cần vốn tiếng Anh để xin việc”.
Quả thật, ngoại ngữ không còn đơn thuần là một công cụ mà chính là tấm vé thông hành để những người trẻ tiếp cận đến đỉnh cao của nghề nghiệp cũng như thế giới bên ngoài. Một nhà tuyển dụng cho biết, người có chuyên môn tốt và ngoại ngữ giỏi chắc chắn sẽ được đắc cử trong những vị trí cao và được hưởng mức lương xứng đáng.
Nguồn: (Theo Thanh Niên)
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này