Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 13,728
Phần giới thiệu về Thành Cát Tư Hãn của Bảo tàng Columbia của Hoàng gia Anh có đoạn: "Thành Cát Tư Hãn chia sẻ với những người đi theo ông cả đắng cay lẫn ngọt bùi. Khi xây dựng quân đội, ông tập hợp những người lính từ những bộ lạc khác nhau, biến Mông Cổ trở thành một đội quân thống nhất hơn là những bộ lạc riêng biệt.
Ông chỉ cho kẻ thù một sự lựa chọn: đầu hàng và trở thành nô lệ, hoặc là chết. Với việc liên tục tăng cường kỷ luật, lòng trung thành và duy trì chế độ ban thưởng hậu hĩnh, và xử phạt những ai chống lại ông, Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng nên một đế chế rộng lớn".
Tầm nhìn của Thành Cát Tư Hãn là mang lại sự thịnh vượng về mặt kinh tế cho người dân và quyền lực cho chính bản thân ông đồng thời tiêu diệt hoàn toàn mọi kẻ thù cũng như có được sự công bằng cho mọi người.
Có vẻ như Thành Cát Tư Hãn không có ý định xây dựng một đế chế rộng lớn nhất thế giới. Ông dường như có suy nghĩ rằng chiến tranh và cướp bóc dân tộc khác chính là phương tiện hữu hiệu để ngăn các bộ lạc Mông Cổ không đánh lẫn nhau. Ông cũng có nhận thức rằng bằng cách làm như vậy, những người Mông Cổ mới có thể bảo tồn được cách sống du mục của họ.
Những trợ giúp cho quyền lực của Thành Cát Tư Hãn là việc tận dụng những kỹ thuật quân sự tiên tiến thời đó, cách tổ chức quân đội độc đáo, thăng tiến được dành cho những người có công chứ không phải cho những người trong gia đình hay dòng tộc, những quy định rõ ràng trong chiến tranh và một hệ thống hành chính minh bạch cai quản những dân tộc thua trận.
Thành Cát Tư Hãn tổ chức thành những đơn vị mười nghìn người, không dựa trên thành phần của các bộ lạc. Điều này giảm thiểu khả năng xung đột nội bộ. Ông cũng có một đội cận vệ, được trang bị đặc biệt và chuyên giải quyết những nhiệm vụ khó khăn. Tất cả chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn đều được chỉ thị không được đánh mắng binh sĩ.
Luật chiến tranh được quy định rất rõ ràng và được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu một người lính đào ngũ, anh ta sẽ bị tử hình. Nếu một người không kịp dừng ngựa của anh ta lại và đâm sầm vào người lính đi trước, khiến hành lý của người đó rơi xuống đất, anh ta cũng bị tử hình. Nếu hai hay nhiều thành viên của một đơn vị chiếm được vị trí thuận lợi mà không được đồng đội hỗ trợ, người đi sau cũng sẽ bị tử hình…
Trong thời bình, Thành Cát Tư Hãn cũng có cách phát triển cấu trúc tổ chức hành chính rất riêng. Ông tổ chức thành những đội cơ số mười, một trăm, một nghìn, không phụ thuộc người lính thuộc bộ lạc hay gia tộc nào. Lãnh đạo được cất nhắc dựa trên thành tích. Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ trích cho rằng Thành Cát Tư Hãn quá thiên vị đội kỵ binh của mình, cũng dễ hiểu khi đó là thành phần chủ lực giành chiến thắng của ông.
Thành Cát Tư Hãn cũng phát triển một bộ luật viết, dựa chủ yếu vào các luật lệ của người Mông Cổ. Ví dụ, tội trộm cắp, cho dù là ăn trộm bất cứ thứ gì, cũng bị xử tử hình. Tử hình cũng là hình phạt cho cả hai người bị bắt về tội thông dâm…Luật lệ của Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn luôn rất rõ ràng và không có ngoại lệ.
Thật khó có thể tưởng tượng rằng một nhà lãnh đạo nghiêm khắc như Thành Cát Tư Hãn lại có thể áp dụng tư tưởng trao quyền. Tuy nhiên, nếu như chúng ta hiểu "trao quyền" như một loại "thỏa thuận" giữa nhà lãnh đạo và những người phục tùng với sự tin tưởng lẫn nhau, thì đó chính là cách tiếp cận chủ yếu của Thành Cát Tư Hãn.
