Thông Báo Việc Làm
Chào mừng bạn đến CareerViet.vn
Tạo thông báo việc làm để xem việc làm phù hợp với bạn, nhà tuyển dụng đã xem hồ sơ của bạn và cập nhật nhiều hơn nữa ...
welcome to careerviet
Lượt xem: 32,521
Đôi khi sự nghiệp của bạn có thể không thật sự được thuận lợi, có một vài công việc tưởng như là bến đỗ mơ ước nhưng cuối cùng không suôn sẻ cho mấy. Và bạn chọn cách ra đi, hoặc trong một tình huống tệ hơn là bị buộc phải ra đi. Vấn đề là nhà tuyển dụng thường đặt ra dấu chấm hỏi vì sao bạn lại rời bỏ một công việc, còn bạn thì muốn bỏ qua việc phải giải thích tại sao mọi chuyện lại xảy ra và đã xảy ra như thế nào. Trong bài viết này, CareerViet.vn gửi đến bạn một vài tư vấn nhỏ cách diễn đạt trong CV ra sao nhằm vượt qua nỗi e ngại phải "tường trình" về công việc không được như ý trước đó và lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng để được mời phỏng vấn nhé.
TRƯỜNG HỢP 1 - BẠN BỊ SA THẢI
Rời bỏ công việc
Hãy cứ liệt kê công việc mà bạn không may bị sa thải như những công việc trước đó, với khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc nhưng không cung cấp quá nhiều thông tin chi tiết. Bạn cần trung thực về ngày tháng điền vào cho vị trí này, đừng nên vờ vĩnh rằng bạn vẫn còn đang làm việc ở đó và đang bỏ ngỏ cho khả năng tìm kiếm một công việc mới. Bạn cần cho nhà tuyển dụng biết rằng mình đã chấm dứt việc đảm nhiệm vị trí cũ và đang trong quá trình tìm kiếm một công việc mới. Và khi nhà tuyển dụng muốn biết lý do vì sao bạn rời công ty cũ, bạn không cần đề cập đến vấn đề sa thải mà chỉ cần nêu rõ rằng những định hướng giữa đôi bên không còn phù hợp để tiếp tục cùng phát triển.
TRƯỜNG HỢP 2 - BẠN NẰM TRONG NHÓM NHÂN VIÊN BỊ GIẢM BIÊN CHẾ
Mặc dù có vẻ tương tự trường hợp đầu tiên nhưng thật ra việc nằm trong số những nhân viên bị cắt giảm biên chế lại ít nghiêm trọng hơn. Có nhiều lý do khách quan đôi khi không đến từ bạn, ví dụ như tình hình kinh doanh của công ty đang gặp khó khăn, công ty chịu ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội khác như dịch bệnh chẳng hạn. Vì vậy, khi viết CV, bạn vẫn có thể liệt kê công việc trước đó đảm nhiệm nhưng đừng nêu lý do bạn đã kết thúc làm việc vì lý do bị giảm biên chế. Thay vào đó, bạn có thể ghi rõ điều này trong thư xin việc (cover letter) bởi thư xin việc cho phép bạn có nhiều không gian và từ ngữ để diễn đạt rõ ràng tình huống của mình hơn. Hãy nhấn mạnh vào chi tiết đây là một tình huống không mong muốn và bạn, thay vì nản lòng và cảm thấy thất bại, vẫn đang tiếp tục trên hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của mình.
TRƯỜNG HỢP 3 - CÔNG VIỆC TRƯỚC ĐÓ CỦA BẠN LÀ MỘT VỊ TRÍ NGẮN HẠN
Công việc ngắn hạn - công việc bán thời gian
Nếu muốn để một công việc ngắn hạn vào CV nhằm làm phong phú hơn những kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân, hãy tạo một phần tách biệt mang tên "Các công việc/vị trí khác" dành riêng cho những công việc mà bạn chỉ trải qua một thời gian làm việc tương đối ngắn. Nhà tuyển dụng thường không mấy thích các ứng viên "nhảy việc" quá nhiều nhưng khi bạn phân riêng loại công việc ngắn hạn sang một phần, họ thường nhìn nhận về điều này không quá gay gắt mà thiên về hướng ứng viên có thể có những lý do riêng để đảm nhận các vị trí ngắn hạn trong một khoảng thời gian, và giờ là lúc để họ nghiêm túc quay lại với một sự nghiệp ổn định hơn.
MỘT VÀI MẸO KHÁC - THAY ĐỔI ĐỊNH DẠNG CỦA CV
Một CV truyền thống thường sẽ liệt kê các công việc của ứng viên theo thứ tự thời gian và theo từng vị trí một. Tuy nhiên, để tránh việc phải cố gắng mô tả những công việc "thất bại" trong quá khứ, hãy thử đổi sang định dạng của loại CV dựa trên kỹ năng. Định dạng này cho phép bạn nêu bật lên những kinh nghiệm và thế mạnh mà mình đạt được trước, sau đó đính kèm tên của các công ty và vị trí có liên quan để minh hoạ. Nó cũng cho phép bạn bỏ qua các mốc thời gian không mong muốn liệt kê và chỉ phải trao đổi về điều đó nếu nhà tuyển dụng thật sự quan tâm trong buổi phỏng vấn.
LOẠI BỎ HOÀN TOÀN CÔNG VIỆC KHÔNG NHƯ Ý TRONG CV
Với một số công việc mà thời gian đảm nhiệm của bạn chỉ dưới 6 tháng, hãy can đảm loại bỏ việc đề cập đến trong CV. Một khoảng thời gian trống giữa những lần luân chuyển công ty không phải là một vấn đề quá lớn, bởi ai cũng có những giai đoạn bận rộn hoặc có những lý do cá nhân dẫn đến tình huống cần tạm ngưng làm việc. Nếu bạn sở hữu những kỹ năng và kinh nghiệm ở các vị trí khác phù hợp với công việc đang ứng tuyển, bạn nên tập trung làm nổi bật những điều này trong CV thay vì mất công phải diễn giải đầy đủ toàn bộ những vị trí trong quá khứ. Với những công việc kết thúc không như mong đợi, việc liệt kê này lại khiến CV của bạn vừa dài dòng vừa không dễ vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ.
>>> Xem thêm: Việc tốt Lương cao
Nguồn hình: Freepik
Nguồn: CareerViet Vietnam
Vui lòng đăng nhập để thực hiện chức năng này