Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 47,326
Giao tiếp tốt không chỉ là biết cách trình bày thông tin rõ ràng, hài hước, cuốn hút, sôi nổi. Bạn đừng bỏ quên mặt còn lại của nghệ thuật giao tiếp: cách lắng nghe. Nhất là "lắng nghe thấu cảm", với những tác động âm thầm mà mạnh mẽ, tích cực cho sự nghiệp.
Biết cách lắng nghe sẽ mang lại những lợi thế thực sự ở nơi làm việc
Biết cách lắng nghe sẽ mang lại những lợi thế thực sự ở nơi làm việc. Hiểu thông tin người khác nói giúp bạn hoàn thành công việc đúng thời hạn. Và lắng nghe thấu cảm để hiểu đồng đội và cấp trên thì cộng tác càng hiệu quả bền vững hơn nữa.
Lắng nghe thấu cảm là gì?
Cốt lõi của việc “lắng nghe thấu cảm” là sự kết nối, khi bạn chủ định tiếp thu những điều mà đối phương nói (hoặc không nói ra) để tìm cách thấu hiểu thế giới nội tâm của họ.
Như vậy, bạn phải dành toàn bộ sự chú ý cho đối phương để hiểu rõ hơn về họ. Khác với “lắng nghe tích cực” thông thường, lần này bạn phải đặc biệt chú trọng vào việc thấu hiểu trải nghiệm cảm xúc của người nói. Lắng nghe tích cực thường dẫn đến một danh sách các hành động, còn lắng nghe thấu cảm tập trung vào sự kết nối mạnh mẽ hơn về tinh thần, nhu cầu, động lực và nhận thức của người khác. (Danh sách hành động sau đó chỉ là sản phẩm phụ của việc xây dựng mối quan hệ bền chặt, thay vì là mục tiêu hàng đầu).
Phương pháp nghe này đòi hỏi bạn phải tư duy vượt khỏi những câu chữ và câu chuyện bề mặt đang được nói tới để tự giải thích vì sao mà người kia nói chuyện đó, tại sao họ nói như thế và cảm nhận của họ khi nói. Từ đó, đồng cảm với họ và tạo ra một không gian mà người khác cảm thấy an toàn khi là chính họ. Đó sẽ là nền tảng cho sự giao tiếp cởi mở và trung thực giữa người nói và người nghe.
Cách lắng nghe thấu cảm
Để thể hiện sự lắng nghe thấu cảm, hãy thử áp dụng các bước này trong cuộc trò chuyện tiếp theo:
1. Tập trung vào câu chuyện
Bỏ qua những độc thoại nội tâm của riêng bạn, đặt điện thoại sang một bên và đặt sự chú ý của bạn vào người đối diện. Nếu một ý tưởng, việc cần làm bật ra và cản trở quá trình lắng nghe, hãy cứ tin rằng nếu nó thực sự quan trọng, bạn sẽ nhớ ra và quay lại với nó sau.
2. Quan sát các tín hiệu
Ngôn ngữ cơ thể: mức độ thoải mái của người đối diện đối với một chủ đề hoặc một cá nhân nào đó.
Nhịp độ nói có thể cho thấy sự thay đổi trong cảm xúc.
Sự tự tin: mọi người có xu hướng hạ thấp giọng khi nói về những lĩnh vực họ không tự tin hoặc không có quyền hạn và ngược lại.
Tiết tấu: nhịp độ nói có thể cho thấy sự thay đổi trong cảm xúc.
3. Đặt câu hỏi kết nối
Cố gắng tránh xa những câu hỏi dẫn dắt, gợi ý mà kết thúc thường dẫn đến câu trả lời “có” hoặc “không”. Thay vào đó, hãy thử hỏi những câu về “cái gì” hoặc “bằng cách nào” để mở đường cho câu trả lời của đối phương.
Ví dụ: thay vì hỏi "Bạn có nghĩ rằng cuộc họp đó thất bại không?"; hãy hỏi "Bạn nghĩ cuộc họp đó diễn ra thế nào?" để giữ tính trung lập và khách quan.
4. Điều chỉnh cách tiếp cận câu chuyện
Mỗi người đều có một chế độ nghe mặc định dựa trên bản tính có sẵn. Ví dụ: người bẩm sinh thích giải quyết vấn đề sẽ sẵn sàng cung cấp các giải pháp ngay lập tức. Hoặc người hòa giải bẩm sinh thì thích chỉ ra các khía cạnh khác nhau của vấn đề để phân tích một cách khách quan. Nhưng đưa ra lời khuyên khi chưa được khuyến khích hoặc mổ xẻ vấn đề từ mọi góc độ có thể không phải là cái mà người đối thoại cùng thấy cần. Những cách tiếp cận câu chuyện như thế này không phù hợp để “thấu cảm”.
Vì vậy, trước khi đưa ra lập luận hay lời khuyên, hãy thử xem đó có thực sự là cái mà đối phương cần? Hay họ đang muốn một sự đồng cảm — chẳng hạn như khuyến khích, xác nhận hoặc thậm chí đồng tình. Nếu muốn chắc chắn về cách phản ứng, hãy thử hỏi: "Không biết lời khuyên của tôi trong trường hợp này có hữu ích với bạn không?" hoặc "Tôi có ý tưởng để giải quyết vấn đề này, bạn có muốn nghe thử không?". Đơn giản hơn thì: "Bạn có muốn tôi đưa ra quan điểm gì không hay chỉ cần được lắng nghe?".
5. Xác nhận lại thông tin
Nếu có quá nhiều thông tin hỗn loạn, hãy hỏi lại để tránh thông tin không chính xác hoặc các giả định vô căn cứ trong quá trình nghe - hiểu. Điều này giúp bạn đảm bảo là mình đang hiểu ý người khác, cũng như thể hiện bạn quan tâm đến điều họ nói. Ví dụ: “Theo như tôi hiểu thì… Có đúng vậy không?”.
6. Chuyển hướng để lôi kéo cả những người khác
Lắng nghe theo cách này để xây dựng cuộc đối thoại bình đẳng và phù hợp cho tất cả mọi người
Khi khả năng lắng nghe của bạn được nâng cấp, bạn có thể bắt đầu tiếp thu nhiều hơn những gì đang được nói ra. Bạn có thể biết ai đang lạc đề hoặc ai đang bị “ra rìa” trong cuộc hội thoại. “Lắng nghe” theo cách này cho bạn phương tiện để xây dựng cuộc đối thoại bình đẳng và phù hợp cho tất cả mọi người. Hãy thử tìm cách chuyển hướng để mọi người đều có thể tham gia vào câu chuyện: “Ý tưởng này hay đấy. Nhưng có thể áp dụng như thế nào với công việc của bạn A, bạn B… nhỉ?” hoặc “Mọi người thấy sao về ý tưởng này?”.
Khi bạn áp dụng cách lắng nghe thấu cảm vào các cuộc trò chuyện, họp nhóm và họp ý tưởng, bạn sẽ hiểu đồng nghiệp sâu sắc hơn. Khi biết điều gì khiến mọi người chú ý, nhu cầu nào có thể bị lấn át và cảm giác của ai đó vào lúc đó, bạn có thể tham gia một cách phù hợp và có tính hỗ trợ. Ít nhất, nó sẽ giúp bạn đồng cảm, tránh các xung khắc, hiểu nhầm và giao tiếp, cộng tác hiệu quả hơn với đồng đội xung quanh.
Nguồn: CareerViet
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này