Thành tích là nguyên tắc cơ bản trong đề bạt tướng lĩnh của Thành Cát Tư Hãn. Ông cũng cho các quý tộc làm chỉ huy, nhưng phần lớn những vị tướng tài giỏi và được ông tin cậy nhất là những người có thành tích xuất sắc nhất. Ông tin tưởng những người đó sẽ hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù vậy trách nhiệm của họ cũng rất cao.
Chỉ huy của các đơn vị quân lính được đích thân Thành Cát Tư Hãn tuyển chọn. Đó có thể là các con trai ông, cháu họ ông hay thậm chí là những người từng là tù binh của ông nhưng được ông tin tưởng và tôn trọng. Các chỉ huy có trách nhiệm phải sẵn sàng trước mọi tình huống – nếu không họ sẽ bị thay thế.
Về mặt lý thuyết, bất kì người lính nào nếu thể hiện tốt trên chiến trường cũng có thể trở thành chỉ huy. Đội cận vệ của ông thà chết chứ không để cho ông thất vọng. Đó chính là ví dụ tuyệt vời của sự trao quyền.
Thành Cát Tư Hãn chính là hiện thân cho khao khát của những người đi theo ông. Không chỉ cho họ một tầm nhìn về một đế chế thế giới, ông còn đáp ứng nhu cầu được thoát ra khỏi vòng nghèo đói của họ.
Thật khó có thể đánh giá chính xác Thành Cát Tư Hãn đã truyền cảm hứng cho tùy tùng như thế nào, vì không có một tài liệu nào được ghi chép lại, thậm chí ông còn không biết viết. Tuy nhiên, Bí Sử Nguyên Mông và một số tài liệu Ba Tư cổ có thể cho chúng ta một số lời giải đáp.
Thành Cát Tư Hãn, trong khi tìm kiếm quyền lực cho riêng mình, cũng không quên chia sẻ gia súc, quần áo, thức ăn và những mảnh đất chiếm được cho người khác, cho dù vị trí xã hội của họ như thế nào.
Ông luôn thể hiện sự tin cậy với những người được ông tin tưởng nhất, và không ngừng hào phóng khuyến khích tất cả mọi người theo mình. Luật lệ rõ ràng, phần thưởng dồi dào và thành tích là nguyên tắc cơ bản trong sự cai quản của ông.
Khi tham gia chiến trận, ông chỉ nghĩ tới chiến thắng. Những người theo ông hiểu rằng họ đang đi theo một người chiến thắng. Cuối cùng, ông luôn tuân thủ những nguyên tắc của mình, cho dù người trước mặt mình có là ai, trong hoàng tộc, trong chính gia đình mình hay thậm chí là các con trai của ông. Chính điều đó đã tạo ra niềm tin và động lực phấn đấu cho những người Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn có công lớn trong sự thống nhất của các bộ lạc Mông Cổ và cải thiện đời sống người dân. Dưới thời ông, thương mại được phát triển, liên lạc với các vùng đất xa xôi được tăng cường (cho tới tận châu Âu). Ông chính là người đã tạo ra đế chế trên bộ lớn nhất thế giới trong mọi thời đại, bao gồm cả việc đặt nền móng cho sự thành lập triều Nguyên ở Trung Quốc. Nhờ luật lệ rõ ràng, những tranh chấp nội bộ trong gia đình và bộ tộc đã chấm dứt, hòa bình và trật tự được thiết lập.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, việc không thể tránh khỏi là đế quốc Mông Cổ đã bị chia cắt làm bốn, do bốn người con trai của ông làm Hãn. Tuy nhiên, như một sự biết ơn và tôn kính với ông, giữa bốn vương quốc này không hề có chiến tranh. Thậm chí họ còn tiếp tục hợp tác với nhau để "cùng thống trị thế giới".
Trong đó phải kể đến Khubilai, người đã sáng lập ra triều Nguyên. Vương triều này tồn tại từ năm 1279 đến năm 1368, và có ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống nhân dân Trung Quốc. Chính vì thế, rõ ràng là Thành Cát Tư Hãn xứng đáng được gọi là một nhà Lãnh đạo với chữ "L" hoa.
Nguồn: Theo Lãnh Đạo
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này