Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Quản trị năng lượng của nhân viên

Lượt xem: 5,352

Bạn có thể ép nhân viên làm nhiều giờ hơn, nhưng làm sao để họ toàn tâm toàn ý với công việc mới là vấn đề quan trọng. Đã đến lúc các tổ chức phải đầu tư vào chính nhân viên, để họ có động lực và có thể làm được nhiều việc hơn mỗi ngày.

Làm việc 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, cảm thấy kiệt sức liên tục, mất ngủ, đau dạ dày và than phiền về việc không có thời gian cho người thân, con cái… Nếu đó là những gì mà nhiều nhân viên của bạn đang gặp phải, hãy cẩn thận, lòng trung thành cũng chỉ giúp cho họ cố gắng thêm được một thời gian nữa thôi.


Nhân viên của bạn có phải uống cà phê liên tục để duy trì tỉnh táo?

Tổn hại kéo dài về thể chất, tinh thần và cảm xúc mang đến một hệ quả rõ ràng: nhân viên mất năng lượng và động lực. Điều đó dẫn đến mức độ gắn kết với công ty ngày càng giảm, mức độ mất tập trung ngày càng tăng, nguy cơ mắc sai lầm trong công việc và hiện tượng nhảy việc tăng vọt.

Để tái tạo năng lượng một cách hiệu quả cho lực lượng nhân sự, các công ty nên xây dựng một nền văn hóa đồng cảm, coi nhân viên như những người bình thường với những nhu cầu xã hội bình thường và tôn vinh việc tận hưởng những phút giây hạnh phúc bình dị. Được tôn trọng thời gian cá nhân - đó chính là lý do mà ‘hybrid working’ đang nổi lên như một xu hướng được ủng hộ ở nhiều quốc gia.

Cơ thể: Ngôi đền năng lượng

Việc đầu tiên là tập trung vào năng lượng thể chất: dinh dưỡng, tập thể dục, ngủ và nghỉ ngơi giúp duy trì mức năng lượng cơ bản của con người, cũng như khả năng quản lý cảm xúc và tập trung sự chú ý.

Những người bỏ bê sức khỏe và có thời gian biểu không lành mạnh thường có những điểm chung sau: bỏ bữa sáng, không thể hiện sự đánh giá cao với người khác, có lúc gặp khó khăn khi tập trung vào công việc, nhận ra mình đang dành quá ít thời gian cho các hoạt động mang lại cảm giác về mục đích sống… Những điều này lặp đi lặp lại sẽ mang đến tinh thần rệu rã.

Công ty của bạn có thể không áp dụng ‘hybrid working’, nhưng vẫn có thể truyền thông nội bộ về cách duy trì sức khỏe, nhịp sống lành mạnh cho nhân viên: Đặt giờ đi ngủ sớm hơn, hạn chế những buổi nhậu của công ty, dậy sớm hơn, tập thể dục, ăn sáng với gia đình, rời bàn đi ăn khi đến giờ nghỉ trưa hoặc đứng dậy đi loanh quanh giữa giờ… Những việc nhỏ bé ấy không nên là việc nói suông, mà ngay cả lãnh đạo công ty cũng nên làm gương cho tập thể. Nhân viên sẽ bị áp lực nếu chính lãnh đạo đến sớm về muộn và không màng sức khỏe để cống hiến.

Cảm xúc: Chất lượng năng lượng

Kiểm soát cảm xúc giúp cải thiện chất lượng năng lượng. Điều này đòi hỏi mọi người phải có thời gian cho bản thân, bình tĩnh nhìn nhận các vấn đề cảm xúc đang gặp phải trước khi chuyển sang trạng thái tích cực.

Nhưng khi phải đối mặt với những thử thách công việc không ngừng, chúng ta rất khó để duy trì cảm xúc tích cực. Đặc biệt ở một môi trường mà ai cũng kiệt sức vì quá tải, mọi người trở nên cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn, hay lo lắng và bất an hơn. Điều này tiếp tục dẫn đến những hệ quả như: thiếu tin tưởng vào đồng nghiệp, muốn công kích người khác để giải tỏa tâm trạng, đổ lỗi hoặc từ chối hợp tác.


Vài phút buôn chuyện cũng không hại gì cho ai cả

Những trạng thái tâm trí như vậy làm tiêu hao năng lượng của con người và gây ra một mạng lưới độc hại giữa người với người trong tập thể. Trạng thái đối đầu với khó khăn (chiến đấu hoặc bỏ chạy) gặp phải do liên tục xích mích với đồng nghiệp trong suốt quá trình làm việc cũng khiến con người khó suy nghĩ rõ ràng, logic và phản xạ kịp thời.

Đó là lý do nếu bạn không xây dựng một môi trường công sở lành mạnh, minh bạch và đề cao sự tôn trọng thì nguồn năng lượng trong tập thể sẽ ngày càng xuống thấp.

Làm việc xen kẽ nghỉ ngơi

Bên cạnh gợi ý về sức khỏe và lối sống - cư xử lành mạnh, hãy hướng dẫn nhân viên cách lập thời khóa biểu làm việc phù hợp. Ví dụ: khuyên họ tập trung công việc khó vào khoảng thời gian họ thấy tỉnh táo, tập trung nhất trong ngày.

Hoặc thói quen “rời khỏi bàn”. Một sự thực là nếu cứ làm một hoạt động liên tục trong 90-120 phút, cơ thể chúng ta sẽ rơi từ trạng thái năng lượng cao sang trạng thái ‘xuống đáy’ với các biểu hiện như bồn chồn, ngáp, đói và khó tập trung. Càng bỏ qua để gắng sức thì năng lượng càng cạn kiệt.

Nhưng chỉ vài phút giải lao sẽ mang lại hiệu suất cao hơn và bền vững hơn. Đơn giản là đứng dậy để tán gẫu với đồng nghiệp, đi bộ và nghe nhạc, leo cầu thang… Thậm chí, lang thang đi bộ có thể giúp nhân viên của bạn tìm ra những sáng kiến tuyệt vời. Bởi đó là lúc con người không chủ động suy nghĩ, điều này cho phép bán cầu não trái vốn chiếm ưu thế được nghỉ ngơi và để bán cầu não phải với trí tưởng tượng phong phú tái hiện bức tranh tổng quan và nảy sinh những ý tưởng.

Trong một chương trình thử nghiệm “tái tạo năng lượng” cho một nhóm nhân viên ngân hàng, 68% báo cáo rằng mối quan hệ với khách hàng được cải thiện, 71% nói rằng năng suất và hiệu suất cũng trở nên tích cực. Vì thế, có lẽ chính các lãnh đạo cũng nên thực hành việc quản trị năng lượng. Bạn đã sẵn sàng để thổi một luồng gió mới, nguồn năng lượng mới vào tập thể nhân viên của mình chưa?

Nguồn ảnh: Pexels

Nguồn : CareerViet

Bài viết cùng chuyên mục "Nghệ thuật quản lý"

Xem thêm

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback