Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 32,812
Công việc của một Brand Manager là gì? Vị trí này khác với Marketing Manager như thế nào? Ứng viên cần những kinh nghiệm, kỹ năng gì để đảm nhận vị trí vị trí công việc này? Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc trên, bạn hãy tìm hiểu cùng CareerViet nhé!
Tại các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia phải lập kế hoạch, điều phối sản phẩm nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Một công ty có thể kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau. Tương ứng mỗi sản phẩm sẽ cần có các chiến lược xây dựng thương hiệu riêng biệt đi cùng cách tiếp cận thị trường hiệu quả.
Nhằm đảm bảo thành công của một thương hiệu, vị trí Brand Manager (Quản lý Thương hiệu) đã ra đời. Công việc này chủ yếu giám sát việc nghiên cứu thị trường, phát triển và xây dựng các chiến lược Marketing khác nhau.
Quản lý Thương hiệu phải đưa ra các phương án tối ưu để phát triển thương hiệu
Họ sẽ đảm nhận việc tìm kiếm, nghiên cứu và phân tích thị trường. Từ đó nắm rõ được sự phát triển của đối thủ cạnh tranh, sau cùng sẽ đưa ra phương án phát triển thương hiệu. Đồng thời, vị trí này sẽ phối hợp cùng các CCO (Giám đốc kinh doanh), CMO (Giám đốc Marketing) nhằm xác định hướng quảng cáo phù hợp, góp phần tạo dựng hình ảnh công ty, kéo theo sự uy tín của thương hiệu và mục đích sau cùng là tăng doanh số.
Tuy đây là hai vị trí thuộc lĩnh vực Marketing, nhưng vai trò của Brand Manager (Quản lý Thương hiệu) và Marketing Manager (Quản lý tiếp thị) là hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất, Marketing Manager tập trung xây dựng các chiến lược marketing sao cho có thể tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng nhất. Trong khi đó, Brand Manager sẽ chú trọng việc tạo dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng, thu hút khách hàng tiếp tục sử dụng sản phẩm thương hiệu.
Thứ hai, nếu như kết quả công việc của Brand Manager có tác dụng trong dài hạn thì Marketing Manager là ngắn hạn. Mục tiêu của Marketing Manager là thúc đẩy doanh số bán hàng, trong khi Brand Manager là nâng cao nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Bởi chiến lược tiếp thị có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, còn thương hiệu thì không. Nhận thức về thương hiệu và mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng sẽ phát triển song song với sự phát triển của doanh nghiệp.
Thứ ba, Quản lý Thương hiệu sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cụ thể và rõ ràng nhất. Từ đó, họ sẽ căn cứ vào các giá trị thương hiệu đã được thiết lập để xây dựng và triển khai các chiến lược marketing. Nói một cách ngắn gọn thì thương hiệu đi trước và tiếp thị theo sau.
Thứ tư, mặc dù Marketing Manager chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chiến lược marketing nhưng họ không chịu ảnh hưởng của các chiến lược marketing. Trong khi đó, những chiến lược xây dựng thương hiệu lại ảnh hưởng sâu sắc đến Brand Manager. Bởi Brand Manager chỉ có thể xây dựng thương hiệu thành công khi họ có niềm tin vào thương hiệu.
Cả hai vị trí này đều hướng tới mục tiêu chung là duy trì và tăng trưởng doanh thu cho công ty. Vì thế, Brand Manager và Marketing Manager phải kết hợp với nhau để xây dựng những chiến lược đẩy mạnh thương hiệu của doanh nghiệp.
- Nghiên cứu thị trường, thương hiệu, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh về những chỉ số liên quan đến phát triển thương hiệu.
- Phân tích dữ liệu tìm kiếm, từ đó đưa ra đề xuất giúp tăng khả năng nhận diện và phát triển thương hiệu.
- Cung cấp các chiến lược và kế hoạch để đạt được mục tiêu nhận biết thương hiệu của người dùng.
- Theo dõi các khoản chi phí đã sử dụng liên quan đến các hoạt động phát triển thương hiệu.
Mô tả công việc Brand Manager
- Quản lý nhân viên trong bộ phận Branding hoặc Marketing phụ trách công việc phát triển thương hiệu.
- Phân công các công việc và nhiệm vụ cho nhân viên liên quan đến hoạt động xây dựng thương hiệu công ty.
- Giám sát hiệu quả công việc của nhân viên, thúc đẩy nhân viên làm việc năng suất hơn. Tuyển nhân viên mới theo yêu cầu của công ty, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên cũ của công ty.
- Lập kế hoạch, giám sát quá trình thiết kế quảng cáo, bao bì sản phẩm, TVC, logo,… và các yếu tố khác liên quan đến thương hiệu.
- Thường xuyên kiểm tra xu hướng thị trường, xu hướng tiếp thị mới giúp quảng bá thương hiệu ngày càng hiệu quả hơn.
- Chuẩn bị các báo cáo liên quan đến hiệu suất hình ảnh thương hiệu cho ban lãnh đạo và giám đốc.
Lãnh đạo là kỹ năng cốt lõi đối với bất kỳ ai nắm giữ vị trí quản lý và Brand Manager cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Một người có khả năng lãnh đạo tốt khi họ hiểu đội nhóm và nhân viên của mình. Họ biết cách sử dụng các nguồn lực hiệu quả để đảm bảo mọi công việc. Ngoài ra, người lãnh đạo đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề tốt và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.
Khả năng lãnh đạo tốt rất quan trọng
Kỹ năng tiếp theo mà một Quản lý Thương hiệu phải trau dồi là tập trung và có tinh thần trách nhiệm cao. Sự tập trung sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng mọi vấn đề, rắc rối phát sinh. Tập trung suy nghĩ về các phương pháp Quản lý Thương hiệu hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh sự tập trung, tinh thần trách nhiệm cũng quan trọng không kém. Trách nhiệm ở đây là nhận thức và ý thức về công việc mình phải làm. Bạn phải có trách nhiệm hoàn thành công việc đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng công việc đó. Một Quản lý Thương hiệu có trách nhiệm sẽ là tấm gương sáng cho các cộng sự và thành viên trong nhóm noi theo. Tất nhiên, kết quả công việc cũng từ đó mà hiệu quả hơn.
Quản lý Thương hiệu sau khi xây dựng chiến lược cho thương hiệu trong khoảng 3 – 5 năm thì cần có những cuộc họp để đánh giá xem đã đi đúng hướng hay chưa. Từ đó, đề xuất phương án thay thế trong trường hợp có vấn đề. Vì vậy, người Quản lý Thương hiệu phải luôn luôn có chiến lược và kế hoạch dự phòng hàng năm để có thể giải quyết những vấn đề không tương thích với mục tiêu kinh doanh.
Khi làm Quản trị Thương hiệu, bạn sẽ cần có 2 kỹ năng quan trọng nhất là “viết” và “sáng tạo”. Bạn phải viết hay để có thể truyền tải tốt nhất thông điệp của thương hiệu và phải sáng tạo để tạo nên “cá tính” làm nổi bật các giá trị của thương hiệu. Sự sáng tạo được coi là yếu tố cần thiết đối với những ai theo đuổi ngành Branding và có định hướng trở thành Brand Manager.
Muốn tạo nên “cá tính” của thương hiệu đòi hỏi nhiều sự sáng tạo
Tính sáng tạo ở đây được biết đến thông qua cách tạo ra các chiến lược quản lý thương hiệu vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Không chỉ vậy, chiến lược này còn phải thu hút người dùng và truyền cảm hứng để họ “hành động” và quảng bá sản phẩm của mình đến những người khác.
Khi đảm nhận vai trò Quản lý Thương hiệu, bạn cần trang bị và trau dồi kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng. Hay trong marketing, chúng ta thường nhắc đến thuật ngữ Consumer Insight. Hiểu được những sự thật tiềm ẩn của khách hàng sẽ giúp bạn lên kế hoạch cụ thể và hiệu quả cho các hoạt động marketing.
Các nhà tuyển dụng Brand Manager thường tìm kiếm nhân viên có kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực Marketing:
- Kiến thức: Người quản trị thương hiệu phải có kiến thức chuyên môn về marketing, hiểu biết về thương hiệu, biết cách lập kế hoạch thực hiện các chiến lược marketing và nắm vững kiến thức kinh doanh.
- Kỹ năng: Trong vai trò là một Brand Manager, bạn phải có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, đặc biệt là cần có kỹ năng thuyết phục và xây dựng mối quan hệ tốt.
- Tư duy: Đây là một ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo lớn và tư duy phân tích nhạy bén. Nhất là khi công việc luôn căng thẳng, phải đưa ra nhiều quyết định cấp bách thì hai yếu tố này lại càng trở nên quan trọng đối với một người quản lý thương hiệu.
Brand Manager phải có sự toàn diện về kỹ năng, kiến thức và tư duy
Đóng vai trò là một nhà quản lý có tầm ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của công ty, mức lương Brand Manager tương đối cao. Mức thu nhập thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng mỗi người và quy mô công ty mà họ làm việc.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn biết thêm về mức lương của vị trí này, bạn có thể tham khảo mức trung bình được CareerViet khảo sát như sau:
- Lương trung bình: 30.900.000 VNĐ/tháng.
- Mức lương phổ biến: 20.900.000 – 31.300.000 VNĐ/tháng.
- Mức lương thấp nhất: 10.400.000 VNĐ/tháng.
- Mức lương cao nhất: 104.400.000 VNĐ/tháng.
Mức lương trung bình khá cao khi lên đến bậc quản lý
Trở thành người Quản lý thương hiệu không có nghĩa là bạn bỏ nhiều tiền chạy một vài quảng cáo trên TV là xong. Thực tế, công việc này vô cùng phức tạp và căng thẳng. Bởi bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi thứ có liên quan đến nhãn hàng mình phụ trách. Hành trình trở thành Brand Manager thường mất 4 – 6 năm. Nhanh nhất cũng là 3 năm. Trong thời gian này, bạn sẽ phải tích lũy nhiều kiến thức cũng như các kỹ năng khác nhau.
Con đường tiêu chuẩn cho hầu hết Brand Manager trong các công ty đa quốc gia nói chung là: Thực tập sinh => Marketing Executive => Assistant Brand Manager => Brand Manager.
Vì vậy, bạn nên bắt đầu sớm, tốt nhất nên tìm một công việc thực tập khi bạn còn đang đi học để đến khi bạn tốt nghiệp, bạn có thể lên chức Marketing Executive. Điều này sẽ giúp bạn rút ngắn con đường trở thành nhà Quản lý Thương hiệu hơn đấy!
Chắc hẳn qua những chia sẻ trên đây, bạn đã hình dung rõ nét về chân dung của một Brand Manager rồi phải không? Có thể nói, khi đạt đến cấp quản lý, vị trí này sẽ là nấc thang giúp bạn vươn lên tầm cao mới trong sự nghiệp. Vì vậy, bạn cần phải nỗ lực rèn luyện bản thân để có thể thăng tiến lên những vị trí như mong muốn nhé! Đừng quên truy cập CareerViet để tìm việc làm Brand Manager ở nơi phù hợp nhất!
Nguồn: CareerViet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này