Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 19,689
1. CHỦ ĐỘNG LIÊN HỆ VỚI CÁC CÔNG TY MÀ KHÔNG CẦN ĐỢI THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG
Thay vì chờ đợi các công ty đăng tuyển các vị trí và tự gây áp lực cho bản thân với sự cạnh tranh từ các ứng viên khác, bạn có thể chủ động mở ra cơ hội nghề nghiệp mới bằng cách chủ động liên hệ với các công ty mà bạn yêu thích. Việc chủ động này cho thấy bạn có sự tự tin và chuẩn bị tốt khi đã tìm hiểu trước các thông tin về công ty muốn ứng tuyển, đồng thời gia tăng khả năng được công ty lưu vào danh sách quan tâm nếu các kỹ năng của bạn thực sự phù hợp.
2. NÂNG CẤP THƯ TỰ GIỚI THIỆU (COVER LETTER) VÀ HỒ SƠ NGHỀ NGHIỆP (CV) CỦA MÌNH
Phần lớn ứng viên cảm thấy nhàm chán với những lời khuyên về việc cần nâng cấp thư tự giới thiệu và hồ sơ nghề nghiệp bởi họ đang có một công việc ổn định nên cho rằng điều này hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không có nhu cầu chuyển đổi công việc, bạn vẫn luôn nên duy trì những kết nối hữu ích để chuẩn bị cho những thay đổi bất ngờ trong tương lai. Vì vậy, việc luôn cập nhật mới thư tự giới thiệu và hồ sơ nghề nghiệp sẽ giúp bạn chủ động rất nhiều khi có những cơ hội mới, nếu không việc tưởng chừng đơn giản này lại có thể lấy mất rất nhiều thời gian của bạn bởi bạn sẽ không biết phải chỉnh sửa từ đâu.
3. DÀNH THỜI GIAN ĐỂ TẬP LUYỆN VIỆC PHỎNG VẤN
Cũng tương tư như việc nâng cấp thư tự giới thiệu và hồ sơ nghề nghiệp, việc tập luyện các tình huống phỏng vấn thường xuyên mới có thể khiến các kỹ năng của bạn tốt dần lên. Nếu bạn không tự chủ động thực hiện điều này mà chờ đợi khi có được lời hẹn phỏng vấn mới bắt đầu bối rối, lúng túng đi tìm cách đối phó thì chắc chắn khả năng xử lý các tình huống của bạn sẽ khó mà thuận lợi khi ngồi vào bàn thảo luận cùng các phỏng vấn viên.
4. TỰ VẤN BẢN THÂN XEM BẠN THẬT SỰ MUỐN VÀ CẦN GÌ TRONG CÔNG VIỆC
Khi không quá gấp rút về việc phải có một công việc mới ngay lập tức, bạn sẽ có thể thong thả tự nhìn nhận lại con đường sự nghiệp của mình và xác định lại những mục tiêu mà bạn nên phấn đấu trong tương lai. Bạn cũng đồng thời nên cân nhắc lại những yếu tố bạn muốn và cần trong công việc để có những thay đổi và điều chỉnh phù hợp với bản thân ở các giai đoạn khác nhau. Ví dụ như bạn đang mong muốn một môi trường làm việc có thời gian thoải mái hơn hay một mức lương tương xứng hơn, bạn cần được công ty trang bị những kỹ năng chuyên môn tốt hơn hay bạn cần được đề bạt lên vị trí cao hơn vào lúc này? Hãy suy nghĩ và đặt ra những cột mốc mới cần chinh phục để giúp bản thân không bị tụt lùi hay ì ạch trong vùng an toàn.
5. HỌC NHỮNG KỸ NĂNG MỚI HOẶC CÁC CHỨNG CHỈ HỮU ÍCH
Khi đang không phải trong giai đoạn cấp bách tìm kiếm một công việc mới, bạn hoàn toàn có thời gian để học hỏi thêm một kỹ năng mới nào đó hoặc đề ra mục tiêu lấy được chứng tín chỉ nghề nghiệp hữu ích. Hãy thử dành thời gian quan sát xem những đồng nghiệp ở vị trí cao hơn hoặc có thể có mức thu nhập tốt hơn đang sở hữu những điều kiện gì mà bạn còn thiếu và bạn sẽ biết mình cần làm gì lúc này rồi đấy!
