Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 11,545
Thỉnh thoảng khi có ai đó đem con nhỏ đến văn phòng, dễ nhìn thấy cảnh các đồng nghiệp vui vẻ vây quanh và tươi cười chào em bé, kèm theo đó là những câu đùa kiểu như “Ôi cục nợ của mẹ A xinh quá!”, “À bố B giờ chả còn tâm trí làm việc hoá ra vì cái em bé đáng yêu này đây”,… Nghe qua thì quả khiến bậc cha mẹ cảm thấy phổng mũi nhưng nghĩ kỹ lại thì hình như có gì đó … sai sai! Việc có con nhỏ dường như phần nào đã thay đổi khá nhiều cuộc sống lẫn thời gian làm việc của các phụ huynh nơi công sở nhưng thôi nào, đừng làm như đây chính là cú “phạt đền” mà họ đang gánh chịu. Dù sự thật không thể phủ nhận là thời gian có bận rộn hơn, mọi ưu tiên có đảo lộn và đôi khi rất nhiều người phải chấp nhận chậm thăng tiến lại hoặc thậm chí tạm thời từ bỏ sự nghiệp vì con nhỏ nhưng hãy cùng CareerViet.vn xem qua những phân tích hữu ích sau để giúp bạn ứng phó với hoàn cảnh này một cách linh hoạt nhé!
TRỞ THÀNH PHỤ HUYNH KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC CHỊU ‘PHẠT ĐỀN’
Theo bà Anna AuerBach, Đồng điều hành và Sáng lập công ty Werk, nhiều ý kiến vẫn cho rằng người đi làm mà đặc biệt là phụ nữ thường chọn cách từ bỏ sự nghiệp sau khi có con nhưng điều này là hoàn toàn không đúng mà chính xác là “những phụ nữ nhiều cầu tiến trong công việc bị buộc phải chọn lựa như vậy vì họ không nhận được những chính sách linh hoạt cần thiết”. Quan điểm bà Anna đưa ra là không phải con cái bỗng nhiên trở thành cớ sự khiến các bố mẹ mất hết hứng thú hoặc đam mê trong công việc, mọi thứ vẫn như vậy thôi nhưng tình huống mới trong cuộc sống khiến họ không thể luôn luôn tuân thủ lịch làm việc nghiêm ngặt đúng boong từ sáng đến chiều như thuở còn son rỗi. Thế cho nên các em bé nhỏ bỗng bị đưa ra so sánh như những “cú phạt đền” trong sự nghiệp của bố mẹ. Quả là không công bằng một chút nào!
Trên thực tế, những người đi làm sau khi có con lại chứng tỏ nhiều năng lực hơn người ta vốn nghĩ. Thay vì tung ta tung tăng vừa làm vừa chơi, họ cố gắng tập trung giải quyết công việc nhanh hơn để có thể về nhà cùng con nhỏ; kỹ năng đa nhiệm (multi-tasking) cũng được cải thiện tốt hơn bởi họ học được cách tự thực hiện nhiều thứ cùng một lúc sau khi con chào đời và điều quan trọng nhất, họ chấp nhận những thử thách mới mẻ trong công việc bằng một thái độ tích cực từ chính những trải nghiệm của mình tích luỹ được khi chăm sóc và nuôi dạy con. Điều quan trọng trong tình huống này là một môi trường làm việc có văn hoá cảm thông, chia sẻ cũng như có những chính sách linh hoạt về các chế độ làm việc để bạn có thể tiếp tục phát huy năng lực như đã từng. Và còn một điều khác cũng quan trọng không kém, bạn phải là người đầu tiên có suy nghĩ đúng đắn về việc tiếp tục đi làm khi có con nhỏ và không bao giờ đánh đồng việc trở thành phụ huynh như chịu phạt đền trong một trận cầu.
THẲNG THẮN TRAO ĐỔI VÀ TÌM KIẾM SỰ LINH HOẠT TRONG CÔNG VIỆC
Ngay từ khi chưa có con, bản thân bạn cũng vẫn từng nhiều lần phải xin nghỉ đột xuất hoặc hạn chế công việc bởi những lý do riêng như cha mẹ bị ốm hay gia đình có sự kiện chẳng hạn. Những điều này là không thể tránh khỏi với bất kỳ ai, bao gồm cả sếp và những đồng nghiệp thuộc bộ phận nhân sự. Vì vậy, bạn nên trao đổi thẳng thắn về tình huống hiện tại của mình với những người có liên quan và sếp trực tiếp để trước hết hai bên cùng có được cái nhìn thấu đáo, cảm thông và cùng tìm ra hướng giải quyết. Rất nhiều công ty áp dụng chính sách linh hoạt cho nhân viên và để đổi lại, bạn có thể “tạm” hy sinh một vài quyền lợi hoặc thậm chí không cần thiết nhưng lại nỗ lực hơn để tạo ra những giá trị xứng đáng cho thành quả chung của tập thể. Cơ hội để bạn nhận được sự đồng thuận từ công ty là rất lớn ngay khi bạn cũng chính là người chấp nhận sự thay đổi và linh hoạt trong phong cách làm việc của mình. Ví dụ như đừng khăng khăng hết việc của tôi tôi không làm nữa hoặc đôi khi chấp nhận thức khuya hơn một chút để giải quyết những tồn đọng sau mấy ngày nghỉ phép chẳng hạn.
ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
Nếu đã từng xem cuốn sách cực kỳ nổi tiếng này của Andrew Matthews, bạn hẳn sẽ có thể rút ra rất nhiều điều hữu dụng cho bản thân, đặc biệt là trong tình huống bị gán ghép “phạt đền” như hiện tại. Với những ai chưa có dịp đọc qua, hãy chỉ cần ghi nhớ rằng mọi điều có đơn giản hay không đôi khi không nằm ở bản chất của sự việc mà chính là ở lăng kính nhìn nhận của bạn.
Thế nên thay vì căng thẳng và tự gây áp lực lên bản thân với việc vừa phải giỏi việc công ty vừa phải đảm việc nhà cửa con cái, bạn hoàn toàn có thể chủ động thay đổi môi trường làm việc với thời gian thoải mái hơn. Thu nhập so với mức bình quân của thị trường hay sự thăng tiến có thể không như bạn kỳ vọng nhưng bạn hoàn toàn vẫn có thể đón chờ những cơ hội nghề nghiệp xứng tầm vào một thời điểm thích hợp hơn. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên việc tiếp tục tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng cho tương lai trong thời gian này nhé. Thậm chí bạn vẫn có thể “tận dụng” khoảng trống trong thời khoá biểu của mình để tham gia một khoá học trực tuyến phù hợp nhằm bổ sung thêm nhiều lợi thế vào CV của mình về sau.
Chìa khoá của mọi thành công tuy không bao giờ được đúc khuôn từ cùng một công thức nhưng đều luôn được trao tặng cho những người bền chí và luôn suy nghĩ tích cực để biến mọi khó khăn trở thành động lực và cơ hội. Tình huống có con nhỏ được ví von trong bài viết này chỉ là một ví dụ cho rất nhiều những tình huống “chịu phạt đền” khác nữa trong sự nghiệp của bạn. CareerViet.vn hy vọng bạn có thể rút ra điều gì đó hữu ích cho bản thân và luôn hạnh phúc với mọi sự lựa chọn của mình trong công việc.
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này