6. TẠO MỚI HOẶC CẬP NHẬT LẠI BẢN THÂN TRÊN CÁC KÊNH TRỰC TUYẾN
Bạn có thể không phải hoặc cũng có thể là một người thích sử dụng mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến nhưng nếu xét về phương diện nghề nghiệp, đừng phủ nhận sức ảnh hưởng của chúng. Việc cập nhật vừa đủ, tạo hình ảnh chỉn chu và biết tiết chế những điều nên hay không nên thể hiện trên mạng xã hội có thể tạo ra nhiều giá trị cho bản thân bạn bởi các nhà tuyển dụng ngày nay thường có xu hướng “google” ứng viên trước các buổi gặp gỡ chính thức để hiểu hơn về tính cách và thói quen giao tiếp, ứng xử. Vậy nên, nếu bạn đang sở hữu một trang blog cá nhân hay những mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Linkedin, Twitter, Snap, hãy đảm bảo rằng chúng được cập nhật phù hợp nhất trong giai đoạn bạn đưa mình vào tầm ngắm của các nhà tuyển dụng yêu thích.
7. THỬ MỘT VÀI “CHIÊU” NHO NHỎ KHÁC
Một vài bí kíp nho nhỏ thôi nhưng có khi bạn chưa từng hoặc ít được chia sẻ thật sự lại giúp ích rất nhiều cho bạn trong nghề nghiệp đấy. Ví dụ như một vài “chiêu” sau:
Sau khi cập nhật hồ sơ nghề nghiệp, dù đã có trong tay bảng rà soát nội dung CV, bạn hãy cứ thử đưa cho một người khác xem lại. Ở một vị trí khách quan, họ sẽ giúp bạn nhận ra một vài thiếu sót bạn có thể mắc phải cũng như đóng góp những ý kiến khiến hồ sơ của bạn trở nên chuyên nghiệp hoặc sáng tạo hơn.
Khéo léo loan tin trên các trang mạng xã hội cá nhân rằng bạn đang khá thoải mái trong việc tìm kiếm một cơ hội mới trong sự nghiệp. Nửa đùa nửa thật là cách khiến người khác dễ chú ý và họ thường sẽ nhắn tin riêng cho bạn để giới thiệu một vị trí hoặc một ai đó họ biết đang có nhu cầu tuyển dụng trong mạng lưới các mối quan hệ của họ. Lúc này, bạn lại phải nghiêm túc chia sẻ nhé.
Tự tạo cho mình bộ dữ liệu những mối quan hệ riêng trong quá trình làm việc, đó có thể là đồng nghiệp, là khách hàng, là sếp. Cứ thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó bạn muốn mở một cửa hàng nhỏ cho riêng mình, bạn đã có sẵn ngay một tập khách hàng tiềm năng rồi đấy.
Dù chỉ mới ở bước ứng tuyển thôi, bạn cũng nên có quy trình theo dõi một cách rõ ràng để nhắc nhở bản thân bạn đang ở bước nào, nếu được may mắn đi tiếp các vòng phỏng vấn khác thì cần chuẩn bị gì, nếu chưa may mắn lọt mắt xanh nhà tuyển dụng thì cần nói lời cảm ơn người phỏng vấn viên đã từ chối mình ra sao. Hãy luôn chuyên nghiệp nhất có thể trong mọi tình huống.
Trong quá trình tìm việc, hãy ứng tuyển ngay với vị trí nào mà bạn thấy phù hợp. Đừng chần chừ lưu lại các mẩu tin tuyển dụng để gửi CV vào lúc sau bởi bạn có thể đánh mất cơ hội bởi thói quen “để mai tính” của mình đấy. Bạn có khả năng lu bu với những việc khác và quên mất hạn ứng tuyển hoặc một ứng viên phù hợp khác xuất hiện và nhận được việc trước khi bạn nhớ ra mình cần làm gì tiếp theo. Thế nên, việc hôm nay chớ để ngày mai nhé.
Nguồn hình: Freepik
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này